Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chuẩn bị nhập khẩu lợn sống, giá trong nước bắt đầu giảm

Giá lợn hơi trên thị trường đang có xu hướng giảm rõ rệt, ít ngày trước khi cơ quan chức năng dự kiến nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan.

Giá lợn hơi bắt đầu giảm

Do nhu cầu lợn sống trong nước tăng nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây khuyến khích doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu lợn sống từ các nước vào Việt Nam. Hôm qua, Cục Thú y cho biết, dự kiến trong tuần này, Việt Nam sẽ nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan, sau khi nước này cung cấp đủ tài liệu để thoả thuận các điều kiện và mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu lợn sống.

Ngay sau khi thông tin này, giá lợn hơi trên thị trường bắt đầu có xu hướng giảm "nhiệt".

Ông Nguyễn Văn Lộc - Trưởng ban quản lý chợ đầu mối gia súc gia cầm Hà Nam - thông tin: "Giá lợn hơi tại chợ này hôm nay 3/6 giảm 2 - 3 giá so với những ngày trước. Hiện tại, giá lợn được thương lái giao dịch tại chợ từ 92.000 - 98.000 đồng/kg, trước đó có lúc lên hơn 100.000 đồng/kg".

Như vậy, so với tuần trước, giá lợn hơi tại nhiều địa phương giảm xuống dưới mốc 100.000 đồng. "Tuần trước tôi đi bắt lợn ở nhiều tỉnh như Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình hay Hà Nội, giá đều dao động từ 99.000 - 103.000 đồng/kg thì nay giảm xuống còn 97.000 - 100.000 đồng/kg. Ở Phú Thọ, Yên Bái, giá cũng giảm khoảng 5.000 đồng/kg so với tuần trước về mức 94.000 - 96.000 đồng/kg. Nhìn chung giá tại khu vực miền Bắc đang giảm khoảng 3 ngày hôm nay, lượng lợn bắt được cũng nhiều hơn", anh Lê Giáp, một thương lái chia sẻ.

Lý giải về nguyên nhân giá thịt lợn giảm, anh Giáp cho rằng do giá lợn đã được đẩy lên quá cao, nhiều chủ trại bắt đầu xuất hàng ra để chốt lời, giá thịt lợn tại các chợ cũng tăng cao khiến người tiêu dùng mua ít đi. "Cung tăng lên mà cầu giảm đi thì đương nhiên giá sẽ hạ nhiệt. Chúng tôi cũng mong giá giảm một chút cho dễ thở, chứ cao quá nhiều khi cũng khó bắt", người này nói.

 Giá lợn hơi trên thị trường đang giảm. (Ảnh: Ngọc Khánh)

Còn tại thị trường miền Nam, giá lợn hơi những ngày qua cũng đang giảm đáng kể. Nếu như tuần trước khu vực này có giá ngang ngửa miền Bắc thì nay giảm về mức 93.000 - 96.000 đồng/kg thấp hơn lợn miền Bắc từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Thủ phủ chăn nuôi lợn lớn nhất cả nước Đồng Nai hiện đang được thương lái thu mua từ 94.000 - 96.000 đồng/kg, TP.HCM cũng nằm trong khoảng giá 95.000 đồng/kg.

Lợn nhập khẩu sẽ được cách ly để theo dõi

Trả lời VTC News, đại diện Cục thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: "Sau khi có chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc nhập khẩu lợn sống từ các nước vào Việt Nam, Cục Thú y đã liên hệ với cơ quan thú y nhiều nước đề nghị cung cấp các tài liệu, thông tin cần thiết. Dự kiến trong tuần này, khi Thái Lan cung cấp đủ tài liệu thì hai bên sẽ tổ chức họp trực tuyến để trao đổi về những vướng mắc, thu thập thêm thông tin còn thiếu nhằm hoàn thiện quá trình phân tích rủi ro nhập khẩu, thỏa thuận điều kiện vệ sinh thú y và mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu lợn sống".

Việc nhập khẩu lợn sống từ các nước vào Việt Nam sẽ phải đảm bảo các điều kiện về an toàn dịch bệnh, vệ sinh tú y theo đúng quy định. Các nước muốn xuất khẩu lợn sống vào Việt Nam cần cung cấp hồ sơ, tài liệu về tình hình dịch bệnh, các chương trình và kết quả giảm sát dịch bệnh trên đàn lợn,... trên cơ sở đó Cục sẽ phân tích rủi ro khi nhập khẩu lợn.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp khi nhập khẩu lợn sống phải tuân thủ các quy định về kiểm dịch nhập khẩu nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc trong nước như tổ chức cách ly đàn lợn, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định hiện hành.

Trong phiên họp Chính phủ thường kì điễn ra ngày 2/6, Thủ tướng cũng nêu rõ quan điểm là giải quyết căn cơ, bài bản vấn đề giá thịt heo cao nhưng cũng tránh những thời điểm thịt heo rớt giá, làm tổn hại đến lợi ích người nuôi heo, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững ngành chăn nuôi.

Thủ tướng nhấn mạnh việc phải giữ giá thịt heo ổn định bằng tư duy chuỗi liên kết giá trị, bằng khuyến khích đầu tư quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt là giải quyết tốt khâu đầu vào, giống, thức ăn, phát động tái đàn trên cơ sở khống chế dịch tả lợn châu Phi cùng những biện pháp khác như nhập khẩu.

Cùng ngày, Bộ Nông nghiệp cũng có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp triển khai các giải pháp tối ưu nhất để tái đàn và tăng đàn lợn, đảm bảo nguồn cung thịt lợn.

Cụ thể, có chính sách hỗ trợ về đất đai, lãi suất vốn vay, tạo điều kiện thuận lợi nhằm tăng cường tái đàn và tăng đàn lợn. Kịp thời công bố hết dịch khi đủ điều kiện để các cơ sở chăn nuôi tái đàn, tăng đàn đảm bảo an toàn sinh học. Ngoài ra cần có chính sách hỗ trợ cụ thể cho việc tái đàn và tăng đàn; hoàn thiện thủ tục hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi trong thời gian qua.

Tác giả: Ngọc Khánh

Nguồn tin: Báo VTC News