Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Ngàn tỷ giao tay đại gia nhà đất, lời cảnh báo ham lãi suất cao

Lượng trái phiếu DN phát hành trong quý 1/2020 tăng cao bất thường so với cùng kỳ 2019 dù đây là giai đoạn thấp điểm và các DN đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid.

Tăng mạnh bất thường

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán SSI, quý 1/2020 có 47.500 tỷ đồng trái phiếu DN đã được phát hành, tăng gần 40% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, nhóm các DN bất động sản dẫn đầu với 23.202 tỷ đồng, chiếm 49% khối lượng phát hành toàn thị trường, tăng 9,8% cùng kỳ. Lãi suất trái phiếu bình quân là 10,4%/năm, cao hơn mức bình quân năm 2019. Lãi suất bình quân của nhóm bất động sản là 10,77%.

Thông thường, quý 1 hàng năm là thời điểm phát hành trái phiếu DN thấp do có Tết Nguyên đán và là giai đoạn xây dựng kế hoạch kinh doanh mới. Năm nay, các DN còn chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nhưng lượng phát hành trái phiếu vẫn tăng mạnh, đặc biệt là trái phiếu bất động sản.

 Trái phiếu tăng bất thường 

Câu hỏi đặt ra, giai đoạn hiện nay, khi các ngân hàng thương mại đồng loạt tung ra gói cho vay ưu đãi, lên tới 280.000 tỷ đồng với lãi suất thấp, vì sao các DN không vay vốn mà lại đẩy mạnh phát hành trái phiếu có lãi suất cao trên 10%/năm?

Ý kiến từ giới chuyên môn cho rằng, phát hành trái phiếu tăng bất thường không loại trừ để tái cơ cấu, đảo nợ ngân hàng, đảo nợ cho các đối tác, tập đoàn công ty mẹ hoặc công ty con. Bởi nhiều DN đang đối mặt với khó khăn tài chính.

Mặc dù lãi suất cho vay hiện nay thấp nhưng ngân hàng vẫn đòi hỏi DN phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn như: có tài sản đảm bảo, tình hình tài chính tốt, dự án đầu tư hiệu quả,... nên nhiều DN không đáp ứng được. Hơn nữa, nhiều DN đang có nợ quá hạn tại ngân hàng không thể vay được nữa, hoặc có các khoản nợ đến kỳ tất toán, cần tiền để trả nên phát hành trái phiếu. Ngoài ra, các công ty mẹ hoặc con trong cùng 1 tập đoàn, có thể phát hành trái phiếu DN để giúp nhau lấy tiền thanh toán nợ...

Phát hành trái phiếu DN hiện nay khá dễ dàng, không cần tài sản đảm bảo, không phải đánh giá tín dụng, đánh giá hiệu quả dự án. Đặc biệt, với các DN trong lĩnh vực bất động sản, đây là “lối thoát” tốt nhất hiện nay, bởi từ ngày 1/1/2020, Thông tư số 22/2019 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực đã kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng cho lĩnh vực kinh doanh này. Chỉ có phát hành trái phiếu mới sẽ có tiền để trả nợ đúng hạn.

 

Trong quý 1/2020 nhiều trái phiếu của DN bất động sản phát hành với lãi suất từ 11-13%, có nhà đầu tư lớn là các ngân hàng. Một số ngân hàng thương mại cho biết, tín dụng tăng trưởng thấp, muốn đẩy mạnh cho vay vốn nhưng không đạt được kế hoạch. Trong khi trái phiếu Chính phủ lãi suất thấp, thì đầu tư vào trái phiếu DN vẫn là kênh mang lại hiệu quả. 

Rủi ro cao

Tuy nhiên, đầu tư vào trái phiếu DN, nhất là DN bất động sản, vẫn được giới chuyên môn nhìn nhận là tiềm ẩn rủi ro cao. Trên thực tế, các DN bất động sản đã “thấm mệt” từ năm 2019, với lượng tồn kho lớn và đến nay thêm phần khốn đốn hơn với dịch Covid-19. Các các khoản nợ từ những năm trước càng khó xử lý hơn khi chủ đầu tư không bán được hàng, không có dòng tiền.

Hội môi giới Bất động sản Việt Nam tại Báo cáo tình hình thị trường quý 1/2020 cho biết, có trên 53.200 sản phẩm được chào bán ra thị trường cả nước, trong đó lượng cung mới là 18.695 sản phẩm, còn lại là hàng tồn kho. Tuy nhiên, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 14,3%.

 

Tại TP.HCM, quý 1 có 8.400 căn hộ được chào bán nhưng giao dịch thành công chỉ đạt khoảng 1.400 căn. Tương tự, tại Hà Nội có 8.900 căn hộ được chào bán nhưng giao dịch thành công chỉ khoảng 1.300 căn. Nhu cầu và sức mua giảm mạnh ở tất cả các phân khúc từ đất nền, đến nhà phố, biệt thự, căn hộ,... Thị trường trầm lắng, tỷ lệ hấp thụ ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.

Còn trong Báo cáo vừa gửi tới Quốc hội, Bộ Xây dựng cũng nhận định, thị trường bất động sản năm 2020 gặp nhiều khó khăn và tiếp tục suy giảm so với những năm trước đây.

Đang gặp khó khăn và cần tiền, trong khi không thể vay vốn ngân hàng, chắc chắn các DN sẽ còn đẩy mạnh phát hành trái phiếu. Các ngân hàng cũng lo ngại nợ quá hạn, nợ xấu tăng. Trong lúc tăng trưởng tín dụng thấp, thì mua trái phiếu DN, sẽ giúp “con nợ” có tiền trả nợ vay đến hạn, qua đó “làm đẹp” bảng cân đối tài chính, giữ được uy tín.

Theo chuyên gia Phạm Nam Kim, đầu tư vào trái phiếu DN, nhất là DN bất động sản, khi thị trường chưa phục hồi vững chắc, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, sẽ chịu rủi ro cao.

Tác giả: Trần Thủy

Nguồn tin: Báo Việt Nam Net