Liên danh Tân Nam - Tân Hưng trúng gói thầu 93 tỷ do ‘đối thủ’ không đủ hồ sơ hợp lệ
- 14:15 31-05-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Dự án Đường huyện 349 từ Đỉnh Sơn tại Km0 đến ngã ba Cây Khế tại Km7+987,32 được UBND tỉnh Nghệ An tại quyết định số 2260/QĐ.UBND, ngày 19/6/2019 với 8 gói thầu. do Sở KH&ĐT Nghệ An làm chủ đầu tư. Phương thức lựa chọn nhà thầu một giai đoạn một túi hồ sơ.
Trong số 8 gói thầu thuộc dự án thì có 7 gói sử dụng nguồn vốn từ đối ứng ngân sách nhà nước, hình thức lựa chọn nhà thầu là chỉ định nhà thầu trong nước, không sơ tuyển. Riêng gói thầu số NA01 Xây dựng tuyến đường 349 huyện Anh Sơn với tổng chiều dài gần 8km và 2 cầu mới (cầu Động Dâu tại Km2+108,26 và cầu Khe San tại Km5+826,03) sử dụng nguồn vốn do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ, hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, không sơ tuyển.
Gói thầu số NA01 Xây dựng tuyến đường 349 huyện Anh Sơn có chiều dài 8km và 2 cầu mới, tổng kinh phí 93 tỷ do Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ (Ảnh minh họa) |
Sau khi chủ đầu tư thông báo mời thầu đấu thầu gói NA01, có 3 đơn vị tham gia đấu thầu là Liên danh Công ty CP Xây dựng Tân Nam - Công ty TNHH Tân Hưng, Công ty CP 471, và Công ty CP 484.
Tuy nhiên, đến phút cuối, do 2 nhà thầu là Công ty CP 471, và Công ty CP 484 không bổ sung tài liệu làm rõ tư cách hợp lệ và hợp đồng tương tự nên liên danh Công ty CP Xây dựng Tân Nam - Công ty TNHH Tân Hưng được công bố trúng thầu với giá 93 tỷ đồng (giá gói thầu là 93,3 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm đạt 0,2%). Công ty CP 471, Công ty CP 484 không đạt đánh giá sơ bộ nên bị loại.
Theo dữ liệu của Nhadautu.vn, khi xác định tư cách hợp lệ của nhà thầu, Tổ chuyên gia xét thầu nhận thấy 2 nhà thầu (Công ty CP 471; Công ty CP 484) trước đây là các đơn vị thuộc sở hữu nhà nước, trực thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4), đã được cổ phần hóa và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Tuy nhiên, các tài liệu nộp kèm hồ sơ dự thầu (HSDT) của 2 nhà thầu không nêu rõ đơn vị/tổ chức nào được giao trách nhiệm quản lý phần vốn nhà nước, cũng như mối quan hệ giữa 2 nhà thầu với Cienco4. Do đó, Tổ chuyên gia đã yêu cầu 2 nhà thầu cung cấp các tài liệu liên quan đến tư cách hợp lệ và mối liên hệ giữa 2 nhà thầu với Cienco4.
Ngoài ra, hồ sơ mời thầu yêu cầu nhà thầu tham dự phải có ít nhất 2 hợp đồng tương tự đã hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành trong vòng 5 năm qua, trong đó giá trị tham gia của nhà thầu trong từng hợp đồng lớn hơn 74,6 tỷ đồng.
Cụ thể, theo HSDT của Công ty CP 471, Nhà thầu đưa ra 2 hợp đồng tương tự: Hợp đồng số 21.7/2015/HĐKT/HTVĐ ngày 18/11/2015 ký giữa liên danh nhà thầu (trong đó Công ty CP 471 đảm nhận giá trị thực hiện là 989,279 tỷ đồng) với Công ty CP BOT Biên Cương; Hợp đồng số 21.11/2015/HĐKT/HLVĐ ngày 20/11/2015 giữa liên danh nhà thầu (trong đó Công ty CP 471 đảm nhận giá trị thực hiện là 228,411 tỷ đồng) với Công ty CP BOT Biên Cương.
