Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nhiệt điện Quỳnh Lập 1: Một thập kỷ nằm yên, Tập đoàn TKV vẫn loay hoay tìm đối tác

Trong những năm qua, Nghệ An có sự phát triển mạnh mẽ trong hút đầu tư. Chỉ số PCI Nghệ An luôn đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và không ngừng được cải thiện qua từng năm. Tuy nhiên, thành công trong những dự án mang tính động lực là không nhiều, mà Dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 là một ví dụ.

Dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thuộc quy hoạch điện lực Quốc gia (Quy hoạch điện VII). Đây là một trong hai công trình thuộc dự án Trung tâm điện lực Quỳnh Lập, có tổng công suất lên đến 2.400MW với 4 tổ máy, được chia làm 2 giai đoạn, được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 1359/QĐ-BCT ngày 20/3/2009.

Dự án có tổng diện tích khoảng 283ha, thuộc quy hoạch KCN Đông Hồi - KKT Đông Nam tỉnh Nghệ An. Chủ đầu tư là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư.

 Phối cảnh Dự án nhiệt điện Quỳnh Lập, thuộc khu kinh tế Đông Hồi, Nghệ An

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, sau khi được Chính phủ đồng ý về nguyên tắc giao làm chủ đầu tư Dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 1, TKV đã triển khai công tác chuẩn bị Dự án từ năm 2010. Tháng 10/2010, TKV đã ký thoả thuận chung với Liên danh các nhà thầu gồm Doosan (Hàn Quốc) - Lilama - Narime (đều của Việt Nam) để thực hiện gói thầu EPC theo hướng Doosan là lãnh đạo liên danh, chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư trong quá trình triển khai, thực hiện Dự án và hỗ trợ chủ đầu tư thu xếp vốn và đã tiến hành thực hiện được một số công việc như báo cáo đánh giá tác động môi trường, phê duyệt mức đầu tư khoảng 48.516 tỷ đồng (2,13 tỷ USD).

Các bên đã đạt được thoả thuận về việc Dossan cam kết thu xếp vốn 100% giá trị EPC cho Dự án, trong đó 85% vốn từ K-ECA và 15% vay thương mại. TKV cũng đã làm việc với các tổ chức tài chính Hàn Quốc, trong đó có K-EXIM và K-SURE đã có thư bày tỏ quan tâm, thu xếp vốn cho Dự án.

Tuy nhiên, theo Doosan và các tổ chức tài chính, với nguồn vốn vay nước ngoài khá lớn, khoảng 1,4 tỷ USD, việc thu xếp vốn vay cho Dự án cần phải có bảo lãnh của Chính phủ (GGU).

Dự án được tính toán mang lại hiệu quả tài chính khi tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) là 12%, với mức giá điện là 1.566 đồng/kWh, thời gian hoàn vốn có chiết khấu là 23 năm. Dẫu vậy, báo cáo của TKV vào tháng 7/2019 cho hay, do không có điều kiện GGU, nên các đối tác Kospo và Samtan đều đến từ Hàn Quốc đã không tiếp tục tham gia hợp tác đầu tư Dự án như đã cam kết.

Ngoài ra, TKV cũng đàm phán hợp tác với các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia phát triển dự án. Cụ thể, vào tháng 5/2017, TKV đã ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Geleximco – Tập đoàn năng lượng mới KAIDI Dương Quang (Trung Quốc), và 2 tháng sau, ngày 17/7/2017, TKV lại ký biên bản ghi nhớ với KOSPO (Hàn Quốc) về hợp tác phát triển dự án nhiệt điện Quỳnh Lập I. Theo các biên bản ghi nhớ này, TKV chủ trương nắm giữ cổ phần dự án Quỳnh Lập I tối thiểu 36%, KAIDI 34%, KOSPO 34%.

Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán, Geleximco và KAIDI khẳng định chỉ hợp tác phát triển dự án với cơ cấu nhà đầu tư bao gồm TKV nắm 36% cổ phần, KAIDI 34% và Geleximco 34%, không hợp tác với bất cứ nhà đầu tư nào khác trong triển khai dự án. Phía KOSPO đề nghị góp 34% vốn và có thể điều chỉnh tỷ lệ vốn góp nhưng lại đòi hỏi có bảo lãnh chính phủ khi thực hiện dự án.

 Sau nhiều năm khởi công, dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 vẫn giẫm chân tại chỗ

Theo TKV, đề xuất hợp tác của liên danh Geleximco - Công ty TNHH Hồng Kông United (HUI) không phù hợp với chủ trương kêu gọi đầu tư dự án Quỳnh Lập I của HĐTV TKV, vì TKV phải nắm giữ cổ phần chính của dự án.

Việc TKV ‘loay hoay’ tìm đối tác khiến dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 sau hơn một thập kỷ được phê duyệt vẫn giẫm chân tại chỗ, và hệ quả để lại là không nhỏ.

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Quốc Trị, Giám đốc Ban quản lý khu kinh tế Đông - Nam cho biết, đến thời điểm hiện tại, dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 vẫn chưa có chuyển biến gì, Ban cũng đã đề xuất với UBND tỉnh Nghệ An giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các ngành liên quan rà soát để tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương và Chính Phủ xem xét tính khả thi của dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 1.

Ông Trị cho biết thêm, có hai phương án được đưa ra là rút khỏi quy hoạch hoặc điều chỉnh công nghệ sang điện khí để bảo vệ môi trường tốt hơn, đồng thời giảm được quỹ đất, bởi Khu CN Đông Hồi có tổng diên tích 450ha trong quy hoạch, trong lúc đó bên nhiệt điện đã chiếm 283ha nên quỹ đất công nghiệp cực kỳ hiếm, ngoài ra các hộ dân nằm trong quy hoạch Trung tâm điện lực Quỳnh Lập cũng cần đất tái dịnh cư nên rất khó khăn trong việc bố trí quỹ đất này.

Tác giả: Quốc Khánh

Nguồn tin: Báo Nhà đầu tư