Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cụm trang trại 100.000 đầu lợn của Masan tại Nghệ An

Làm việc tại cụm trại chăn nuôi lợn của Masan tại Nghệ An, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, Masan phải phấn đấu để phát triển toàn diện mới xứng tầm.

Ngày 27/5, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã thăm và làm việc tại cụm trang trại chăn nuôi của Masan tại huyện Quỳ Hợp, Nghệ An.

Cùng đi với đoàn có Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng 3 Dương Tất Thắng.

Công tác kiểm soát nghiêm ngặt

Trước lúc vào khu vực trang trại tất cả các loại xe phải được phun độc khử trùng từ xa. Bắt đầu vào khu trang trại mọi người đều đi qua ô cửa phun sương khử trùng, vệ sinh sát khuẩn chân tay rồi đo thân nhiệt. Tiếp theo vào phòng phun sương sát khuẩn tiếp, sau đó vào phòng tắm riêng, mặc quần áo bảo hộ của trang trại. Đấy là công đoạn một.

 Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (mặc đồ bảo hộ) chuẩn bị vào thăm trại lợn. Ảnh: Hồ Quang.

Công đoạn hai, theo quy định nghiêm ngặt của trang trại thì đoàn cán bộ của Bộ chỉ được mỗi Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và vài phóng viên báo chí đăng ký trước mới được vào trại chăn nuôi lợn. Nhưng trước lúc vào trại, cách khu vực hành chính gần 1 km thì tất cả các thành viên lại phải lần lượt thực hiện một lần nữa theo như công đoạn một đã làm. Riêng quần áo bảo hộ phải mặc thêm loại khác trùm phủ kín người.

Quy mô hiện đại

Báo cáo trước đoàn làm việc, Giám đốc Cụm trang trại chăn nuôi lợn, ông Nguyễn Văn Trung cho biết, Trang trại lợn kỹ thuật cao Masan Nutri-Farm là trang trại chăn nuôi lợn thịt lớn nhất hiện nay tại Nghệ An, được xây dựng trên 223 ha đất thuộc xã Hạ Sơn, huyện Qùy Hợp, với quy mô 250.000 - 300.000 lợn thịt/năm. Hệ thống xử lý nước thải có công suất 2.500 m3/ngày.

 Buổi làm việc của đoàn công tác Bộ NN-PTNT tại trại chăn nuôi lợn Masan Nghệ An. Ảnh: Hồ Quang.

Trọng tâm chiến lược của trang trại: Nâng cao năng suất trong toàn bộ chuỗi giá trị từ trang trại đến bàn ăn, bằng cách đưa những tiến bộ, thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới áp dụng vào quy mô sản xuất. Kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong toàn bộ chuỗi giá trị con giống, thức ăn, chế biến và phân phối, bán lẻ. Xây dựng thương hiệu Việt cho thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt để phục vụ người tiêu dùng Việt Nam và xuất khẩu.

Cụm trại chăn nuôi lợn có hai 2 trại, S1 và S2. Trại lợn S2 bắt đầu thả lợn từ quý 4/2017, trại S1 thả lợn từ quý 2/2019. Đến nay lợn nái S2 có 5.700 con, S1 có 5.300 con. Tổng đàn có 100.000 con, trong đó tại trại S2 có 60.000 con và trại S1 có 40.000 con.

Đối với lợn giống nái và đực đều nhập khẩu từ Mỹ và Đan Mạch. Đây là hệ thống trang trại chăn nuôi khép kín, kể cả sản xuất con giống để tự cung tự cấp. Bình quân mỗi ngày các trang trại xuất trại 350-400 đầu lợn thịt, phục vụ Tổ hợp giết mổ, chế biến tại Hà Nam với công suất 1,4 triệu con/năm.

Hệ thống nước thải tại hai trại này đều được xử lý tuần hoàn 100% rồi hồi lưu tái sử dụng và sản xuất biogas, đáp ứng 50% nhu cầu dùng điện của trại.

Cụm trại chăn nuôi cần phấn đấu

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng đánh giá cao về chỗi sản xuất khép kín của các trang trại. Tuy nhiên giá thịt lợn của Masan đến người tiêu dùng tại các siêu thị Hà Nội là cao nhất, hơn 400 ngàn đồng/kg thịt nạc.

Các loại thịt khác có giá 240- 245 nghìn đồng/kg. Đành rằng có nhiều yếu tố tạo nên giá thịt lợn cao như vậy, thế nhưng Masan cũng cần phải xem xét cân đối lại để tạo nên sự hài hòa giữa bên sản xuất và người tiêu dùng…

 Lợn sinh sản tại trang trại của Masan tại Nghệ An. Ảnh: Hồ Quang.

Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho rằng Masan cần thực hiện chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn Quốc tế, bởi trong thời gian không xa, khi đàn lợn trong nước đã bão hòa, giá thịt lợn sẽ hạ thì công việc xuất khẩu thịt lợn là rất quan trọng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Các trại lợn của Masan tại Nghệ An đi vào hoạt động từ năm 2017, mọi thứ từ cơ sở sở hạ tầng đến chuồng trại, con giống, con thịt như vậy là tốt rồi, nhưng cần phải phấn đấu, phấn đấu phát triển toàn diện, như thế mới xứng tầm. Cần phải hoàn thiện chuỗi khép kín về an toàn sinh học để nâng cao sức cạnh tranh.

Cần phải nắm vững đỉnh cao của công nghệ. Từ thức ăn cho lợn đến chăm sóc, vệ sinh chuồng trại phải được thông qua máy móc tự động hóa. An toàn sinh học cần phải thực hiện từ bên ngoài đến tận trong các chồng nuôi lợn. Các trang trại cũng cần xem lại các quy trình sinh học, bởi hiện có chỗ thì làm thừa, nhưng cũng có nơi còn thiếu. Đặc biệt là cần phải có hệ thống kiểm ta kiểm soát côn trùng, ruồi nhặng.

Đối với hạ tầng, hạ tầng từ bên ngoài cho đến các trại phải được trồng cây xanh. Bởi cây xanh sẽ giải quyết hệ sinh thái môi trường một cách toàn diện, kể cả mùi hôi từ trong chuồng trại...

Tác giả: Hồ Quang

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam