Đang vướng Chỉ thị số 13-CT/TW, Công ty CP Tư vấn xây dựng thủy lợi thủy điện Thăng Long vẫn “ôm” dự án
- 22:02 10-05-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Dự án Nhà máy thủy điện Khe Thơi, huyện Con Cuông, Nghệ An. |
Dự án Nhà máy Thủy điện Khe Thơi, tại xã Lạng Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An) do Công ty CP Thủy điện Khe Thơi (thuộc Công ty Cổ phần 473), số 7, Nguyễn Cảnh Hoan, TP. Vinh làm chủ đầu tư. Nhà máy Thủy điện Khe Thơi có công suất phát điện 12 MW, tổng diện tích đất chiếm là 82 ha, trong đó gần 38 ha rừng tự nhiên. Công trình được khởi công tháng 11/2015.
Dự án thủy điện Khe Thơi được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 144/QĐ-UBND ngày 10/1/2017. Được HĐND tỉnh thông qua, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng theo tinh thần của Nghị quyết số 16/NQ-HĐND ngày 20/12/2017.
Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch dự án thủy điện Khe Thơi. |
Sau 4 năm thi công, dự án đã hoàn thành khoảng 95% khối lượng (chi 365/397 tỷ đồng) và dự kiến phát điện vào tháng 9/2019. Tuy nhiên, do vướng thủ tục liên quan đến chuyển đổi đất rừng (Phần hồ thủy điện có 19,7 ha ảnh hưởng đến phần diện tích rừng tự nhiên) nên nhà máy chưa thể tích nước và phát điện lên hệ thống.
Chia sẻ về việc này, ông Thái Thanh Tùng, Phó giám đốc Công ty Cổ phần 473 cho biết, mặc dù Dự án đã hoàn thành được khoảng 95% nhưng do ảnh hưởng 1 số điều kiện như vốn vay ngân hàng, đặc biệt là việc chuyển đổi đất rừng tự nhiên đang vướng mắc do Chỉ thị 13/CT/TW của Ban Bí thư nên vào tháng 1/2020, chúng tôi đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần Công ty CP Thủy điện Khe Thơi cho 1 đối tác khác. Đến nay, Dự án Nhà máy Thủy điện Khe Thơi đã có tư cách pháp nhân mới.
Ông Hoàng Văn Tám, Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cũng thừa nhận, hiện nay, Dự án Nhà máy Thủy điện Khe Thơi đã được chuyển cho chủ đầu tư mới. Toàn bộ cổ phần đã được bán cho Công ty CP tư vấn xây dựng thủy lợi thủy điện Thăng Long. Đến nay đơn vị này vẫn chưa chuyển đổi được diện tích đất rừng tự nhiên nằm trong đất dự án.
Ngày 12/01/2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối vối công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng (QLBV&PTR).
Trong đó, Ban bí thư Trung ương Đảng yêu cầu: “Khẩn trương rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch dự án phát triển kinh tế, xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng, đặc biệt là đối với rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; Có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhất là đối với các dự án phát triển thủy điện, khai thác khoáng sản, xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ du lịch...
Kiên quyết đình chỉ, thu hồi đất đối với dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng có sai phạm, hoặc có nguy cơ gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường sinh thái ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống người dân vùng dự án; đồng thời xử lý nghiêm minh, công khai, minh bạch các tổ chức, cá nhân vi phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác thẩm định, phê duyệt cấp phép đầu tư…
Bảo vệ và quản lý nghiêm, kết hợp với tăng cường các biện pháp trồng mới, phục hồi, tái sinh rừng tự nhiên; có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ việc chuyển đổi diện tích rừng phòng hộ tại các khu vực ít xung yếu sang rừng sản xuất, tránh để lợi dụng nhằm trục lợi; không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác (trừ các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc các dự án đặc biệt, cấp thiết do Chính phủ quyết định); dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên trên phạm vi cả nước; nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường đối với rừng sản xuất; ngăn chặn kịp thời, hiệu quả tình trạng suy thoái rừng…”.
Căn cứ vào Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng thì rõ ràng, Dự án thủy điện Khe Thơi đang bị “vướng” và nằm ngoài diện ưu tiên.
Điều này càng thể hiện rõ hơn khi Công ty Cổ phần 473 đành phải chấp nhận bán “đứa con” Nhà máy Thủy điện Khe Thơi mà mình “nuôi dưỡng” suốt nhiều năm qua trong ngậm ngùi cho 1 đối tác khác là Công ty CP tư vấn xây dựng thủy lợi thủy điện Thăng Long có trụ sở tại Hà Nội vào đầu năm 2020.
Sau nhiều năm, Công ty cũ chưa được Chính phủ chấp thuận phương án chuyển đổi mục đích đất rừng đồng nghĩa với Dự án phải hoãn lại vô thời hạn thế nhưng Công ty CP tư vấn xây dựng thủy lợi thủy điện Thăng Long lại sẵn sàng ôm đống “bùi nhùi” Nhà máy Thủy điện Khe Thơi này vào giai đoạn nhạy cảm này? Liệu rằng, Công ty CP tư vấn xây dựng thủy lợi thủy điện Thăng Long có vượt qua được Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng để hoàn thiện dự án và đi vào hoạt động?
Theo lãnh đạo Công ty CP tư vấn xây dựng thủy lợi thủy điện Thăng Long xác nhận, các cổ đông của Công ty Cổ phần 473 chuyển nhượng cổ phần lại cho công ty chúng tôi. Tuy nhiên, các văn bản, giấy tờ vẫn mang tên Công ty CP Thủy điện Khe Thơi. Hiện nay cũng có rất nhiều dự án đang vướng Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Chúng tôi đang chờ đợi Nghị định 156/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp được sửa đổi sẽ giúp các dự án được triển khai trước Chỉ thị số 13-CT/TW được chuyển đổi đất rừng tự nhiên.
Tác giả: Ngọc Tuấn
Nguồn tin: taichinhdoanhnghiep.net.vn