Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Hơn 312.000 người chết vì nCoV toàn cầu

Thế giới ghi nhận hơn 312.000 người chết do nCoV trong hơn 4,7 triệu ca nhiễm, một số nước định kéo dài phong tỏa để ngăn dịch tái bùng phát.

213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 4.714.141 ca nhiễm và 312.293 ca tử vong, tăng lần lượt 94.652 và 4.185 ca so với hôm qua, trong khi hơn 1,8 triệu người đã hồi phục, theo thống kê của Worldometer.

 Người chết vì Covid-19 được an táng ở ngoại ô Moskva, Nga, hôm 15/5. Ảnh: Reuters.

Tổng số ca nhiễm và tử vong do nCoV ở Mỹ lần lượt là 1.505.250 và 89.521, sau khi ghi nhận thêm 22.726 ca nhiễm và 1.097 ca tử vong trong 24 giờ qua.

New York, bang chịu ảnh hưởng nặng nhất vì Covid-19 tại Mỹ, cho biết phần lớn ca nhiễm mới được ghi nhận là những người rời nhà để mua nhu yếu phẩm, tập thể dục hoặc giao tiếp xã hội, thay vì nhân viên trong các công việc quan trọng như nhận định trước đó.

Hầu hết các bang Mỹ đang mở cửa lại theo từng giai đoạn. Maryland và Virginia mở cửa trở lại từ 15/5. Washington tiếp tục yêu cầu người dân ở nhà đến tháng 6 vì tình hình dịch tại đây không cải thiện. New York, New Jersey, Connecticut và Delaware sẽ mở lại bãi biển từ 22/5. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) dự đoán đến ngày 1/6, Mỹ sẽ ghi nhận hơn 100.000 ca tử vong.

Tây Ban Nha, vùng dịch lớn nhất châu Âu, báo cáo thêm 2.138 ca nhiễm và 104 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 276.505 và 27.563.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez muốn kéo dài tình trạng khẩn cấp toàn quốc tới hết tháng 6 trước khi nới phong tỏa hoàn toàn. Lệnh phong tỏa toàn quốc tại Tây Ban Nha đã được gia hạn 4 lần, với những hạn chế chặt chẽ nhất thế giới áp dụng cho 47 triệu người. Tây Ban Nha bước vào giai đoạn đầu tiên của kế hoạch nới phong tỏa để quay lại trạng thái bình thường, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 6.

Nga là vùng dịch lớn thứ ba thế giới với 272.043 người nhiễm, tăng 9.200 ca. Nước này ghi nhận thêm 119 người chết vì nCoV, mức tăng trong 24 giờ kỷ lục, nâng tổng số ca tử vong lên 2.537.

Thị trưởng Sergei Sobyanin cảnh báo quy mô thực sự của Covid-19 tại Moskva có thể lớn hơn nhiều do nhiều người nhiễm không triệu chứng nên không biết mình mắc Covid-19 và tiếp tục lây lan trong cộng đồng. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 15/5 khẳng định nước này không giấu số ca tử vong trong đại dịch.

Nga nới lỏng các biện pháp hạn chế để ngăn nCoV và chấm dứt kỳ nghỉ có lương của phần lớn người lao động từ 12/5. Putin đã cho dân Nga nghỉ làm có lương ngày 28/3 và gia hạn hai lần sau đó. Tổng thống Nga thừa nhận dịch bệnh và các biện pháp phòng chống tác động mạnh đến kinh tế và "làm tổn thương hàng triệu công dân".

Ca nhiễm và tử vong do nCoV ở Anh lần lượt là 240.161 và 34.466 sau khi báo cáo thêm lần lượt 3.450 và 468 ca. Đây hiện là vùng dịch chết chóc nhất châu Âu.

Bắt đầu từ tuần này, Anh "tích cực khuyến khích" mọi người quay trở lại làm việc nếu công việc của họ không thể làm từ xa, như ngành sản xuất hoặc xây dựng. Người dân cũng được tập thể dục ngoài trời không giới hạn, có thể tham gia các môn thể thao nhiều người như đánh golf, tennis và câu cá, miễn là những người đi cùng đều là thành viên trong một gia đình.

Italy ghi nhận thêm 875 ca nhiễm và 153 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 224.760 và 31.763.

Chính quyền sẽ cho phép đi lại liên tỉnh từ ngày 3/6, đánh dấu sự nới lỏng hạn chế lớn sau khi Italy là quốc gia châu Âu đầu tiên phong tỏa toàn quốc hồi tháng 3. Các cửa hàng dự kiến mở cửa trở lại vào ngày 18/5.

