Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Trung Quốc điều tra nghi vấn sữa giả làm trẻ sơ sinh to đầu

Giới chức tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc đang điều tra vụ việc ít nhất 5 trẻ nhỏ bị to đầu, giảm cân đột ngột và có biểu hiện bất thường sau khi sử dụng một loạt sữa bột nghi là giả.

 Một trong số các em nhỏ đã uống sữa kém chất lượng (Ảnh: Hunan Economy TV)

SCMP ngày 14/5 dẫn nguồn tin từ Thepaper.cn cho biết, cơ quan giám sát thị trường quận Yongxing, thành phố Sâm Châu, tỉnh Hồ Nam đang điều tra về sản phẩm sữa công thức Bei An Min có nhiều nghi vấn.

Cha mẹ của 5 em nhỏ đã báo cho cơ quan trên rằng các bé bị bệnh chàm, giảm cân đột ngột và đầu bị sưng sau khi uống sữa Bei An Min. Các bé cũng tự dưng thường xuyên tát vào đầu mình và đều được chẩn đoán mắc chứng còi xương.

Truyền thông Trung Quốc không nói rõ tuổi của 5 đứa trẻ mắc triệu chứng bất thường, hay khoảng thời gian các bé đã dùng thức uống Bei An Minh. Tuy nhiên, tất cả 5 trường hợp đều thiếu cân, thấp còi và thiếu vitamin D.

Theo Đài truyền hình Hồ Nam, cơ quan đưa tin về các trường hợp này đầu tiên vào Thứ hai tuần này, các phụ huynh trên đã đến cửa hàng đang bị điều tra để mua một loại sữa bột axit amin cho con của họ, vốn bị dị ứng với sữa công thức thông thường.

Một phụ huynh họ Zhu cho biết sản phẩm được dán nhãn là bột uống protein nhưng người bán hàng nói rằng đó chỉ là một tên gọi khác cho sữa công thức dành cho trẻ nhỏ.

“Khi tôi mua nó, không ai nói với tôi đó chỉ là một loại bột uống thông thường. Các nhân viên bán hàng bảo rằng đó là sữa công thức”, phụ huynh Zhu nói.

Hiện cơ quan quản lý thị trường Yongxing đang tiến hành điều tra vụ việc và cho biết sẽ kiểm tra sức khỏe miễn phí và điều trị y tế cho tất cả trẻ nhỏ bị ảnh hưởng bởi loại thức uống protein này.

Các trường hợp trên xảy ra 12 năm sau vụ bê bối sữa nhiễm độc gây chấn động Trung Quốc. 6 em bé đã chết và khoảng 300.000 trẻ bị ốm do uống sữa pha với melamine, một hóa chất được sử dụng để sản xuất nhựa.

Hồi năm 2003, tại Fuyang, tỉnh An Huy, Trung Quốc, 13 trẻ nhỏ đã chết và 171 em bé khác phải điều trị sau khi bị cho ăn sữa bột không đạt tiêu chuẩn.

Tác giả: Hà Phương

Nguồn tin: Báo Dân trí