Ngoài tình yêu, đây mới là thứ quan trọng hàng đầu để gìn giữ hôn nhân hạnh phúc
- 13:38 24-04-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Một ngôi nhà kiên cố, hạnh phúc; những đứa trẻ khỏe mạnh và mối quan hệ với người bạn đời chỉ có thể được đảm bảo khi gia đình có một tương lai tài chính vững mạnh. Tất nhiên, cuộc trò chuyện này chưa bao giờ là dễ dàng, nhưng nếu không có "luật" giữa hai người, chắc chắn tình hình tài chính trong gia đình sẽ bị ảnh hưởng. Đó cũng là nguồn căng thẳng đáng kể nhất trong các mối quan hệ – vấn đề tiền bạc.
Vì vậy một trong những điều đầu tiên bạn nên làm, tốt nhất là sớm nhất có thể trong cuộc hôn nhân của bạn, đó có thể trao đổi về các mục tiêu tài chính chung, những điều mong muốn đạt được, kế hoạch nghỉ hưu sớm hoặc kế hoạch học tập cho con cái bạn.
Ảnh minh họa |
Ngay sau khi kết hôn, các cặp vợ chồng nên kê khai toàn bộ các tài khoản tín dụng của mình. Điều này bao gồm tiền lương, thẻ ghi nợ, các khoản tiền cho vay hay bất cứ điều gì có thể ảnh hưởng đến tương lai tài chính của cả hai vợ chồng. Từ đó sẽ cùng nhau bàn bạc về các kế hoạch và dự định liên quan đến tài chính trong tương lai để có định hướng rõ ràng hơn.
Thật sự vấn đề về tài sản, tiền nong là khá nhạy cảm trong mối quan hệ vợ chồng. Nhiều cặp gia đình lại thấy ngại và có xu hướng né tránh nhắc tới trong các cuộc nói chuyện. Đa số họ đều chỉ ù ờ hoặc tự mình kiểm soát mà không có sự bàn luận của cả hai bên. Như vậy sẽ dẫn tới tình trạng không đồng thuận hay dễ tạo nên sự mập mờ về tài chính giữa hai vợ chồng.
Chính vì vậy, các cặp vợ chồng nên thống nhất với nhau trong việc mở tài khoản ngân hàng, ai là người trả hóa đơn hàng tháng, các khoản chi tiêu như thế nào. Tất cả phải công khai với nhau. "Họ cần biết bạn đời của mình chi tiền vào những việc gì", Horack Giám đốc tài chính của công ty Pathfinder cho biết.
Việc theo dõi số tiền tiêu hàng ngày cũng quan trọng không kém việc thiết lập ngân sách. Nếu bạn không biết chính xác tiền tiêu mỗi ngày vào những khoản gì, cuối cùng bạn sẽ không kiểm soát được mức chi tiêu và phải "rút lõi" từ các khoản tiết kiệm cố định. Theo dõi được các khoản chi tiêu cũng giúp bạn nắm được tình hình tài chính hiện tại của gia đình và có những điều chỉnh cho hợp lý.
Khi đặt ra những mức chi tiêu cho hàng tháng, bạn cũng nên thay đổi dựa trên tình hình hiện tại. Giá cả các mặt hàng có tăng hay không, nhu cầu cá nhân tốn kém như thế nào, việc bạn sinh con, những phát sinh... Không nên cố định mãi khoản tiền định mức chi tiêu, bạn cần thay đổi để phù hợp hoàn cảnh nhưng vẫn bảo đảm có một khoản nhỏ để tiết kiệm.
Dù tình hình tài chính của vợ chồng bạn có tốt đến đâu thì vẫn cần phải để ra một khoản tiết kiệm nhất định vào mỗi tháng và để riêng, phòng trường hợp cần thiết. Cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài và chưa có dấu hiệu chấm dứt, điều bạn cần làm là chuẩn bị sẵn một lượng tiền mặt nhất định để chi trả khi xảy ra biến cố.
Ngoài việc cho phần lớn số tiền kiếm được vào ngân quỹ chung, mỗi người luôn luôn phải có một ít tiền riêng đủ để có thể chi tiêu hàng ngày phục vụ cho công việc và nhu cầu thiết yếu của cá nhân như tiền xăng xe, điện thoại, ăn sáng, giao lưu bạn bè…
Có như thế bạn mới cảm thấy thoải mái, chứ không phải cần chi tiêu bất cứ việc gì cũng phải ngửa tay xin tiền người quản lý tiền bạc của gia đình (vợ hoặc chồng). Không những thế, những khoản tiền riêng ấy, bạn có thể sử dụng để tiết kiệm mua tặng đối phương một món quà nho nhỏ vào những ngày kỷ niệm hay mua cho gia đình một vật dụng nào đó cần thiết, nó sẽ góp phần hâm nóng tình cảm của vợ chồng bạn.
Hôn nhân không có tiền giống như xây dựng một ngôi nhà trên sa mạc, có thể sụp đổ một cách nhanh chóng. Đối với hôn nhân mà nói, tiền là cơ sở vật chất, và hôn nhân không có nền tảng vật chất thì khó vững chắc.
Cuộc sống không tươi đẹp như lầm tưởng, hôn nhân chỉ có tình yêu là chưa đủ. Chúng ta phải đối mặt với mọi thứ vụn vặt của cuộc sống, và càng cần lên kế hoạch cho tương lai.
Tác giả: Lily
Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội