Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Hiệu trưởng lên tiếng sau những lùm xùm xảy ra tại Trường Đại học Điện lực

Ngày 13/5/2020 Bộ Công thương có kết luận số 3424/KL-BCT về một số nội dung theo thông tin phản ánh tại Trường Đại học Điện lực. Tuy nhiên, ông Trương Huy Hoàng - Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cho rằng, một số thông tin phản ánh chưa đầy đủ, thiếu khách quan.

Phóng viên Báo Gia đình Việt Nam đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với ông Trương Huy Hoàng về vấn đề này.

PV: Mặc dù trong kết luận thanh tra số 3424/KL-BCT không đi sâu vào nội dung liên quan đến việc tuyển sinh dưới điểm chuẩn được thông báo từ năm 2011 đến năm 2014, nhưng đây là thông tin gây lo ngại cho dư luận về việc không đảm bảo chất lượng đầu vào. Ông giải thích vấn đề này thế nào?

Ông Trương Huy Hoàng: Từ năm 2011 đến năm 2014, Trường Đại học Điện lực đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có một số em có điểm đầu vào thấp hơn điểm chuẩn được công bố của Trường.

Trước hết đây là sai phạm thuộc về Trường như đã được chỉ ra trong các kết luận thanh tra của Bộ Công thương năm 2016 và gần đây được nhắc lại trong kết luận thanh tra của Bộ Giáo dục năm 2019. Các cá nhân liên quan đến sai phạm này đã bị xử lý kỷ luật. Tuy nhiên không thể nói rằng, các sinh viên được tuyển vào Trường với điểm đầu vào thấp hơn điểm chuẩn của Trường là không đảm bảo chất lượng, vì tất cả các sinh viên này đều có tổng điểm cao hơn “điểm sàn” mà Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Trong quá trình học tập, các em đều hoàn thành chương trình, vượt qua được các kỳ thi và đã tốt nghiệp, tìm được việc làm.

 Trường đại học Điện lực Hà Nội tại 235 đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội.

Từ năm 2015 đến nay, Trường được Chính phủ chọn thí điểm thực hiện tự chủ toàn diện theo quyết định 1508/QĐ-TTr ngày 01/9/2015. Theo quyết định này, các trường thí điểm được tăng học phí để tự đảm bảo hoạt động thường xuyên và đầu tư lâu dài. Khi được tăng học phí thì không phải nghĩ đến việc tăng số lượng tuyển sinh. Trường Đại học Điện lực đã thực hiện nghiêm túc và không xảy ra sai phạm về tuyển sinh nữa.

PV: Những sinh viên được nhà trường tuyển vượt chỉ tiêu, nay có được công nhận tốt nghiệp không, thưa ông?

Ông Trương Huy Hoàng: Phải thẳng thắn mà nói rằng, việc tuyển sinh vượt chỉ tiêu theo quy định của bộ Giáo dục và đào tạo là trách nhiệm của nhà trường, không phải lỗi của các em sinh viên. Những người liên quan đến sai phạm này đã bị xử lý theo chỉ đạo của Bộ Công thương và Bộ Giáo dục và đào tạo. Còn đối với các em sinh viên, các em được gọi nhập học đúng quy định pháp luật, trong thời gian theo học, các em hoàn thành chương trình đào tạo và đóng đầy đủ học phí. Do vậy Nhà trường không có lý do gì để không xét tốt nghiệp và cấp bằng cho các em. Thực tế, hầu hết các sinh viên thuộc diện này cũng đã được cấp bằng tốt nghiệp, chỉ còn lại một số ít trường hợp đang chờ ý kiến tháo gỡ của Bộ Giáo dục và đào tạo.

 Kết luật của Bộ Công thương số 3424/KL-BCT ngày 13/5/2020 đã nêu đầy đủ, toàn diện  những sai phạm, kết quả xử lý sai phạm của Trường ĐH Điện lực.

PV: Một số ý kiến dư luận thắc mắc tại sao Trường có những sai phạm như vậy trong công tác tuyển sinh mà ông không bị xử lý kỷ luật?

Ông Trương Huy Hoàng: Đã ở cương vị lãnh đạo thì phải dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tôi không né tránh trách nhiệm. Tháng 4/2015, sau khi đồng chí cố Hiệu trưởng Đàm Xuân Hiệp qua đời vì bệnh hiểm nghèo, lúc đó, tôi đang là Phó Hiệu trưởng. Sau khi anh Hiệp mất đột ngột, Bộ trưởng Bộ Công thương giao cho tôi phụ trách Trường.

Thời điểm đó, đã có một số đơn thư phản ánh về những sai phạm của Trường trong công tác đào tạo và tuyển sinh. Năm 2015 Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Bộ Công thương đã có 2 đợt xác minh đối với cá nhân tôi để xem xét có liên quan đến các sai phạm theo đơn thư phản ánh hay không. Tiếp đó, đầu năm 2016 lại có một đợt thanh tra của Bộ Công thương về công tác đào tạo và tuyển sinh của Trường nữa.

Qua các đợt xác minh và thanh tra, tôi được xác định là không có liên quan đến các sai phạm. Vì vậy, tháng 7/2016, Bộ trưởng Bộ Công thương mới quyết định bổ nhiệm tôi làm Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực sau hơn 1 năm được giao phụ trách. Một số thông tin đã cố tình “buộc” tôi vào với những sai phạm nêu trong kết luận thanh tra là không đúng. 

 “Ngày hội việc làm” là sự kiện hàng năm được tổ chức tại Trường Đại học Điện lực nhằm giúp các sinh viện tìm được việc làm ngày sau khi ra trường.

PV: Thông tin về “đường dây chống trượt” tại khoa Điều khiển và Tự động hóa của trường, thực hư thế nào, thưa ông?

Ông Trương Huy Hoàng: Về vấn đề này, Đoàn Thanh tra cũng đã xác minh rất kỹ và cũng được nêu trong Kết luận thanh tra của Bộ Công thương. Kết luận thanh tra cũng đang dừng lại ở mức “có dấu hiệu”  và yêu cầu Nhà trường “cần tiếp tục làm rõ để xử lý nghiêm theo qui định”. Đây là một vấn đề nghiêm trọng, nhạy cảm, nhà trường sẽ tiếp tục xác minh làm rõ.  Nếu đủ chứng cứ cho thấy có đường dây “chống trượt”, nhà trường sẽ xử lý nghiêm theo qui định pháp luật.   

PV: Có ý kiến cho rằng, Trường Đại học Điện lực đã tự ý ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư một số công trình xây dựng là trái pháp luật. Có đúng như vậy không, thưa ông?

Ông Trương Huy Hoàng: Như tôi đã trao đổi với phóng viên ở phần đầu, từ năm 2015 Trường Đại học Điện lực là một trong số cơ sở giáo dục bậc đại học đầu tiên trong cả nước được chọn thí điểm mô hình trường công lập nhưng tự chủ toàn diện theo Quyết định 1508/QĐ-TTg ngày 01/9/2015 và Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 24/10/2014. Đánh giá về công tác phê duyệt chủ trương đầu tư của nhà trường, báo cáo Kiểm toán Nhà nước năm 2019 đã nêu:

Công tác phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư của các dự án được phê duyệt từ năm 2016 đến nay được đơn vị thực hiện theo thẩm quyền quy định tại Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục công lập giai đoạn 2014-2017

Ngay trong Kết luận của Thanh tra Bộ Công thương mới đây cũng có nêu lại đánh giá của Kiểm toán Nhà nước.

Xin cảm ơn ông!  

Tác giả: Trần Danh Nghĩa

Nguồn tin: Báo Gia đình Việt Nam