Huyện Thanh Chương, Nghệ An: Có thiếu lý, cạn tình khi không trả lại đất cho Mẹ VNAH Nguyễn Thị Cọi
- 20:08 28-05-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Không khách quan trong việc xác minh đơn đòi đất của ông Chương
Tại phiên tiếp công dân định kỳ tháng 2/2020, ông Nguyễn Duy Chương, ở xóm 5 xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An, cháu nội Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Cọi đã đề nghị cấp có thẩm quyền trả lại thửa đất số 661, tờ bản đồ số 10 thuộc vùng ao Bàu xóm 5 xã Thanh Lương là đất tổ tiên để lại cho cụ Nguyễn Thị Cọi. Sau buổi tiếp công dân, ông Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy đã: “Giao UBND huyện Thanh Chương rà soát lại vụ việc, nếu đủ điều kiện thì xem xét, giải quyết. Nếu không đủ điều kiện thì vận dụng tối đa các quy định pháp luật về đất đai với chính sách ưu đãi người có công để xem xét”.
Thế nhưng UBND huyện Thanh Chương đã không thực hiện ý kiến chỉ đạo của ông Bí Thư Tỉnh ủy mà hành xử thiếu lý, cạn tình đối với gia đình con cháu Mẹ VNAH Nguyễn Thị Cọi. Tại Công văn số 807/UBND-ĐKTr ngày 8/5/2020, UBND huyện Thanh Chương đã trả lời:" Việc ông Nguyễn Duy Chương kiến nghị cấp có thẩm quyền đòi lại đất là không có căn cứ để giải quyết vì theo Khoản 5, Điều 26 Luật Đất đai năm 2013 quy định: "Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Căn cứ để UBND huyện Thanh Chương trả lời ông Chương là dựa trên báo cáo xác minh của tổ kiểm tra. Nhưng báo cáo của tổ này lại không khách quan, phiến diện, một chiều và không tôn trọng chứng cứ lịch sử để lại.
Tại Công văn số 496/UBND-TNMT ngày 4/4/2019 của UBND huyện Thanh Chương do Phó Chủ tịch Lê Đình Thanh ký, nguồn gốc đất và nhà cụ Cọi được trả lời: "Thửa đất 661 nói trên trước đây có một phần là vườn của bà Nguyễn Thị Cọi. Trong thời gian chiến tranh, gia đình bà Cọi cho Nhà máy ép dầu Vinh mượn đất để làm khu nhà tạm cho công nhân ở. Khi kết thúc chiến tranh, nhà máy ép dầu Vinh trả lại đất cho gia đình. Sau đó một thời gian, bà chết, nhà cửa bị hư hỏng, do đó đến năm 1974, UBND xã đã sử dụng khu đất này xây dựng trường vỡ lòng, sau này là trường mầm non xã Thanh Lương".
Thế nhưng 11 tháng sau, tại Công văn trả lời số 807/UBND-ĐKTr ngày 8/5/2020 UBND huyện Thanh Chương vẫn do Phó Chủ tịch Lê Đình Thanh ký thì: "Theo hồ sơ pháp lý thì thửa đất ông Nguyễn Duy Chương đang có đơn kiến nghị đòi lại đều không thể hiện là đất vườn của bà Nguyễn Thị Cọi."
Việc đất vườn và nhà bà Cọi được các nhân chứng nguyên là cán bộ chủ trì của nhà máy ép dầu lạc Vinh hiện đang còn sống xác nhận như rất nhiều bài viết của Báo Người cao tuổi viện dẫn. Tất cả các căn cứ và sự thật này đều xác nhận bằng giấy nhưng nhưng UBND huyện Thanh Chương bỏ qua không xác minh và thiếu chính kiến, dẫn cùng một người ký mà Công văn 496 và công văn 807của UBND huyện lại có nội dung ngược nhau 180 độ, sự thật phải trái lộn sòng?
Không lắng nghe ý kiến của nhân dân xã Thanh Lương
Ngày 20/10/2009, khi bà Bính (mẹ ông Chương) làm đơn xin trả lại đất. Chi bộ và các đoàn thể và Ban chỉ huy xóm 5 đều xác nhận nội dung bà Bính xin trả lại đất là đúng, đề nghị cấp trên giải quyết. Ngày 22/11/2018, tại cuộc tiếp xúc cử tri xóm 5, toàn thể cử tri đã đề nghị xã Thanh Lương trả lại đất cho ông Chương. Ngày 9/7/2019 khi UBND xã phát phiếu lấy ý kiến thăm dò quy hoạch chia lô đất dân cư nói trên đã thu được kết quả thăm dò như sau:" Đề nghị chính quyền trả lại đất cho gia đình liệt sỹ chứ không được đấu giá." Dưới biên bản là chữ ký của các thành viên tham gia cuộc họp . Ngày 3/1/2018, UBND xã Thanh Lương đã làm tờ trình gửi UBND huyện Thanh Chương đề nghị dừng chia lô đất nói trên để cấp cho gia đình ông Nguyễn Duy Chương. Thế nhưng trong Công văn trả lời số 807 lại nói: "Trong quá trình xã quản lý, UBND xã Thanh Lương không thấy có công dân nào khiếu nại, kiến nghị gì." là báo cáo sai sự thật.
