Giảm 50% lương lãnh đạo, sếp chi thêm tiền lo ăn ở cho gia đình nhân viên
- 08:19 25-04-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sản xuất hàng trước nay chưa từng làm
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, doanh nghiệp nhiều ngành nghề, người lao động và nền kinh tế nói chung bị ảnh hưởng tương đối nghiêm trọng. Song, không vì thế các doanh nghiệp chịu “ngồi im” chờ chết.
Theo kết quả khảo sát vừa được Ban Nghiên cứu kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) thực hiện, các doanh nghiệp đã và đang nỗ lực chuyển đổi để vượt qua khó khăn vì dịch bệnh Covid-19.
Cụ thể, 5% số doanh nghiệp tham gia khảo sát trả lời thực hiện đồng thời các giải pháp khác như chuyển hướng kinh doanh, giảm giá thành sản phẩm đi đôi với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, cải tiến quy trình tăng hiệu quả sản xuất. Tỷ lệ doanh nghiệp trả lời không có giải pháp là 10%, con số này trong khảo sát đầu tháng 3 là gần 20%.
Đơn cử, Phúc Sinh Group đã sớm ứng dụng công nghệ số vào quản trị, sản xuất và giao dịch với khách hàng. Nhân viên có thể làm việc từ xa mà không hề gặp trở ngại gì. Điều này góp phần giúp cho tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian qua của công ty đạt đến 120-130%.
Hay Tập đoàn Sendo quyết định không thu phí bán hàng trên trang Sendo đối với nông sản, thực phẩm nhằm đẩy mạnh thương mại điện tử và chung tay với doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn.
Nhiều doanh nghiệp chuyển hướng sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 |
Nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã “biến nguy thành cơ”, chủ động sản xuất khẩu trang vải với đa chủng loại giúp các doanh nghiệp duy trì sản xuất, duy trì công ăn việc làm cho người lao động trong dịch Covid-19.
Để duy trì công ăn việc làm cho người lao động trong bối cảnh nhiều đơn hàng từ Mỹ, EU dồn dập bị giãn, hoãn, hủy, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã sản xuất những mặt hàng “chưa từng sản xuất”.
Các giải pháp mà Vinatex đặt ra cho 22 đơn vị trọng yếu gồm: tận dụng cơ hội tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu khẩu trang, quần áo y tế dùng vải kháng khuẩn, quần áo dùng một lần từ vải không dệt; áp dụng chế độ làm việc linh hoạt, giảm giờ làm xuống còn khoảng 32-40 giờ/tuần, làm việc luân phiên...
Để doanh nghiệp không bị “nhấn chìm” trong đại dịch Covid-19, ông Nguyễn Duy Khiêm, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát tại Hữu Bằng (Thạch Thất, Hà Nội), cho hay đã chuyển g bán hàng online và sản xuất theo các đơn đặt hàng trên viber, zalo. Ngoài ra, công ty còn chuyển sang sản xuất các sản phẩm cung ứng cho thị trường nội địa, như cũi trẻ em, ghế ăn trẻ em,... và một số mặt hàng khác mà Việt Nam trước đó vẫn nhập từ Trung Quốc, ông Khiêm chia sẻ.
Ngoài ra, các ứng dụng đặt xe công nghệ khi không chở khách cũng nhanh nhạy chuyển đổi sang các hình thức mới. Ứng dụng Grab triển khai thử nghiệm GrabMart (đi siêu thị), Be cũng đã tung ra dịch vụ "Be đi chợ", giải quyết nhu cầu cần mua hàng của người dân trong đại dịch.
Sếp tự giảm lương, lo ăn ở cho lao động
Kết quả khảo sát trên cũng cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực bảo vệ an toàn, hỗ trợ công ăn việc làm cho người lao động.
Khoảng 81% số doanh nghiệp trả lời khảo sát có duy trì làm việc tại văn phòng thì 100% chủ động phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế, như bắt buộc đeo khẩu trang, bố trí chỗ ngồi cách nhau 2m, trang bị nước khử khuẩn... Phần lớn DN trong số đó đã phân ca kíp, bố trí nhóm làm việc ngồi ở các vị trí khác nhau để hạn chế tiếp xúc; cho nhân viên làm việc online tại nhà.
Có 6% doanh nghiệp trả lời đã áp dụng cách thức tổ chức nơi lao động, sản xuất thành “vùng cách ly” để đảm bảo an toàn cho mọi người và không đứt gãy hoạt động của doanh nghiệp.
Ví như Ivy Prep Education tối ưu hoá nhân sự bằng phương án kiêm nhiệm vị trí để giữ các nhân sự giỏi và bảo đảm thu nhập cho người lao động, nếu người lao động có thu nhập thấp hơn 10 triệu đồng/tháng thì cố gắng trả đủ.
Trong khi đó, Viện chiến lược Nafoods quyết giữ nguyên lao động, tăng số ngày phép cho nhân viên làm việc online, đồng thời giảm lương lãnh đạo 50%.
Còn Công ty CP Truyền thông Cobaltlại chọn cách hỗ trợ toàn bộ người lao động chuyển vào ở tại ký túc xá công ty mỗi người 150.000 đồng/ngày, kèm theo chi trả toàn bộ các chi phí sinh hoạt cho người lao động với định mức 500.000 đồng/ngày cho một hộ gia đình chuyển vào ký túc xá tập trung.
Ông Hoàng Đức Huy, Giám đốc Công ty du lịch Transviet, chia sẻ, đợt dịch này công ty phải cho một số nhân viên nghỉ việc, một số khác nghỉ không lương và giữ lại 30% lực lượng để đảm bảo hoạt động qua dịch. Đồng thời, bố trí nhân sự để chuyển sang các mảng kinh doanh khác của công ty như sản xuất nông nghiệp sạch.
Đợt khảo sát lần này cho thấy, chỉ có 4% số DN trả lời áp dụng chấm dứt hợp đồng lao động và 10% không có giải pháp; 27% chọn giảm giờ làm, giảm lương nhưng vẫn duy trì số lượng lao động; 26% có trả trợ cấp cho lao động nghỉ việc tạm thời do dịch bệnh hoặc trong thời gian “cách ly xã hội”; 17% vẫn trả lương bình thường.
Dù đã nỗ lực nhưng các doanh nghiệp vẫn mong muốn có thêm sự trợ giúp từ phía Chính phủ, như có chính sách riêng với doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch (giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, miễn lãi suất các khoản chậm nộp thuế... ).
Tác giả: Tâm An
Nguồn tin: Báo Việt Nam Net