Những ám ảnh khi an táng thi thể nạn nhân Covid-19 tại Ấn Độ
- 13:19 29-04-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mỗi khi có người tử vong vì virus Sars-CoV-2, giới chức thành phố Surat thuộc bang Gujarat miền tây Ấn Độ đều gọi điện cho ông Malabari. Tính tới nay tại thành phố Surat đã có 19 ca tử vong và 244 trường hợp nhiễm Covid-19 được ghi nhận. “Vào thời điểm khó khăn như hiện nay, ông Malabari đã giúp đỡ rất nhiều”, BBC trích lời quan chức thành phố Surat Ashish Naik nói.
Ông Abdul Malabari. Ảnh: BBC |
“Công việc của tôi không có thời gian cố định. Mỗi khi nhận được cuộc gọi thì chúng tôi lập tức đi tới đó với bộ đồ nghề an táng. Đây là công việc của tôi, và dù biết có nguy cơ nhiễm bệnh nhưng tôi vẫn làm. Đội an táng chúng tôi hiện sống và sinh hoạt tại cơ quan nhằm tránh trường hợp sẽ lây nhiễm bệnh cho gia đình mình”, ông Malabari nói.
Hiện nay người dân Ấn Độ đang bị nỗi sợ hãi chi phối xung quanh vấn đề virus corona, nhất là sự lo ngại về những thi thể bệnh nhân qua đời vì Covid-19. Dù các chuyên gia y tế đã tuyên bố rằng virus Sars-CoV-2 không thể lây nhiễm sau khi bệnh nhân qua đời, nhưng mầm bệnh Covid-19 vẫn có thể tồn tại trên quần áo của bệnh nhân vài giờ sau đó.
Nhân viên y tế luôn có mặt trong buổi an táng bệnh nhân Covid-19 nhằm đảm bảo thủ tục phòng lây nhiễm được thực hiện. Ảnh: Hindustan Times |
Do vậy khi bệnh nhân tử vong được bọc kín trong túi đựng xác, thì không một người thân nào được phép tiếp cận thi thể để nói lời từ biệt.
Và dĩ nhiên với nhóm an táng của ông Malabari cũng đều phải thực hiện tất cả các biện pháp phòng tránh lây nhiễm khi tiếp xúc thi thể nhiễm Covid-19 như đeo khẩu trang, mặc quần áo bảo hộ hay đeo kính y tế. Ngoài ra họ cũng được huấn luyện về cách xử lí thi thể bệnh nhân ra sao để tránh lây nhiễm mầm bệnh, hay sau mỗi lần an táng thì các phương tiện cũng như thiết bị có tiếp xúc với thi thể cần được khử trùng.
Đương nhiên khi nỗi sợ hãi Covid-19 đang bao trùm trong tâm thức của nhiều người dân Ấn Độ, thì những buổi an táng bệnh nhân Sars-CoV-2 thường dẫn tới các cuộc biểu tình phản đối được tổ chức bởi người dân sống xung quanh khu nghĩa trang với lý do họ lo ngại mầm bệnh Covid-19 từ thi thể người đã khuất sẽ khiến dân chúng sống gần đó nhiễm bệnh.
Việc khử trùng luôn diễn ra sau mỗi buổi an táng. Ảnh: BBC |
Nhưng đối với ông Malabari thì điều khủng khiếp nhất chính là phải thông báo cho gia đình người đã khuất, nhất là khi những người này đang phải cách ly.
“Họ khóc rất nhiều và nói rằng muốn gặp người đã khuất. Chúng tôi phải giải thích với họ rằng việc không được phép tiếp cận thi thể nhiễm Covid-19 là vì sự an toàn của bản thân họ, đồng thời chúng tôi cũng đảm bảo với họ rằng việc an táng cho người đã khuất sẽ theo cách họ mong muốn”, ông Malabari buồn bã nói.
Tác giả: Tuấn Trần
Nguồn tin: Báo Việt Nam Net