Cảnh đời cơ cực của hai mẹ con tật nguyền
- 08:48 22-05-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vừa bước vào căn nhà cấp bốn xập xệ, cũ kĩ của hai mẹ con bà Hợi đang sinh sống, khách đã nghe mùi ẩm mốc. Nền nhà loang lổ, vũng vĩnh, di chứng để lại từ những lần mưa dột. Tài sản lớn nhất trong căn nhà này có lẽ là cái nồi cơm điện, bên trong lăn lóc vụn cơm.
Bà Hợi dáng người gầy nhỏ, hướng cặp mắt đờ đẫn nhìn ra khoảng không vô định, chốc chốc lại ngước sang chị Hợi, đứa con gái cũng “ngẩn ngơ, thơ thẩn” chả kèm gì mình đang ngồi bên cạnh. Có lẽ thẳm sâu trong tâm trí của người mẹ già cả, tật nguyền, lú lẫn và tận khổ này vẫn nhận biết được đó là ràng ruột máu mủ của mình.
Căn nhà nơi mẹ con bà Hợi đang sinh sống |
Qua lời kể của hàng xóm thì bà Hợi được sinh ra trong một gia đình có 3 chị em gái. Từ nhỏ bà đã phải mang trong mình căn bệnh khuyết tật bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ, mọi sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày đều phải phụ thuộc vào người thân.
Khoảng hơn 30 năm về trước, bà Hợi bất ngờ mang thai. Dẫu có oán trách, căm giận cái kẻ đã đang tâm hãm hại một người ngẩn ngơ, suốt ngày lang thang đầu đường xó chợ như bà Hợi thì trong gia đình cũng chả mấy ai nghĩ đến chuyện đi tìm “tác giả” cái bào thai ấy, vì nó cũng chả khác gì chuyện “mò kim đáy bể”. Lúc bấy giờ, gia đình bà Hợi đã đắn đo rất nhiều về việc có nên giữ lại cái thai hay không, bởi họ sợ rằng đứa bé khi sinh ra sẽ phải gánh chịu thiệt thòi giống mẹ, trong khi bà Hợi lại không có khả năng chăm sóc cho con.
Với hy vọng đứa trẻ sinh ra sẽ bình thường và sẽ là chỗ dựa sau này cho bà Hợi, thế là gia đình quyết tâm giữ lại cái bào thai. Thế nhưng ông trời cay nghiệt, số phận trêu đùa, chị Thìn vừa chào đời đã phải mang căn bệnh y hệt mẹ mình.
Dẫu gia đình có đùm bọc cưu mang, song tất cả đều nghèo, cuộc sống của mẹ con bà Hợi thực sự khó khăn kể từ khi các chị em của bà đi lấy chồng. Thời gian cứ thế trôi đi, chị Thìn dần lớn lên và có thể giúp bà Hợi một vài việc lặt vặt trong những khi tỉnh táo.
Giờ, ở tuổi 32, chị Thìn trở thành “lao động chính” trong gia đình. Hàng ngày, vào mỗi buổi sáng chị đi bộ đến chợ Phuống thuộc địa phận xã Thanh Giang để ăn xin, ai cho gì thì nhận. Đó cũng là cách mưu sinh duy nhất chị có thể làm để cùng mẹ đắp đổi qua ngày.
Bà Hợi đang ngồi ở nhà chờ đứa con gái đi “kiếm ăn” |
Người dân ở xã Thanh Giang cũng đã quá quen với hình ảnh người con gái có khuôn mặt ngác ngơ, lệch khệch nhưng khá hiền lành, lang thang ở các gian hàng trong chợ hoặc tìm bới ve chai trong các bãi rác dọc đường.
“Trước đây hai mẹ con bà Hợi ở với ông bà, nhưng nay ông bà đã qua đời thì hai mẹ con nuôi nhau. Chủ yếu là chị Thìn nuôi mẹ. Có một chị gái của bà Hợi ở gần nhà thỉnh thoảng có mang đồ ăn qua cho hai mẹ con bà Hợi nhưng hoàn cảnh người chị này cũng rất khó khăn, nên có giúp thì cũng chỉ được một chút ít ỏi. Con gái bà Hợi thường đi xin ở ngoài chợ rồi đi lượm nhặt ve chai, hoàn cảnh rất cực khổ. Bà Hợi nay tuổi cũng đã già lại không biết gì cả, nấu ăn cũng phải chờ đứa con gái về nấu ăn cho, mà đứa con gái của bà những món như cá thịt lại không biết nấu. Thấy vậy, xung quanh chúng tôi cũng thương nên cứ có gì ăn thì lại đem cho hai mẹ con”, bà Nguyễn Thị Dụng, hàng xóm của mẹ con bà Hợi kể.
Chị Thìn đi xin ngoài chợ Phuống |
Còn bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, cán bộ dân số, phụ nữ của xã Thanh Giang cho biết thêm: “Bà Hợi bị bệnh thiểu năng, không biết gì từ nhỏ. Chị Hợi thì có khá hơn, biết đi xin và làm một số việc lặt vặt. Giờ nguồn sống chủ yếu của hai mẹ con bà Hợi phụ thuộc hoàn toàn vào lòng hảo tâm của bà con hàng xóm và tiền hỗ trợ hộ nghèo, người tàn tật”.
Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ: Bà Nguyễn Thị Hoài (chị gái ruột của bà Nguyễn Thị Hợi), trú ở thôn Giang Tiên, xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Số điện thoại: 0356074546. Hoặc bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, cán bộ dân số, phụ nữ xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Số điện thoại: 09766548221. |
Tác giả: Kim Chi
Nguồn tin: Báo Công lý