Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cựu trưởng CA TP Thanh Hóa nhận hối lộ: Bị hại xin giảm án... có thoát?

Trong phiên tòa xét xử Cựu trưởng CA TP Thanh Hóa nhận hối lộ ngày 8/5, ông Phương hầu tòa trong tình trạng sức khỏe yếu. Nói tại phiên tòa ông ông Đỗ Đức Hiếu bị hại xin giảm án cho bị cáo Phương.

TAND tỉnh Thanh Hóa mở phiên tòa hình sự xét xử sơ thẩm vụ án nhận hối lộ đối với Nguyễn Chí Phương - cựu đại tá, cựu trưởng Công an TP Thanh Hóa.

Bước vào phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Chí Phương xin hội đồng xét xử (HĐXX) được ngồi để trả lời vì sức khỏe yếu, đứng không vững và được tòa chấp nhận. Ngồi cạnh bị cáo Phương có người hỗ trợ, đảm bảo sức khỏe cho bị cáo trong khi xét xử.

Theo HĐXX, kể từ khi bị khởi tố đến nay, ông Phương liên tục bị ốm, qua giám định, ông được xác định mất 62% sức khỏe.

Người bị hại là ông Đỗ Đức Hiếu, cựu thuộc cấp của bị cáo Nguyễn Chí Phương cũng có mặt tại tòa. Trình bày tại phiên tòa, ông Hiếu mong tòa xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho cựu đại tá Phương.

  Cựu Trưởng công an TP Thanh Hóa. Ảnh: Zing.vn.

Việc cựu trưởng CA TP Thanh Hóa nhận hối lộ được bị hại xin giảm án liệu có khiến ông Phương thoát mức án cao nhất?

Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội bày tỏ quan điểm, ông Phương bị truy tố, xét xử về tội nhận hối lộ theo quy định tại điều 354 bộ luật hình sự năm 2015, tội danh này không thuộc trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại nên việc người bị hại có rút đơn hay xin giảm án thì cũng không ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ án.

Theo quy định của pháp luật, hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn nhận tiền hoặc tài sản khác hoặc lợi ích phi vật chất của người khác để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đã đưa lợi ích thì đây là hành vi nhận hối lộ, hành vi này sẽ bị xử lý về tội nhận hối lộ theo Điều 354 bộ luật hình sự năm 2015.

Như vậy, nếu kết quả tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm có căn cứ cho thấy ông Phương đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận tiền từ cán bộ dưới quyền nhằm thực hiện công việc theo yêu cầu của người này thì ông Phương sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ.
Trường hợp người đưa hối lộ nếu chủ động khai báo thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ.

 Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Đối với số tiền nhận hối lộ là 260.000.000 đồng thì hình phạt được quy định tại khoản 2, điều 354 bộ luật hình sự là phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn hoặc đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt khác cũng là các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự....
Bởi vậy, dù người bị hại có xin giảm nhẹ hình phạt cho ông Phương thì ông Phương cũng vẫn phải đối diện với mức án từ 07 năm đến 15 năm tù.
 
Trong trường hợp ông Phương thành khẩn khai báo, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, lời nhận tội của ông Phương phù hợp với các tình tiết, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, ông Phương có nhiều thành tích trong quá trình công tác, bản thân thì đang ốm yếu, suy giảm sức khỏe 62 % thì cũng sẽ được hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt để thể hiện sự khoan hồng của pháp luật cũng như đảm bảo tính khả thi của bản án.
 
Còn trường hợp tại phiên tòa mà ông Phương không thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội nhưng cơ quan tố tụng có căn cứ cho thấy ông Phương đã nhận tiền để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa tiền thì cơ quan tố tụng vẫn buộc tội vị cán bộ lãnh đạo này và đánh giá là hành vi không thành khẩn, sẽ có mức hình phạt nghiêm khắc.
 

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, Nguyễn Chí Phương là Trưởng Công an TP Thanh Hóa, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Thanh Hóa, trực tiếp chỉ đạo việc đề nghị xử lý kỷ luật và ký các văn bản tố tụng khi giải quyết vụ việc Đỗ Đức Hiếu (cán bộ Công an TP) có hành vi "trộm cắp tài sản" xảy ra tại Công an TP Thanh Hóa ngày 18/7/2018.

Qúa trình thực hiện, Nguyễn Chí Phương đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, nhận hối lộ 3 lần của Đỗ Đức Hiếu với tổng số tiền 260 triệu đồng để giúp Đỗ Đức Hiếu không bị kỷ luật và không bị xử lý hình sự.

Sau khi nhận tiền, Nguyễn Chí Phương đã chỉ đạo cán bộ cấp dưới hướng dẫn Đỗ Đức Hiếu làm thủ tục xin xuất ngũ, đồng thời trao đổi với lãnh đạo VKSND TP Thanh Hóa không xử lý hình sự và báo cáo lãnh đạo Công an tỉnh Thanh Hóa xin xử lý nội bộ. Tuy nhiên, đề xuất trên của Nguyễn Chí Phương đã không được các cơ quan trên chấp nhận.

Việc không thành, Nguyễn Chí Phương buộc phải làm thủ tục kỷ luật tước danh hiệu Công an nhân dân; khởi tố đối với Đỗ Đức Hiếu. Sau khi Hiếu bị khởi tố, Phương đã không trả lại số tiền đã nhận.
Sau đó Hiếu nộp đơn kèm file ghi âm đến cơ quan bảo vệ pháp luật và báo chí tố cáo ông Phương. Ngày 25/1/2019, Bộ trưởng Bộ Công an ký quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với đại tá Nguyễn Chí Phương. Sau phiên tòa xét xử sơ thẩm ông Nguyễn Chí Phương ngày 8/5, HĐXX Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa nghỉ để nghị án. Dự kiến ngày 12/5 sẽ tuyên án.

Tác giả: Trung Vương
 
Nguồn tin: Báo Kiến thức