Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Động đến tiền hỗ trợ dân trong Covid-19 là nỗi nhục suốt đời của cán bộ

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý, động đến tiền hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 là không ngủ được đâu và nếu có thì đây sẽ là nỗi nhục suốt đời của cán bộ.

Chiều nay, MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành triển khai và giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Không ai chỉ đạo đến 15/5 mới thực hiện chi trả

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung lưu ý các địa phương cần thực hiện đúng việc hỗ trợ theo quy định, không ban hành thêm thủ tục hành chính, giấy tờ khác.

“Bên cạnh quy định đúng, minh bạch thì cần làm nhanh khẩn trương, không để chính sách đưa ra rồi lòng vòng mãi. Tôi xin nói dân khao khát mong chờ lắm rồi, lúc người ta đói, cần phải hỗ trợ ngay. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là mệnh lệnh từ trái tim”, ông nhấn mạnh.

 Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung

Ngoài các đối tượng được hỗ trợ, Bộ trưởng đặc biệt lưu ý đến người lao động tự do gặp khó khăn cần được ưu tiên triển khai càng sớm càng tốt.

"Không có cơ quan TƯ nào chỉ đạo đến 15/5 mới thực hiện chi trả", Bộ trưởng khẳng định. Ông khuyến khích các địa phương sử dụng dịch vụ công trực tuyến, chi trả theo hình thức chuyển khoản.

Bộ trưởng mong muốn khi thực hiện gói hỗ trợ thì không xảy ra vi phạm, không có tình trạng phải khởi tố. "Nhưng nếu có thì sẽ bị xử lý nghiêm về mặt Đảng, hành chính; Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì phải xử lý hình sự".

Ông Dung đề nghị Mặt trận các cấp tham gia ngay từ đầu trong việc rà soát lên danh sách, chứ không chờ lập trong danh sách rồi mới giám sát. Bộ LĐ-TB&XH sẽ lập đường dây nóng và một trang điện tử để cập nhật giải đáp các vướng mắc của địa phương.

“Đừng để ai bị xử lý về Đảng, về chính quyền và chịu các hình thức kỷ luật khác. Động đến tiền hỗ trợ dân gặp khó không ngủ được đâu và nếu có thì đây sẽ là nỗi nhục suốt đời của cán bộ.

Chúng tôi mong có tinh thần tự giác, kiểm tra, giám sát thật kỹ để không xảy ra tình trạng tiêu cực với gói an sinh dành cho người nghèo”, Bộ trưởng lưu ý.

Hà Nội chi 3.520 tỷ đồng hỗ trợ 1,4 triệu người

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, thống kê sơ bộ đến nay TP có hơn 1,4 triệu đối tượng hưởng hỗ trợ theo nghị quyết số 42. Dự kiến kinh phí là 3.520 tỷ đồng.

Ngay sau hội nghị này, TP sẽ rà soát và thực hiện theo đúng quy trình thủ tục theo quyết định 15 của Thủ tướng và hướng dẫn giám sát của MTTQ Việt Nam để triển khai thực hiện.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long, đối tượng cần hỗ trợ của tỉnh khá lớn với gần 700 nghìn người, dự kiến kinh phí hỗ trợ gần 750 tỷ. Nghệ An được TƯ hỗ trợ 50% nhưng nguồn kinh phí còn lại là rất lớn đối với ngân sách của tỉnh.

Vì vậy, UBND tỉnh Nghệ An đề nghị, Chính phủ xem xét hỗ trợ thêm kinh phí để tỉnh có nguồn chi trả kịp thời cho các đối tượng. Đồng thời, Chính phủ cần có chính sách về giải quyết việc làm, đặc biệt là các đối tượng lao động Việt Nam về nước trong thời gian dịch bệnh.

Rõ ràng từ tên tuổi, địa chỉ đến mức hỗ trợ

Chủ tịch MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh để những chính sách hỗ trợ của Chính phủ kịp thời đến đúng đối tượng, không để xảy trường hợp nào có tiêu cực trong thực hiện ở các cấp, các ngành, các địa phương, MTTQ, ngành LĐ-TB&XH, các sở, ngành, chính quyền các cấp trước hết phải "Phối hợp chặt chẽ - Tuyên truyền rộng rãi - Phân công cụ thể - Hướng dẫn rõ ràng - Triển khai bài bản - Kết quả công khai”.

 Chủ tịch MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn

Theo ông Mẫn, vai trò giám sát của nhân dân là rất quan trọng vì ở cơ sở, làm đúng, làm sai, nhân dân biết cả, vấn đề là phải biết phát huy dân chủ để người dân phản ánh.

“Thực tế cho thấy, nguyên nhân dẫn đến sai phạm thường là do cán bộ chưa làm hết trách nhiệm, chưa công tâm, khách quan, chưa nắm chắc hướng dẫn, quy định” - Chủ tịch MTTQ Việt Nam chỉ rõ.

Vì vậy, ông Mẫn yêu cầu, MTTQ các tỉnh, thành phố, phối hợp chặt chẽ với ngành LĐ-TB&XH xác định đối tượng được thụ hưởng chính sách; danh sách tổng hợp phải rõ ràng từ tên tuổi, địa chỉ đến mức hỗ trợ, hình thức hỗ trợ.

“Cần công khai mức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ qua các phương tiện thông tin đại chúng; niêm yết danh sách tại các địa điểm thuận lợi để nhân dân theo dõi, giám sát” - ông Mẫn nói.

Đồng thời phải cung cấp số điện thoại, địa chỉ email, từ TƯ đến cấp tỉnh, huyện, xã, để nhân dân trực tiếp phản ánh. Có thể nhận qua hòm thư tố giác để giữ bí mật cho người phản ánh; trả lời thỏa đáng các kiến nghị của nhân dân.

Tác giả: Thu Hằng 

Nguồn tin: Báo Việt Nam Net