Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Phan Thanh Tuấn - Chữ Tài liền với chữ Tai một vần

Tiền vệ tài hoa số 15 ấy của SLNA đã chia tay sân cỏ 17 năm, nhưng những câu chuyện về Tuấn 'Tồn' vẫn nằm trong tâm trí của hàng vạn cổ động viên xứ Nghệ.

Câu chuyện về ngôi sao Tuấn “Tồn” vẫn nằm trong tâm trí của hàng vạn cổ động viên xứ Nghệ. Ảnh TA 

Năm 1990, khi 18 tuổi Phan Thanh Tuấn được gọi lên đội 1 SLNA nhưng trước đó 6-7 năm trong màu áo đội bóng phường Hồng Sơn (thành phố Vinh), đội trưởng Tuấn “Tồn” đã làm mưa, làm gió các giải bóng đá trẻ.

Niềm tự hào của phường Hồng Sơn

Ông Phan Thanh Tồn từ kể: “Đội thiếu niên của phường Hồng Sơn lúc đó, nhiều anh lớn hơn nó 2-3 tuổi, nhưng đã tín nhiệm bầu nó làm đội trưởng”. Trận tranh giải ba với phường Hà Huy Tập mùa hè 1984 trên sân Đại học Vinh, người ta đã thấy một tương lai sáng sủa của bóng đá xứ Nghệ khi cậu bé 12 tuổi làm xiếc với trái bóng. Che chắn, đảo người, tăng tốc… Thanh Tuấn có thể làm hàng loạt động tác kỹ thuật cá nhân trong một khoảng thời gian ngắn, điều mà các cầu thủ nhí chưa được đào tạo khó có thể biểu diễn được.

Thanh Tuấn (thứ 3, từ trái sang, hàng thứ 2) là một lãng tử tài hoa của sân cỏ Việt thập kỷ 198x. Ảnh SLNA 


Ở SLNA, Hữu Thắng chính là người đồng đội thân thiết nhất của Phan Thanh Tuấn. Chính Tuấn là người giới thiệu Hữu Thắng với HLV Đức “voi” lúc đó phụ trách đội trẻ. Tình bạn của họ vẫn bền mãi theo năm tháng, bản thân không ít lần Hữu Thắng bỏ đi tìm Thanh Tuấn, ngồi khuyên nhủ bạn trắng đêm nhưng người bạn tuổi Tý vẫn không sao quay lại đời thường được.

Đến giờ, giới chuyên môn đều công nhận Thanh Tuấn đã bộc lộ những tố chất hiếm có của một tiền vệ tổ chức. Tốc độ, lắt léo trong đi bóng, dứt điểm hóc hiểm và đặc biệt những đường chuyền độc của Tuấn luôn giúp đồng đội dễ dàng ghi bàn. Những cú vẩy má ngoài chân trái kiểu Tuấn “Tồn” sau này chỉ có Hà Mai Giang, Như Thuật tái hiện lại.

13 năm gắn bó sân Vinh

13 năm gắn bó với sân Vinh là một quãng thời gian làm nức lòng khán giả xứ Nghệ bởi những pha bóng xử lý đấy chất nghệ sĩ. Có những lần, bị 2 hậu vệ đối phương vây ép vào phía cột cờ góc, bất ngờ Tuấn dùng chân trái hất bóng lên, dùng đầu gối tâng bóng rồi ngoắt người chuyền bóng vào trong cho đồng đội. Những pha bóng mang đậm phong cách Brazil mà sân cỏ Việt Nam thời ấy chỉ có Hồng Sơn và Thanh Tuấn thực hiện được.

Thời những năm 8x, SLNA thường đá với đội hình 5-3-2, Thanh Tuấn được giải phóng bớt nhiệm vụ phòng ngự, các đồng đội Kỳ Phương, Phi Hùng, Văn Tiến, Idibatabude là những cầu thủ có nền tảng thể lực tốt đã gánh nhiệm vụ đánh chặn. Bóng của SLNA được tập trung cho Tuấn, và khả năng sáng tạo của tiền vệ này chẳng hề thua kém gì Hồng Sơn (Thể Công), chưa kể Thanh Tuấn ăn đứt quả sút xa đầy ngẫu hứng.

Phan Thanh Tuấn - Chữ Tài liền với chữ Tai một vần. Ảnh SLFC 

Ngày ấy, người ta vẫn thấy khi các cầu thủ SLNA tập luyện được một lúc mới thấy Thanh Tuấn khoác 2 chiếc giày trên cổ, từ từ ra sân. Tuấn chỉ xỏ giày “ngoáy mông, đảo người” một lúc rồi kết thúc buổi tập sớm hơn đồng đội. Nhưng nếu đủ thể lực là Thanh Tuấn vẫn được HLV Thành Vinh cho ra sân bởi vắng số 15 này, tuyến giữa thiếu đi người cầm trịch.

