Đề xuất xe máy bật đèn nhận diện vào ban ngày
- 15:56 09-05-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tại khoản 3 điều 27 dự thảo Luật Giao thông Đường bộ (sửa đổi) đang được lấy ý kiến, quy định: Trong suốt cả ngày, xe môtô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau.
Vào ban đêm hoặc khi trời tối hoặc khi có sương mù, thời tiết xấu bị hạn chế tầm nhìn phải bật sáng những đèn chiếu xa hoặc chiếu gần, đèn chiếu hậu hoặc đèn định vị theo thiết kế của nhà sản xuất.
Theo ông Hoàng Thế Tùng, Phó vụ trưởng An toàn giao thông (Bộ Giao thông Vận tải), trên thế giới, xe máy được coi là phương tiện yếu thế hơn ôtô, nên Công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ đã quy định bật đèn nhận diện xe máy cả ngày (không phải đèn chiếu sáng) để người điều khiển ôtô phát hiện xe máy. Việt Nam đã tham gia Công ước này nên phải tuân theo quy định.
Trước đây Ủy ban An toàn giao thông đã đề xuất áp dụng quy định trên, song nhiều người dân phản ứng rằng trong Luật chưa có nên lần này ban soạn thảo đã đưa vào Luật Giao thông đường bộ sửa đổi.
Ông Tùng cho biết, theo dự thảo, có nhiều loại xe máy đời mới đã có đèn nhận diện thì người dân sử dụng đèn này, còn những xe đời cũ không có đèn nhận diện, người dân sẽ sử dụng đèn chiếu gần hoặc đèn hậu.
"Đây là đèn LED nên không tốn nhiên liệu như nhiều ngươi lo ngại mà giúp người lái ôtô nhận biết xe máy khi đèn chiếu vào gương, sẽ giúp đảm bảo an toàn giao thông", ông Tùng nói.
Cũng theo ông Tùng, giống như quy định đội mũ bảo hiểm hay xử phạt người tham gia giao thông có nồng độ cồn, người dân ban đầu có thể chưa quen việc bật đèn chiếu gần nên việc thực thi sẽ có lộ trình và chế tài xử lý phù hợp.
Xe ùn tắc vào giờ cao điểm tại TP HCM. Ảnh:Hữu Khoa. |
Bình luận về đề xuất trên, ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội cho rằng, Việt Nam có hàng chục triệu xe máy trong khi chỉ có 3 triệu ôtô, vì vậy ôtô mới là phương tiện cần bật đèn nhận diện.
"Xe máy bật đèn đồng loạt thì thành rừng đèn giữa thành phố, việc nhận diện không hiệu quả", ông Liên nói và cho rằng quy định này chỉ phù hợp với các nước châu Âu khi ánh sáng ban ngày không đủ, sương mù nhiều và xe máy ít nên cần bật đèn. Các nước Đông Nam Á khác có nhiều xe máy như Thái Lan, Indonesia đều không bắt buộc người dân bật đèn xe nhận diện.
"Tôi nghĩ là người dân và Quốc hội sẽ không đồng tình với quy định bật đèn nhận diện, luật phải dựa trên thực trạng mỗi nước", ông Liên nói.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cũng cho rằng, Việt Nam là nước nhiệt đới, trời nóng, trên đường có hàng nghìn phương tiện ùn tắc thì việc bật đèn xe càng gây nóng nực và cảm giác khó chịu với người đi ngược chiều.
Trái với quan điểm trên, ông Nguyễn Hữu Trí, Nguyên Phó cục trưởng Đăng kiểm cho rằng, các loại đèn nhận diện, đèn chiếu gần là đèn Led, nguồn sáng không gây tốn điện, không tăng chi phí sản xuất. Phần lớn các hãng xe máy trên thế giới đã trang bị đèn nhận diện, nếu thị trường nào không sử dụng thì họ bỏ bớt thiết bị.
Ông Trí góp ý, Luật Giao thông Đường bộ (sửa đổi) không nên hồi tố với các loại xe cũ chưa được thiết kế đèn nhận diện, chỉ áp dụng với các xe sản xuất mới. Ngoài ra, Nhà nước cần có lộ trình hoặc thí điểm thực hiện để người dân dần làm quen.
Dự thảo Luật Giao thông Đường bộ (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2020.
Theo khoản 6 Điều 32 Công ước về Giao thông đường bộ, vào ban ngày, xe gắn máy lưu thông trên đường phải bật ít nhất một đèn vượt phía trước và một đèn đỏ ở sau. Pháp luật nội địa có quyền cho phép sử dụng đèn chạy ban ngày thay cho đèn vượt. |
Tác giả: Đoàn Loan
Nguồn tin: Báo VnExpress