Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nông trại sinh thái, biệt thự không phép: Đất công thành “đất ông”

Tình trạng xây dựng "nông trại sinh thái", khu du lịch sinh thái, biệt thự không phép trên đất lâm nghiệp đã diễn ra phổ biến, báo động về tình trạng lỏng lẻo trong quản lý đất đai, dẫn đến hành vi trục lợi, thất thoát ngân sách.

 Nông trại HDT tổ chức xây dựng, kinh doanh du lịch khi chưa được phép. Ảnh: Quang Đại

Như Báo Lao Động đã thông tin, thời gian vừa qua, một người dân đã tổ chức đầu tư xây dựng nông trại sinh thái trên đất rừng sản xuất tại xã Thanh Thủy (Thanh Chương, Nghệ An) để kinh doanh dịch vụ du lịch, khi chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa có quy hoạch và các thủ tục cần thiết khác.

Sau khi báo đăng, có một số ý kiến cho rằng việc xây dựng các công trình nói trên tạo ra cảnh quan đẹp để thu hút du khách và chủ đầu tư kinh doanh là hợp lý, cần tạo điều kiện. Mặt khác do thủ tục hành chính rườm rà, kéo dài nên người dân đã tự “vượt rào” xây dựng trước, xin thủ tục sau, hoặc vừa thi công vừa hoàn thiện thủ tục.

Ý kiến nói trên tuy không phải không có cơ sở, nhưng mới dừng lại ở mức độ cảm tính, bề ngoài, chưa nắm được bản chất của vấn đề, đặc biệt là nguyên tắc quản lý nhà nước về đất đai.

Chủ đầu tư dự án nói trên là ông Nguyễn Đình Hợp, quê ở huyện Đô Lương – Nghệ An, chứ không phải là người xã Thanh Thủy. Ông Hợp là doanh nghiệp chứ không phải là nông dân. Xét về đối tượng, ông Hợp không được giao đất rừng sản xuất.

Toàn bộ diện tích đất nói trên, ông Hợp nhận chuyển nhượng từ một người dân địa phương, đã được nhà nước giao hàng chục ha đất rừng sản xuất không thu tiền sử dụng đất. Thế nhưng, người này đã chuyển nhượng lại cho ông Hợp (là người thuộc địa phương khác, không thuộc đối tượng giao đất lâm nghiệp) với số tiền hàng tỉ đồng.

Như vậy, từ đất công nhà nước giao miễn phí cho dân để sản xuất, người dân đã chuyển nhượng cho người khác, thu về hàng tỉ đồng, ngân sách không thu được một đồng tiền thuế nào. Bất cập này do kẽ hở từ chính sách quản lý đất đai.

Đất rừng sản xuất được giao cho người dân, kết hợp hai mục đích phát triển kinh tế và bảo vệ rừng, trong đó bảo vệ rừng là mục tiêu chủ yếu. Thế nhưng, sau khi nhận chuyển nhượng, ông Nguyễn Đình Hợp và một số người khác đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất kinh doanh, dịch vụ, tổ chức xây dựng nhiều công trình trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng.

Đây là loại đất hoàn toàn khác, cần phải có quy hoạch, thu tiền sử dụng đất và ở một số địa bàn phải tổ chức đấu giá quyền thuê đất. Thế nhưng ở đây, chủ đầu tư đã “đơn giản, nhẹ nhàng” tự biến đất rừng sản xuất thành đất kinh doanh, thậm chí thành đất ở, mà không cần bất cứ thủ tục gì, cũng không thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước.

Tại huyện Thanh Chương, vào năm 2017, ông Cao Trọng Hồng (trú thị xã Thái Hòa) cũng tổ chức xây dựng nhà kiểu biệt thự trên đất lâm nghiệp mà không có bất cứ thủ tục gì, địa phương đã yêu cầu tháo dỡ nhưng đã 3 năm trôi qua, vẫn không xử lý được.

 Công trình xây dựng trái phép trên đất rừng tại xã Thanh Mai. Ảnh: PV

“Kịch bản” tương tự khi ông Cao Trọng Hồng cũng không phải là người địa phương, không được cấp đất rừng sản xuất; mà nhận chuyển nhượng từ người dân địa phương được cấp đất (miễn phí) trước đó. Sau khi có đất thì tổ chức xây dựng trái phép.

Nếu quản lý không chặt chẽ, xử lý không nghiêm, sẽ tạo ra tiền lệ xấu: cứ có tiền, tổ chức xây dựng, đầu tư, rồi dần dần sẽ được hợp thức hóa, hoặc chỉ bị xử lý theo kiểu “phạt rồi cho tồn tại”, dẫn đến thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách và nhiều hệ lụy khác.

Những hiện tượng nói trên, không phải là cá biệt, mà xảy ra rất nhiều trên khắp cả nước.

Các sự việc nêu trên, cần làm rõ có sự bao che, “tạo điều kiện” của cán bộ địa phương hay không, xử lý nghiêm trách nhiệm của cán bộ liên quan để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng.

Đồng thời, rà soát, nghiên cứu “bịt kẽ hở” chính sách quản lý đất đai, không để xảy ra tình trạng lợi dụng bất cập của chính sách, pháp luật để trục lợi.

Tác giả: QUANG ĐẠI

Nguồn tin: Báo Lao động