Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Trường học Nghệ An lo đối phó nắng nóng 40 độ C

Mới chớm hè nhưng thời tiết ở Nghệ An có nơi đã lên đến gần 40 độ. Thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng dạy học là điều lo lắng nhất của các nhà trường.

 Thời tiết tại Nghệ An bắt đầu nắng nóng khiến việc dạy học của các nhà trường vất vả hơn

Điều chỉnh thời gian dạy học theo thời tiết

Thầy Trần Đức Dương – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lượng Minh (huyện Tương Dương, Nghệ An) cho biết, nhiệt độ đo được vào trưa qua (ngày 6/5) tại trường là 42 độ. Dù ở dọc sông Nậm Nơn nhưng do ảnh hưởng khí hậu của Lào nên Lương Minh là một trong những xã nắng nóng nhất của huyện. 

“Học sinh của trường hầu hết ở bán trú với 298/315 em. Năm học này kéo dài sang tháng 7, học sinh học tập, sinh hoạt tập thể tại trường trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt sẽ vô cùng vất vả. Thầy cô cũng phải trực thường xuyên 24/24 để quản lý, đảm bảo an toàn và phòng dịch cho các em”, thầy Trần Đức Dương cho biết.

 Nhiệt độ đo được của học sinh vào buổi trưa khi vừa từ ngoài trời nắng vào phòng tại huyện Tương Dương, Nghệ An.

Hiện, trường đã phân ca khối 8 - 9 học buổi sáng, khối 6 – 7 học buổi chiều để giãn cách. Nhưng thời gian học được điều chỉnh tùy theo tình hình thời tiết. Với khối lớp buổi chiều, các em vào học từ 14h – 14h30 và tan trường vào 18h. Nhà trường bố trí thêm quạt trong phòng học và nhà ở bán trú. Ngoài ra, thầy cô sẽ phụ đạo thêm cho học sinh vào buổi tối để các em kịp tiếp thu kiến thức mới.

Ông Kha Văn Lập (Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tương Dương cho biết, hiện các đơn vị trường học trên địa bàn huyện Tương Dương đã triển khai dạy học 2 ca, riêng bậc mầm non tổ chức bán trú nên chăm sóc trẻ cả ngày.

“Chúng tôi rất lo lắng vào dịp cuối tháng 5 và tháng 6, nắng nóng đỉnh điểm. Đặc thù thời tiết ở vùng cao lại thường xảy ra dông lốc, mưa đá vào buổi chiều, gây nguy hiểm cho học sinh và giáo viên. Hiện nhiều phụ huynh cũng đã có ý kiến xin cho con học vào buổi sáng. Ngoài ra, địa bàn có nhiều sông suối, ao hồ, thời tiết nắng nóng khó kiểm soát được việc học sinh đi tắm mát, nguy cơ xảy ra đuối nước”, ông Kha Văn Lập cho hay.

 Trường Tiểu học Châu Phong 2, huyện Quỳ Châu, Nghệ An thực hiện giãn cách học sinh bằng việc kê thêm bàn ghế. Các phòng học chủ yếu được lắp quạt trần.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tương Dương cũng cho biết quan điểm của Phòng dạy học đảm bảo an toàn, sức khỏe của học sinh lên trên hết. Phòng cũng đề nghị các trường tùy tình hình dịch bệnh và thời tiết chủ động xây dựng các phương án linh hoạt, không máy móc. Đồng thời phải lấy ý kiến, được sự đồng thuận của phụ huynh.

Phòng cũng tính đến phương án cho phép các trường tiểu học dạy vào buổi sáng. Vì huyện miền núi không áp lực về sỹ số, bình thường đã có giãn cách, thậm chí điểm trường lẻ chỉ có trên dưới 10 học sinh/lớp. Quan trọng là chất lượng dạy học hơn là dàn trải dài thời gian nhưng không hiệu quả.

Cố gắng sớm hoàn thành chương trình học

Ở một số trường vùng thuận lợi, nhiều phụ huynh đề xuất ý kiến lắp điều hòa trong phòng học nhưng khó triển khai. Chị Hoàng Thị Lam Hồng (phụ huynh ở TP Vinh, Nghệ An) cho biết con trai học lớp 1 tại Trường Tiểu học Nghi Kim. Để đảm bảo giãn cách, lớp của cháu được chuyển đến phòng mới rộng hơn. Phòng học này buổi sáng có một lớp 4 học, còn lớp con chị học buổi chiều. Dự báo năm nay nắng nóng kỷ lục, nên nhiều phụ huynh đề nghị lắp điều hòa. Nhưng sau đó không thống nhất được các ý kiến.

 Học sinh Trường Tiểu học Vinh Tân (TP Vinh) được cô giáo hướng dẫn đến phòng học mới rộng rãi hơn để thực hiện giãn cách

“Phòng học hiện tại chỉ là tạm thời, không biết năm sau các cháu có được học phòng này nữa hay không. Một số phụ huynh khác điều kiện kinh tế khó khăn nên không đồng ý. Ngoài ra còn vấn đề tiền điện, phòng học cần tu sửa nhỏ, đảm bảo không gian kín khi lắp điều hòa. Quyết định cuối cùng đưa ra là không mua điều hòa, mà lắp thêm rèm cửa, mành che nắng ngoài hành lang lớp học”, chị Lam Hồng nói.

Trường Tiểu học Nam Lĩnh (huyện Nam Đàn, Nghệ An) đã ổn định dạy học, giãn cách học sinh. Tuy nhiên, như nhiều đơn vị khác, lãnh đạo nhà trường lo lắng thời tiết mùa hè khắc nghiệt, nắng nóng kèm theo gió Lào.

 Học sinh khối lớp 1 - 2 Trường Tiểu học Trung Đô học buổi chiều. Hầu hết các em được bố mẹ chở đến trường vì thời tiết quá nắng nóng.

Cô Nguyễn Thị Tâm – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ở vùng nông thôn, việc huy động nguồn lực lắp điều hòa cho các phòng học khó khả thi. Vì vậy, chúng tôi chủ yếu tăng cường thêm quạt, lắp rèm cửa che bớt nắng. Đồng thời cố gắng hoàn thành chương trình dạy học trong tháng 6".

Cụ thể, sau khi họp hội đồng giáo viên và xây dựng kế hoạch dạy học theo hướng dẫn tinh giản, các lớp sẽ còn 8 tuần học. Giáo viên cũng cố gắng để đạt được tiến độ trên, tập trung dạy kiến thức mới, cơ bản, cốt lõi. Những kiến thức tự học giáo viên sẽ phối hợp với phụ huynh để hướng dẫn học sinh. Như vậy, sang tháng 7 học sinh đã có thể ở nhà.

Sau khi hoàn thành chương trình kiến thức, thời gian còn lại nhà trường sẽ linh hoạt thời gian, cách thức ôn tập, đảm bảo thuận lợi, an toàn cho học sinh. Việc tổng kết năm học sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Sở và Bộ GD&ĐT. 

Tác giả: Hồ Lài

Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại