Lấy người phụ nữ 65 tuổi, trai Tây 24 tuổi 'vượt ải' con riêng của vợ thế nào?
- 14:34 11-05-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Từ phản đối đến chấp nhận rồi ủng hộ
Một ngày gần cuối năm 2018, chị Lưu Cẩm Phụng (42 tuổi, con thứ hai của bà Nguyễn Thị Hoa) nghe người mẹ 65 tuổi kể có chàng trai Pakistan mang tên Aziz Ur Rehman ngỏ lời yêu bà.
Lên facebook lần theo thông tin mà mẹ cho, chị Phụng bất ngờ thấy Rehman quá trẻ, mới 24 tuổi nên phản đối. "Tôi nói với mẹ là cậu ấy quá trẻ lại ở Pakistan, liệu có tin tưởng gì được không, hay chỉ là mấy đứa con nít lên mạng trêu chọc", chị Phụng kể.
Chị ngăn cản, các anh em trong nhà cũng phản đối quyết liệt. Để ý vẫn thấy mẹ sau đó thường xuyên nói chuyện qua facebook với chàng trai Pakistan trẻ tuổi, chị Phụng cũng không nói gì vì cho rằng chẳng bao lâu nữa hai người sẽ chấm dứt vì chẳng đi đến đâu.
Do nhà sát bên nhà mẹ đẻ, chị Phụng người thường xuyên qua lại thăm nom và nhận thấy sau khi quen biết chàng trai xứ lạ, mẹ mình trở nên vui vẻ, yêu đời hơn.
"23 năm qua mẹ tôi sống một mình, chưa từng để lại điều tiếng gì hay làm gì khiến con cái bận lòng. Chúng tôi cũng đã lớn, có gia đình riêng nên nhiều lúc thương cho mẹ. Thấy mẹ vui vẻ, dần dần tôi cũng bị cảm hóa", chị Phụng tâm sự.
Dần dần, cô con gái thứ hai của bà Hoa chấp nhận chuyện tình online của mẹ và chàng trai chỉ bằng gần nửa tuổi mình. Cũng chính chị người khuyên các anh em trong nhà chấp nhận, để cho mẹ được sống với tình cảm riêng. Nhờ đó, các con bà Hoa đều không ai "hoạnh họe" gì nữa.
Tuy nhiên, chị Phụng sốc thật sự vào cái ngày bà Hoa thông báo Rehman sẽ sang Việt Nam thăm người yêu. Từ ngỡ ngàng, chị trở nên hoài nghi: "Tin thế nào được là cậu ấy lại qua tận Việt Nam thăm mẹ mình". Thế mà rồi điều đó thành sự thật.
Ngày gặp Rehman, chị Phụng ấn tượng với nụ cười tươi tắn, khuôn mặt điển trai của người yêu mẹ. Khi thấy Rehman lặn lội sang tận Việt Nam, tất cả con cái của bà Hoa hoàn toàn ủng hộ chuyện tình này.
Chị Phụng, con gái thứ 2 của bà Hoa. |
Trong thời gian Rehman ở Việt Nam, nhìn cách anh yêu thương bạn gái lớn tuổi, những người con càng cảm thấy yên tâm. Rehman quan tâm đến từng cử chỉ, biểu cảm của bà Hoa. Trong những lần qua lại giữa Việt Nam và Pakistan, anh thường mua tặng người yêu những bộ quần áo, trang sức mà phụ nữ ở Pakistan hay sử dụng.
Vừa chia sẻ với phóng viên VTC News, chị Phụng vừa nhìn sang mẹ đang dựa đầu vào vai người cha dượng trẻ tuổi, bật cười: "Lúc nào cử chỉ cũng âu yếm vậy đó; mà thật ra khi không có khách còn hạnh phúc hơn nữa. Nhiều lần 2 người cãi nhau mà nhìn như trẻ con bây giờ yêu vậy đó. Con cái bây giờ thấy mẹ vậy cũng mừng".
"Tôi nghèo rớt, có gì mà đào mỏ"
Khi câu chuyện của mẹ trở nên nổi tiếng, dư luận xì xào, đàm tiếu với những lời khó nghe, thậm chí xúc phạm, thấy mẹ buồn, các con bà Hoa thay nhau động viên. Nhiều lần đi ra chợ, nhiều người nhận ra chị Phụng nên đứng chụm đầu vào bàn tán. Chị nghe hết, hiểu người ta đang nói câu chuyện của mẹ mình và thấy chạnh lòng, nhưng vẫn lướt qua, coi như không nghe thấy.
"Tôi nghĩ thôi kệ, đời mà. Người ta dè bỉu thì nhiều, ai hiểu được thì hiểu. Tôi là người đầu tiên phản đối cũng là người đầu tiên trong gia đình chấp nhận, thế thì cần gì phải để ý lời thiên hạ. Miễn tôi biết mẹ tôi vui, mẹ đang hạnh phúc thôi", chị Phụng chắc nịch.
Về những bình luận kiểu "thằng này bên đó cực khổ nên qua đây để sống cho sướng", con gái bà Hoa thẳng thừng chia sẻ, gia đình chị chẳng có gì giàu có, chỉ là những người lao động bình thường.
"Nhà tôi có gì thì cậu ấy ăn đó, có thể bữa ăn của cậu ấy hơi khác vì văn hóa, nhưng rất bình thường, không bao giờ đòi hỏi. Cậu ấy cũng rất hiền và chăm chỉ. Ví dụ tôi cần làm gì đó, tôi nhờ cái là đi làm liền, kể cả đang ngủ. Cậu ấy không bao giờ tỏ thái độ hằn học, khó chịu", chị Phụng nói.
Bà Hoa và người chồng trẻ hơn 41 tuổi. |
Tiếp lời con gái, bà Hoa ngồi bên cạnh nói xen: "Tôi nghèo rớt mồng tơi chứ có gì đâu mà đào mỏ". Rồi bà nắm chặt tay chồng, nhìn âu yếm.
Theo lời kể của chị Phụng, trước Tết, Rehman cùng gia đình bà Hoa lên Đắk Lắk, ở chơi nhà người con của bà. Vì bản tính hiền lành, lại sống rất hiểu biết, Rehman lấy được cảm tình của họ hàng nhà vợ.
Những ngày Tết 2020, cũng như những người đàn ông Việt Nam khác, Rehman phụ vợ gói bánh, chẻ lạt rồi ngồi xem gia đình nấu bánh. Đến nay, mọi người trong gia đình bà Hoa đều quen với sự xuất hiện của Rehman. Về phần mình, chàng trai cũng bắt đầu thích với nghi cuộc sống ở Việt Nam.
"Giờ chúc phúc cho mẹ thôi, còn dư luận thì mình đâu bịt miệng được họ. Thôi kệ, giờ ai nói gì thì nói, miễn 2 người ấy hạnh phúc là được", con gái bà Hoa chốt chắc nịch.
Tác giả: NHẬT LINH
Nguồn tin: Báo VTC News
NHẬT LINH