Vợ chồng Lẫm - Quyết từng bị Thẩm phán của Tòa án ND tỉnh Thái Bình tuyên án ở vụ xét xử sơ thẩm ngày 12/6/2019, tổng cộng 27 năm tù về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", nay được toại ngoại do có liên quan đến Đường "Nhuệ".
Ngày 28/4 vừa qua, TAND Cấp cao tại Hà Nội vừa ra quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn với 2 bị cáo Nguyễn Văn Lẫm và vợ là Phạm Thị Quyết (Giám đốc công ty Lâm Quyết) từ tạm giam thành bảo lãnh cho tại ngoại. Trước khi bị tòa tuyên án, vợ chồng ông Lẫm đang tố cáo Đường Nhuệ đe dọa tính mạng, đòi nợ, đập phá và lấy đi nhiều tài sản của công ty.
Cụ thể, ngày 12/6/2019, TAND tỉnh Thái Bình đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Lẫm 14 năm tù, Phạm Thị Quyết 13 năm tù về tội danh "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản"; cáo buộc vợ chồng ông đã gian dối, tạo ra việc bị nhóm người do Nguyễn Xuân Đường chỉ đạo chiếm giữ, hủy hoại trụ sở công ty hòng trốn tránh việc trả nợ, nhằm chiếm đoạt số tiền đã vay trước đó của một người khác cùng trú tại TP Thái Bình.
Theo cáo trạng, lợi dụng vỏ bọc là giám đốc công ty lâm sản, Nguyễn Văn Lẫm và vợ là Phạm Thị Quyết đã sử dụng chiếc xe ô tô Toyota Camry đăng ký BKS 17K - 9966 để thế chấp, bán cho người khác, thực hiện hành vi chiếm đoạt khoảng 900 triệu đồng.
Tại phiên tòa, vợ chồng Lẫm, Quyết đã thừa nhận hành vi phạm tội, chưa khắc phục hậu quả.
Căn cứ diễn biến vụ án, chiều 12/6, HĐXX đã tuyên phạt Nguyễn Văn Lẫm 14 năm tù giam, Phạm Thị Quyết 13 năm tù theo Khoản 4, Điều 175 BLHS cùng về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Trong suốt hơn 2 năm bị tạm giam, hai ông bà và người thân gửi đơn thư kêu oan, phủ nhận hành vi phạm tội và kháng cáo bản án nhưng sự việc dường như chìm vào vô vọng.
|
Vợ chồng Lẫm - Quyết được tại ngoại (ảnh Nguyễn Hà) |
Phải đến khi vợ chồng trùm giang hồ Đường Nhuệ bị bắt, các vụ án liên quan đến băng nhóm của Đường Nhuệ được lãnh đạo trung ương cũng như lãnh đạo tỉnh Thái Bình chỉ đạo làm rõ thì vụ việc của vợ chồng ông Lẫm mới được quan tâm. Phải nói thêm, trước khi bị bắt, tuyên án, vợ chồng ông Lẫm đang tố cáo Đường Nhuệ chỉ đạo đàn em chiếm giữ, hủy hoại trụ sở công ty, trực tiếp điện thoại đe dọa tính mạng...
Thế nhưng, đang là bị hại đi tố cáo, ngày 12/4/2018, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Thái Bình đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và thực hiện lệnh tạm giam đối với cặp vợ chồng Lẫm - Quyết về tội danh "lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản".
Ngày 16/4/2018, bắt tạm giam vợ chồng ông Lẫm và sau đó vợ chồng ông bị kết tội với tổng hình phạt cho 2 người là 27 năm.
Ông Lẫm chia sẻ: "Nếu Đường Nhuệ không bị bắt thì đời ông không có cơ hội được minh oan".
Ngày 28/4 /2020, ông Phạm Văn Hà - chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội đã ký các quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn sau khi xét thấy bị cáo Nguyễn Văn Lẫm và Phạm Thị Quyết có địa chỉ cư trú rõ ràng, có đơn bảo lãnh của con trai là Nguyễn Văn Hà, con dâu Bùi Thị Ngọc, em trai Nguyễn Văn Nhàn cùng Nguyễn Bá Ngọc, đều có xác nhận của chính quyền địa phương nên thấy không cần thiết áp dụng biện pháp ngăn chặn, cần thay thế bằng biện pháp bảo lãnh.
