Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An: Đất lâm nghiệp ngày càng giảm, tỉnh vẫn ký chuyển đổi

Dù đất lâm nghiệp ngày càng giảm, UBND tỉnh Nghệ An vẫn ký quyết định và chuyển hơn 3,1 ha đất rừng và đất lâm nghiệp để thực hiện dự án Nhà máy chế biến bột đá siêu mịn và hạt nhựa Taical.

 Tổng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn Nghệ An đang ngày càng giảm.

Theo kết quả rà soát điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng năm 2019, Tổng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn Nghệ An giảm gần 4.000 ha (hiện còn 1.152461 ha).

Cụ thể, diện tích đất lâm nghiệp thuộc rừng phòng hộ theo kết quả rà soát điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng giảm hơn 36.000 ha. Diện tích đất lâm nghiệp thuộc rừng đặc dụng giảm gần 1.400 ha. Diện tích đất lâm nghiệp thuộc rừng sản xuất tăng hơn 33.992 ha.

Trước đó, năm 2014, Tổng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An sau khi điều chỉnh là 1.160.242,4 ha. Trong đó: Diện tích đất lâm nghiệp quy hoạch rừng phòng hộ là: 365.414,2 ha; Diện tích đất lâm nghiệp quy hoạch rừng đặc dụng là: 172.361,7 ha; Diện tích đất lâm nghiệp quy hoạch rừng sản xuất là: 622.466,5 ha.

Còn năm 2018, sau quá trình phúc tra đối với quỹ đất lâm nghiệp thì diện tích rừng phòng hộ giảm trên 18 ha, rừng đặc dụng giảm hơn 1.300 ha. Trong khi đó diện tích rừng sản xuất tăng trên 29.400ha.

Liên quan đến công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng (QLBV&PTR), trước đó, ngày 12/01/2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW.

Trong đó, Ban bí thư Trung ương Đảng yêu cầu: “Khẩn trương rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch dự án phát triển kinh tế, xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng, đặc biệt là đối với rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; Có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhất là đối với các dự án phát triển thủy điện, khai thác khoáng sản, xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ du lịch...

Kiên quyết đình chỉ, thu hồi đất đối với dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng có sai phạm, hoặc có nguy cơ gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường sinh thái ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống người dân vùng dự án; đồng thời xử lý nghiêm minh, công khai, minh bạch các tổ chức, cá nhân vi phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác thẩm định, phê duyệt cấp phép đầu tư…

Bảo vệ và quản lý nghiêm, kết hợp với tăng cường các biện pháp trồng mới, phục hồi, tái sinh rừng tự nhiên; có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ việc chuyển đổi diện tích rừng phòng hộ tại các khu vực ít xung yếu sang rừng sản xuất, tránh để lợi dụng nhằm trục lợi; không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác (trừ các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc các dự án đặc biệt, cấp thiết do Chính phủ quyết định); dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên trên phạm vi cả nước; nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường đối với rừng sản xuất; ngăn chặn kịp thời, hiệu quả tình trạng suy thoái rừng…”.

Có thể nói, đất rừng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang ngày càng giảm, thì mới đây, ngày 13/5, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1471/QĐ-UBND về việc chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp để hiện dự án Nhà máy chế biến bột đá siêu mịn và hạt nhựa Taical tại xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn.

 Cụm công nghiệp nhỏ tại xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An).

Theo đó, có 3,18458 ha đất rừng và đất lâm nghiệp được chuyển mục đích sử dụng để hiện dự án Nhà máy chế biến bột đá siêu mịn và hạt nhựa Taical tại xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn; trong đó có hơn 2,8 ha đất lâm nghiệp và hơn 0,32 đất rừng sản xuất (gồm đất mới trồng rừng, đất có cây nông nghiệp và rừng trồng gỗ).

Tại Quyết định này, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chính quyền địa phương điều chỉnh quy hoạch sử dụng rừng và đất lâm nghiệp phù hợp với vị trí, diện tích và hiện trạng rừng sau khi chuyển mục đích sử dụng. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan giám sát việc chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.

UBND tỉnh cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Nghĩa Đàn giám sát việc chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp theo đúng quy định của pháp luật; hướng dẫn chính quyền địa phương trong việc điều chỉnh hồ sơ địa chính; hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục theo quy định của pháp luật để thực hiện Dự án.

Cũng tại cụm công nghiệp xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn này, trước đó, vào tháng 12/2019, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Lê Hồng Vinh đã ký quyết định xử phạt hành chính 300 triệu đồng đối với Công ty cổ phần công nghiệp nhựa Á Châu theo đề nghị của Sở Tài nguyên và môi trường.

 Quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty cổ phần công nghiệp nhựa Á Châu.

Công ty cổ phần công nghiệp nhựa Á Châu xây dựng nhà máy chế biến bột đá siêu mịn và hạt nhựa Taical và đã đưa vào vận hành, sản xuất tại xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn với quy mô công suất trên 1.000 tấn sản phẩm/năm trở lên nhưng không có báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định.

Ngoài phạt tiền, UBND tỉnh Nghệ An đình chỉ hoạt động của nhà máy chế biến bột đá siêu mịn và hạt nhựa Taical của công ty này trong thời gian 6 tháng kể từ ngày 6/12.

UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Công ty cổ phần công nghiệp nhựa Á Châu phải hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án trình cơ quan chức năng phê duyệt theo quy định.

Vào tháng 3 vừa qua, HĐND tỉnh Nghệ An khóa 17, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã thông qua 3 nghị quyết liên quan đến việc thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất phục vụ các công trình, dự án trên địa bàn.

HĐND tỉnh chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng hơn 58 ha rừng trồng sản xuất để thực hiện 4 công trình, dự án tại 3 huyện, thị: Nghi Lộc, Nghĩa Đàn, thị xã Hoàng Mai, gồm: Dự án Trung tâm thiết kế thời trang, phát triển phân phối sản phẩm và sản xuất may mặc (tại phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai); Dự án mở rộng Nhà máy sản xuất hạt nhựa phụ gia tại cụm công nghiệp Nghĩa Long, Nghĩa Đàn; Dự án Nhà máy chế biến bột đá siêu mịn và nhựa Taical và Dự án Trung tâm giống cây lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bắc Trung bộ - DKC.

Tác giả: Ngọc Tuấn

Nguồn tin: taichinhdoanhnghiep.net.vn