Thiếu lý, thiếu tình khi không trả lại đất cho thân nhân Mẹ VNAH
Trong Công văn trả lời ông Chương ngày 4/4/2019 và ngày 8/5/2020, căn cứ duy nhất để UBND huyện Thanh Chương không trả lại đất cho ông Chương là Khoản 5, Điều 26, Luật Đất đai năm 2013. Các điều khoản này là để áp dụng đối với trường hợp ngụy quân, ngụy quyền có nhiều nợ máu với dân, vượt biên ra nước ngoài tỵ nạn, nay hòa bình trở về nước đòi lại đất. Còn thân nhân liệt sỹ, gia đình Bà mẹ VNAH, đất đang có người thừa kế bị chính quyền vô cớ dỡ nhà để lấy đất, nay đất đó đang bỏ hoang, phân lô bán đất ở thì thân nhân họ đòi lại đất là hoàn toàn chính đáng theo quy định. Thu hồi sai thì phải trả lại mới là vì nước vì dân mới là chính quyền liêm chính. Một gia đình đã hy sinh 3 người con cho tương lai tươi sáng của dân tộc, đạo lý uống nước nguồn phải biết ơn họ, nay thay vì đền đáp trả ơn, một số người lợi dụng chức quyền làm trái quy định của Nhà nước, họ đang dùng con dấu làm quyền uy, đẩy việc vụ giải quyết đòi lại đất của gia đình con cháu Mẹ VNAH Nguyễn Thị Cọi đi vào ngõ cụt, coi thường chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An. Thử hỏi nếu không có sự hy sinh của các liệt sĩ trong gia đình Mẹ VNAH Nguyễn Thị Cọi thì có chính quyền vững mạnh đến hôm nay, để đại diện chính quyền trả ơn gia đình mẹ Cọi bằng việc thu hồi đất của gia đình có công vì nước mà đem bán đấu giá?
Ngôi nhà của ông Chương trên đát của bố ông Chương, không phải đất của Mẹ VNAH Nguyễn Thị Cọi |
Một lý do khác mà UBND huyện Thanh Chương không trả lại đất và không vận dụng tối đa các quy định pháp luật về đất đai họ đưa ra lý do ông Chương đã có nhà và có đất từ năm 1948. Theo công văn trả lời thì:" Năm 1948, ông Bính (Cha ông Chương ) lấy vợ ra ở riêng. Ông Bính sinh được 4 người con, trong đó có 1 liệt sỹ và 2 người con gái. Đến đời ông Chương ông lấy vợ sinh được 5 người con gồm 3 trai hai gái. Tất cả đang sống trong nhà mảnh vườn 220 m2 có từ năm 1948. Theo phong tục địa phương thì ông Chương có trách nhiệm thờ cúng ông, bà cha mẹ ông. Thực tế hiện nay ông Chương đang thờ cúng hai người chú liệt sỹ, một người anh liệt sỹ, một Bà mẹ VNAH trong ngôi nhà mà cha ông Chương để lại… không phải đất vườn của cụ Nguyễn Thị Cọi để lại. Như vậy việc ông Chương đòi lại đất của cụ Cọi để thờ cúng tổ tiên ông bà và 2 người chú liệt sĩ là có căn cứ và có lý, có tình.
Thực tế ở huyện Thanh Chương còn nhiều bất cập đối với chính sách đền ơn đáp nghĩa các gia đình chính sách và quản lý đất đai xây dựng ở địa phương. Phải chăng các sai phạm lấn chiếm đất đai, cấp đát trái pháp luật cho "đại gia" nên "được tồn tại"? Còn đất của gia đình chính sách của Mẹ VNAH Nguyễn Thị Cọi, thì chính quyền UBND huyện Thanh Chương, quyết không chịu trả. Vậy họ đền ơn “đại gia” hay đền ơn gia đình liệt sĩ, Mẹ VNAH Nguyễn Thị Cọi ?
Đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An và Bộ LĐ-TB-XH xem xét và giám sát vụ việc trên.
Tác giả: Nguyễn Hữu Mai
Nguồn tin: ngaymoionline.com.vn