Liên quan đến sự việc trên, mới đây, Ban Chỉ đạo 1593 tỉnh Thái Bình đã thông tin về việc dư luận cho rằng ông Nguyễn Văn Lẫm là Giám đốc Công ty TNHH Lâm Quyết (địa chỉ tại xã Vũ Chính, thành phố Thái Bình) cùng vợ là bà Phạm Thị Quyết từ những người bị hại (bị Nguyễn Xuân Đường chiếm giữ, đập phá Công ty Lâm Quyết) nhưng sau đó lại trở thành bị cáo.
Theo báo cáo của TAND tỉnh Thái Bình, thông tin này là không chính xác, bởi lẽ kết quả điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm của các ngành chức năng. TAND tỉnh Thái Bình nhận thấy, ông Lẫm và bà Quyết bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trong vụ án khác (về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của ông Đỗ Văn Tới, trú tại số nhà 216 đường Hùng Vương, tổ 13, phường Phú Khánh, thành phố Thái Bình.
Vụ án này hiện đang được Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xem xét giải quyết theo trình tự phúc thẩm do có kháng cáo của ông Lẫm và bà Quyết).
Liên quan tố giác của ông Lẫm, bà Quyết và anh Hà (là con trai của ông Lẫm, bà Quyết) đối với Nguyễn Xuân Đường có hành vi chiếm đoạt, đập phá tài sản của Công ty Lâm Quyết ở xã Vũ Chính, thành phố Thái Bình hiện đang được Ban Chỉ đạo 1593 tỉnh Thái Bình yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo xem xét lại hồ sơ vụ việc để xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.
Dư luận quan tâm vụ án vợ chồng ông Lẫm - bà Quyết được điều tra lại, trong trường hợp bản án bị thay đổi với phán quyết mà Tòa án ND tỉnh Thái Bình ngày 12/6/2029 thì trách nhiệm những HĐXX, thẩm phán phiên tòa trước đó thế nào?
|
Luật sư Hoàng Trọng Giáp |
Trao đổi với PV Kiến Thức về khả năng vụ án vợ chồng ông Lẫm, bà Quyết được thay đổi bản án tháng 6/2019, luật sư Hoàng Trọng Giáp, GĐ Công ty Luật TNHH Hoàng Sa cho biết: Nếu bản án do Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đã tuyên mà sau đó kết luận bản án đó sai, gây thiệt hại cho ông Lẫm và bà Quyết thì cần xem xét trách nhiệm của Hội đồng xét xử, nếu là do lỗi cố ý thì những thành viên HĐXX đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước, thậm chí họ còn có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về Tội ra bản án trái pháp luật theo quy định tại Điều 370 Bộ luật hình sự năm 2015.
Người bị thiệt hại là ông Lẫm, bà Quyết được xem xét bồi thường các thiệt hại như Thiệt hại về tài sản bị xâm phạm; Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút; Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm; thiệt hại về tinh thần; Các thiệt hại khác theo quy định.
Thời hiệu để ông Lẫm và bà Quyết gửi đơn yêu cầu bồi thường là trong thời hạn 3 năm kể từ ngày ông Lẫm, bà Quyết nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường (Bản án).
Tội ra bản án trái pháp luật được quy định tại Điều 370 Bộ luật hình sự 2015 như sau: “1. Thẩm phán, Hội thẩm nào ra bản án mà mình biết rõ là trái pháp luật, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Phạm tội 02 lần trở lên; b) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu; c) Kết án oan người vô tội về tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng; d) Bỏ lọt tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng; người thực hiện tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng; đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của bị cáo, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người bị khởi kiện từ 11% đến 45%; e) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng; g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm: a) Kết án oan người vô tội về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; b) Bỏ lọt tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của bị cáo, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người bị khởi kiện 46% trở lên; d) Dẫn đến bị cáo, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người bị khởi kiện tự sát; đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên. 4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.” Theo đó, Ra bản án trái pháp luật, được hiểu là hành vi của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân kí vào bản án, và ban hành bản án mà biết rõ là áp dụng không đúng với quy định của pháp luật (được áp dụng để giải quyết vụ án đó). |
Tác giả: Xuân Diệp