Tại HSDT của Công ty CP 484, nhà thầu đưa ra Hợp đồng số 21.3/2015/HĐKT/HTVĐ ngày 16/11/2015 ký giữa liên danh nhà thầu (trong đó Công ty CP 484 đảm nhận giá trị thực hiện là 463,813 tỷ đồng) với Công ty CP BOT Biên Cương.
Khi đánh giá về các hợp đồng tương tự này, Tổ chuyên gia quan ngại về tính xác thực khi các hợp đồng đều được ký với Công ty CP BOT Biên Cương, một đơn vị tư nhân. Theo Tổ chuyên gia, trên thực tế, có tình trạng doanh nghiệp thông qua các mối quan hệ, sử dụng chữ ký, con dấu của nhau để hoàn chỉnh các tài liệu liên quan đến năng lực nhà thầu. Hệ lụy của việc này dẫn đến sự sai lệch trong các quyết định của chủ đầu tư, lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực để thực hiện hợp đồng.
Mặt khác, Tổ chuyên gia thu thập được nhiều nguồn thông tin không tốt về năng lực thực hiện các hợp đồng của Công ty CP 471 tại các gói thầu mà nhà thầu thực hiện trước đó.
Để đảm bảo tính xác thực thông tin do nhà thầu kê khai, Bên mời thầu yêu cầu 2 nhà thầu cung cấp các tài liệu nhằm xác thực tư cách hợp lệ, xác thực giá trị thanh toán đã thực hiện của 3 hợp đồng tương tự nêu trên. Tuy nhiên, hết thời hạn làm rõ, các nhà thầu không trả lời yêu cầu làm rõ, không nộp các tài liệu làm rõ nên Tổ chuyên gia không đủ căn cứ để đưa ra kết luận về kinh nghiệm thi công.
Theo tìm hiểu, Công ty CP 471 đã sử dụng các hợp đồng tương tự nêu trên để tham dự một số gói thầu và tình trạng “phớt lờ” yêu cầu làm rõ đã từng xảy ra. Đơn cử, tại Gói thầu CB01 thuộc Dự án Hạ tầng cơ bản phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc, Công ty CP 471 sử dụng Hợp đồng số 21.11/2015/HĐKT/HLVĐ để kê khai phần năng lực thực hiện hợp đồng tương tự. Tuy nhiên, khi Bên mời thầu yêu cầu cung cấp bổ sung các phụ lục hợp đồng chứng minh tính tương tự về quy mô, giá trị và tính chất tương tự đối với gói thầu đang xét thì không nhận được sự hợp tác và Nhà thầu rút lui bằng việc từ chối gia hạn hiệu lực của HSDT, không nộp gia hạn bảo lãnh dự thầu.
Ngoài ra, tại Gói thầu QB02 Xây dựng đường từ phía Nam cầu Quảng Hải đi Lạc Giao thuộc Dự án Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị (mời thầu vào tháng 11/2019), Công ty CP 471 sử dụng Hợp đồng số 21.7/2015/HĐKT/HTVĐ để tham dự thầu. Tuy nhiên, ở gói thầu này, hợp đồng tương tự của Nhà thầu được đánh giá là không đạt và bị loại.
Được biết, trong Liên danh trúng gói thầu NA1 Xây dựng tuyến đường 349 huyện Anh Sơn, ngoài cái tên Công ty CP Xây dựng Tân Nam đã là một ‘đại gia’ cầu đường ở Nghệ An, thì cái tên Công ty TNHH Tân Hưng cũng đang là cái tên được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây với nhiều dự án lớn ở Nghệ An, như tham gia xây dựng đường N5, đường Vinh – Cửa Lò…