Ngày ấy, những trận đấu giữa Thể Công và SLNA thường được chờ đón, bởi người ta rất muốn nhìn thấy Hồng Sơn và Thanh Tuấn so tài. Mỗi người một lối đá khác nhau và họ là những ngôi sao thời ấy được giới chuyên môn, truyền thông thừa nhận. Thực tế, Thanh Tuấn đã rất nhiều lần được gọi vào ĐTQG Việt Nam dưới thời HLV Weigang hay Murphy. Nhưng lần nào cũng vậy, Thanh Tuấn đều tìm đủ cách, tìm đủ lý do để về vì ma túy rất dễ bị phát hiện nếu như ra nước ngoài tập huấn tập luyện, thi đấu.

Thời điểm ấy, ngoài sân cỏ, người ta luôn thấy chàng trai tóc dài, da đen ngồi trên chiếc Spacy màu trắng lượn lờ khắp thành phố Vinh. Hàng chục các “hoa hậu phường” thời ấy của thành phố Vinh luôn có hình bóng của người tiền vệ hào hoa, trên người khoác đầy hàng hiệu, tiêu tiền không cần đếm.

Tiến An, cổ động viên số 1 của SLNA cho rằng: “Đối với tôi, Tuấn “Tồn” là một ngôi sao mà hàng chục năm bóng đá xứ Nghệ mới có được, tiền vệ tài hoa bậc nhất bóng đá Việt”.

Cái kết không có hậu

Những cuộc vui thâu đêm đã khiến cho thể lực của tiền vệ tài hoa này “cạn pin”, thời gian thi đấu trên sân ít dần. Ảnh hưởng của Thanh Tuấn với đội bóng vì thế nhỏ dần và đến năm 2003, Tuấn “Tồn” chính thức chia tay sân cỏ, khi mới 31 tuổi. Khi “ráo mồ hôi” trên sân cũng là lúc đồ đạc, tiền bạc trong nhà Tuấn cứ đội nón mà đi, người vợ cũng không thể chịu đựng được hơn nữa, đâm đơn ra tòa và ôm con ra đi.

Tiến An, cổ động viên số 1 của SLNA cho rằng: “Đối với tôi, Tuấn “Tồn” là một ngôi sao mà hàng chục năm bóng đá xứ Nghệ mới có được, tiền vệ tài hoa bậc nhất bóng đá Việt”. Ảnh Tiến An cung cấp 

Giờ đã thành ông nội, nhưng chắc Phan Thanh Tuấn không quên được đoạn đời sau khi rời SLNA. Được bạn bè chí cốt khuyên nhủ, đùm bọc nhưng cuộc đời của chàng trai xóm chợ được trời phú cho đôi chân tài hoa này đã hướng sang ngã khác. Trong khi lứa đồng đội Hữu Thắng, Quang Trường…được xây dựng thành hình mẫu cho bóng đá xứ Nghệ, thậm chí là bóng đá Việt Nam thì cuộc đời cầu thủ Phan Thanh Tuấn được làm ví dụ ngược lại.

Có thời, để mưu sinh Phan Thanh Tuấn đã lên Quỳ Hợp (năm 2010) để lao vào tìm kiếm đá đỏ. Nhưng có lẽ “ông Trời” chỉ dành cho Thanh Tuấn cơ hội tỏa sáng trên sân cỏ, khi chính mình bỏ qua thì cơ hội không đến lần thứ 2 trong đời. Nơi hang cùng, ngõ hiểm, rừng sâu, nước độc lại nhan nhản tệ nạn xã hội như thuốc phiện, gái gú, rượu chè không phải là “sân khấu” để anh tỏa sáng.

Những người am hiểu bóng đá Việt Nam nói chúng và bóng đá xứ Nghệ đều biết Phan Thanh Tuấn không phải là trường hợp duy nhất để lại sự nuối tiếc trong lòng người hâm mộ. "Cuộc đời không phải là chuỗi những câu “giá như”, nhưng điều mà bạn bè và người hâm mộ tiếc nhất đó chính là không được thấy những bàn thắng ma mị của Tuấn trong màu áo đội tuyển quốc gia"- cây viết Catcosan Vinh nuối tiếc.

Tác giả: Đông Hùng

Nguồn tin: viettimes.vn