Kỷ luật cán bộ ở Hà Giang, có quyết định đóng dấu 'Mật'
- 14:01 13-05-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Việc thi hành kỷ luật cán bộ một số trường hợp còn nhẹ, chưa kịp thời, nhất là đối với những trường hợp có liên quan đến vụ việc nâng điểm trong kỳ thi PTTH năm 2018 |
Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam vừa có báo cáo kết quả giám sát từ sau kỳ họp thứ 8 đến kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV. Trong đó có nội dung giám sát việc triển khai và tổ chức thực hiện các quy định về giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ tại Hà Giang và Đà Nẵng.
Qua giám sát tại Hà Giang, cho thấy, việc thi hành kỷ luật cán bộ một số trường hợp còn nhẹ, chưa kịp thời, nhất là đối với những trường hợp có liên quan đến vụ việc nâng điểm trong kỳ thi PTTH năm 2018 với hình thức khiển trách.
Những cán bộ có trách nhiệm liên quan đến việc bổ nhiệm cán bộ thiếu điều kiện, tiêu chuẩn chưa được xem xét xử lý triệt để; quyết định kỷ luật cán bộ, đảng viên không có nội dung yêu cầu cơ quan quản lý công chức, viên chức xử lý kỷ luật về hành chính; có quyết định kỷ luật đóng dấu "Mật".
Theo kết quả giám sát, việc chỉ đạo của các cấp ủy và tổ chức triển khai thực hiện của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đối với những quy định của Đảng về công tác giám sát nói chung và giám sát cán bộ, đảng viên nói riêng còn ở mức độ nhất định, chưa có kết quả cụ thể; chưa rõ nội dung chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Quy định 218 về góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và các quy định của Đảng về công tác cán bộ…
“Tình trạng thiếu viên chức giáo dục và y tế, đặc biệt đối với vùng sâu vùng xa; việc triển khai lực lượng Công an chính quy về xã còn gặp nhiều khó khăn; việc thí điểm sáp nhập các ban của Đảng với các cơ quan nhà nước có tương đồng chức năng nhiệm vụ cũng có những bất cập”, giám sát nêu rõ.
Tại Đà Nẵng, theo Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam, việc thực hiện Quy định số 124 của Ban Bí thư Trung ương Đảng còn gặp khó khăn, vướng mắc trong một số quy định, do vậy kết quả chưa rõ ràng; việc xác định nội dung, phương pháp giám sát còn lúng túng; chất lượng giám sát có lúc chưa cao; việc giải quyết kiến nghị của một số ngành, chính quyền địa phương còn chậm…
Công khai bản kê khai tài sản tại cộng đồng
Sau giám sát, Ban Thường trực đã ban hành văn bản kiến nghị gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và một số cơ quan của trung ương và địa phương; trong đó, kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo triển khai Kết luận số 34 của Ban Chấp hành Trung ương; Kế hoạch số 07 của Ban Chấp hành Trung ương về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và hướng dẫn con dấu, chức năng nhiệm vụ của các cơ quan thí điểm hợp nhất như Ban Tổ chức - Nội vụ, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra - Thanh tra tỉnh.
Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu Chính phủ bổ sung nội dung công khai bản kê khai tài sản hàng năm của cán bộ, đảng viên phải được gửi đến Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố và niêm yết tại nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn, tổ dân phố để người dân giám sát vào nội dung Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mà Thanh tra Chính phủ đang tham mưu giúp Chính phủ xây dựng.
Đồng thời rà soát, đánh giá thực trạng về trình độ chuyên môn cán bộ, công chức, viên chức nhất là công chức cấp xã đối với các tỉnh miền núi; sửa đổi, bổ sung những chính sách đặc thù về công tác cán bộ phù hợp với tình hình thực tế như: Trình độ Đại học với công chức cấp xã; điều kiện ngoại ngữ khi tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức; chế độ ưu tiên khi thi tuyển, đào tạo, tuyển dụng đối với người dân tộc thiểu số; tiếp tục có đề án chọn thanh niên ưu tú tốt nghiệp đại học chính quy đưa về vùng cao khó khăn làm dự nguồn để tuyển dụng công chức.
Nghiên cứu cơ chế đặc thù về điều kiện bổ nhiệm Trưởng công an xã phải có trình độ đại học trong đề án đưa công an chính quy về cấp xã đối với những xã vùng cao đặc biệt khó khăn; nghiên cứu, hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra, Thanh tra viên, cơ quan Thanh tra, Thanh tra chuyên ngành Nội vụ đối với những trường hợp sáp nhập cơ quan Thanh tra với Ủy ban kiểm tra, cơ quan Nội vụ với Ban Tổ chức cùng cấp…
Tác giả: Luân Dũng
Nguồn tin: Báo Tiền phong