Đức ghi nhận thêm 569 ca nhiễm, nâng tổng số lên 176.247, trong đó 8.027 người chết, tăng 28 ca. Tỷ lệ tử vong tại nước này thấp hơn nhiều so với các vùng dịch khác trong khu vực cũng như toàn cầu.

Đức đã dỡ bỏ một số biện pháp hạn chế sau khi Thủ tướng Angela Merkel cho biết nước này đã bước qua giai đoạn một của đại dịch. Tuy nhiên, bà cảnh báo nước này vẫn đối diện với nguy cơ gia tăng các ca nhiễm mới nếu người dân không tuân thủ các biện pháp giãn cách.

Tại khu vực Mỹ Latinh, Brazil vẫn là vùng dịch lớn nhất với 233.142 ca nhiễm, tăng 14.919 trường hợp. 15.633 người chết, tăng 816 ca. Brazil đã vượt qua Italy, trở thành vùng dịch thứ 5 thế giới. Giới chuyên gia tin rằng số ca nhiễm thực tế có thể cao hơn 12-15 lần so với số liệu được công bố do năng lực xét nghiệm còn hạn chế tại quốc gia này.

Bộ trưởng Y tế Brazil Nelson Teich từ chức sau chưa đầy một tháng làm việc, có thể do bất đồng với cách tiếp cận của Tổng thống Jair Bolsonaro.

Mexico báo cáo 45.032 ca nhiễm và 4.767 ca tử vong, tăng lần lượt 2.437 và 290. Chính quyền sẽ cho phép mở một số nhà máy ôtô từ ngày 18/5 sau nhiều lời kêu gọi từ các hãng xe Mỹ.

Tại Trung Đông, Iran báo cáo thêm 1.757 ca nhiễm và 35 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 118.392 và 6.937.

Iran đã dỡ bỏ lệnh cấm đi lại liên tỉnh và cho phép trung tâm thương mại nối lại hoạt động. Cuối tuần trước, các buổi tụ họp cầu nguyện đã được nối lại tại 180 thành phố và thị trấn Iran được coi là có nguy cơ lây nhiễm thấp. Trường học trên cả nước sẽ được mở cửa vào tuần tới.

Arab Saudi ghi nhận thêm 2.840 ca nhiễm và 10 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 52.016 và 302.

Arab Saudi sẽ phong tỏa toàn quốc trong kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr từ 23/5 đến 27/5 để ngăn virus lây lan. Cho đến lúc đó, các hoạt động kinh doanh vẫn được duy trì và mọi người có thể di chuyển tự do trong khoảng thời gian từ 9 giờ cho đến 17h, ngoại trừ ở Mecca, nơi vẫn bị áp lệnh giới nghiêm 24 giờ.

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) báo cáo 796 ca nhiễm mới và thêm 4 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 22.627 và 214. UAE từ cuối tháng trước đã nới lỏng các hạn chế được áp đặt kể từ giữa tháng ba. Dubai, trung tâm kinh doanh của UAE, cho phép các trung tâm thương mại, nhà hàng và quán cà phê mở cửa trở lại từ ngày 23/4 nhưng phải tuân thủ quy định phòng dịch.

Trung Quốc và Hàn Quốc chưa công bố số liệu.

Tại Nam Á, Ấn Độ báo cáo 90.648 ca nhiễm và 2.871 ca tử vong, tăng lần lượt 4.864 và 118.

Hệ thống đường sắt do nhà nước vận hành từ hồi đầu tuần nối lại hoạt động của các tuyến từ thủ đô New Delhi tới 12 thành phố khác, bao gồm Mumbai, Chennai, Bengaluru. Các hành khách phải đeo khẩu trang suốt hành trình, được kiểm tra thân nhiệt trước khi lên tàu và còn phải đăng ký một ứng dụng truy vết tiếp xúc trên điện thoại.

Tại Đông Nam Á, Singapore vẫn là vùng dịch lớn nhất khu vực với 27.356 ca nhiễm và 22 ca tử vong. Nước này đang nỗ lực tăng cường xét nghiệm bằng cách tuyển mộ thêm người lấy mẫu bệnh phẩm ở những nơi như ký túc xá của lao động nhập cư với hứa hẹn trả lương cao.

Indonesia xếp thứ hai với 17.025 ca nhiễm và 1.089 người chết. Các nhân viên y tế nước này vẫn phàn nàn về quy trình chậm trễ, một tháng sau khi Tổng thống Joko Widodo hứa tăng cường số xét nghiệm. Indonesia là nước duy nhất trong khu vực ghi nhận ca tử vong vượt 1.000.

Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV.

 Tác giả: Vũ Anh 

Nguồn tin: Báo Vnexpress