Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Ký ức chưa từng tiết lộ về Văn Quyến, Quốc Vượng và góc khuất về sự tự trọng của một HLV

Đối với HLV Nguyễn Thành Vinh, 24 năm dẫn dắt SLNA giúp ông có được vinh quang, nhưng đằng sau đó cũng là những câu chuyện khiến ông vẫn đau đáu về các học trò và cả con trai mình.

Lời tòa soạn: Đối với người hâm mộ Việt Nam, đến tận ngày nay, HLV Nguyễn Thành Vinh vẫn là cái tên rất đỗi quen thuộc, khi ông thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông với nhiều góc nhìn, bình luận về những diễn biến của bóng đá nước nhà.

Là người gắn bó cả đời với trái bóng tròn như ông, bóng đá đã thuộc về tình yêu, về số phận. Đã có những thời điểm ông Vinh muốn bỏ bóng đá, nhưng rồi định mệnh lại đưa ông trở về lại với nó.

Lắng nghe những câu chuyện của ông, ta như đang được xem vào một bộ phim dài tập, với những gam màu đen trắng của cuộc sống bom đạn, khó khăn thời bao cấp khi xưa; rồi tiếp đến, là những thước phim màu nhập nhòe thời bóng đá nước nhà chập chững lên chuyên nghiệp đầu những năm 2000; và gần hơn nữa, là những sự biến từng gây rúng động cả nền bóng đá Việt Nam cách đây chưa lâu.

Xin gửi tới độc giả loạt bài viết về chân dung HLV Nguyễn Thành Vinh, người mà khi đọc những câu chuyện về ông, những lát cắt lịch sử bóng đá Việt sẽ dần dần hiện ra trước mắt ta. Chân thật và trần trụi nhất.

 

 

VĂN QUYẾN VÀ CÂU CHUYỆN TRÊN TOA TÀU

Như đã kể ở phần trước, HLV Nguyễn Thành Vinh là người đưa Văn Quyến lên đội một SLNA từ năm khi mới 18 tuổi, đồng thời đề nghị cho cầu thủ trẻ này được hưởng mức lương giống như các anh lớn trong đội.

Thế để thấy, với một tài năng như Văn Quyến, ông Vinh đã sớm có những chăm chút dành riêng cho cậu học trò này.

"Sau khi đá SEA Games 22 về, tôi cho các cháu được thi đấu ở đội một nhiều hơn và chơi rất tốt. Văn Quyến là một trong những tài năng trẻ có năng khiếu đặc biệt. Qua những giải đấu trẻ và lên đội một thì cháu trưởng thành lên rất nhiều.

Ngày đó, tôi có lẽ là người gặp Văn Quyến nhiều nhất. Trên sân thì không nói, nhưng tối đến, tôi thường gọi cháu sang phòng, hai chú cháu nói chuyện xem có vấn đề gì về sinh hoạt thì nhắc nhở".

 

"Tôi vẫn nhớ những câu chuyện thế này. Một lần chúng tôi đi tàu hỏa ra Hà Nội thì có một nhân viên đường sắt nhận ra Văn Quyến, lúc cậu ấy đang ngồi trên phòng ăn của toa. Cô nhân viên đấy rất hâm mộ Văn Quyến, thấy thế thì thích quá, liền chạy lại vỗ vai. Nhưng Quyến lại phản ứng có phần vùng vằng. Điều đó khiến cô kia có phần phật lòng.

Hay một lần khác, khi tập ở sân xong đi về thì có một số bạn nữ hâm mộ ở trường Đại học Vinh chạy theo xin chữ ký Văn Quyến. Cậu ấy thái độ hơi bất cần một chút và không ký cho một bạn.

Biết những chuyện như thế, tôi đã nhắc Quyến có biểu hiện vậy là không nên. Dù người ta lớn tuổi, hay thế nào đi nữa nhưng họ là fan cháu, rất có cảm tình với cháu. Khi gặp một thần tượng bóng đá thì họ rất mừng nên có phần vồn vã, thậm chí quá mức một chút. Nhưng mình cũng phải có thái độ phù hợp hơn chứ không nên như thế. Quyến bảo cháu hiểu rồi và xin lỗi.

Kể thế để nói tôi thường xuyên trao đổi với cầu thủ và hỗ trợ các cháu cả về chuyên môn lẫn đối nhân xử thế. Không chỉ Văn Quyến mà ai cũng thế. Tôi luôn nhắc nhở các cầu thủ rằng mình được hưởng chế độ, đại diện cho tỉnh đi thi đấu thì mình phải làm thế nào để bà con nhân dân thương nhớ, tự hào".

 

Càng nhắc về Văn Quyến trong câu chuyện mình kể, trong ông Vinh đến giờ vẫn không giấu được sự tiếc nuối vì một tài năng không thể trọn vẹn.

"Văn Quyến có năng khiếu trời phú. Nếu như bây giờ thì sự nghiệp cậu ấy sẽ phát triển rất tốt. Với tiền lương cao, giá chuyển nhượng hàng tỷ đồng thì cầu thủ nào cũng sẽ nhận thấy được trách nhiệm của mình với bóng đá.

Nhưng mà Văn Quyến khi ấy ở SLNA thì lương cũng không phải cao, như mặt bằng chung thôi. Còn khi đi đóng quảng cáo được trả đến 200 triệu. Mỗi lần như thế, CLB được hưởng 10%, còn lại là cậu ấy nhận. Văn Quyến trước khi đóng quảng cáo đều xin phép tôi được đi ra ngoài ít ngày. Tôi luôn nhắc nhở là trong 3 ngày đi như thế thì cần tập cái gì, tập ra sao để giữ phong độ, trạng thái sung sức thể thao tốt. Nhưng có lẽ thực tình cậu ấy cũng không lo toan được việc đó. Thậm chí khi về lại đội, tôi cho Văn Quyến tập riêng một giáo án khác nhưng cậu ấy cũng khá chểnh mảng, không tập trung.

Nếu Văn Quyến mà chăm chỉ hơn thì còn tiến xa hơn nữa. Nhưng tất nhiên bóng đá cũng như cuộc sống, không thể nói trước điều gì cả, cũng chẳng thế cứ mãi bảo là: Giá như…"

 

"QUỐC VƯỢNG KHIẾN TÔI ĐẾN GIỜ VẪN THẤY ÂN HẬN"

Lại nói về một tài năng khác của bóng đá xứ Nghệ nhưng không thể đi theo con đường bóng đá một cách trọn vẹn, HLV Nguyễn Thành Vinh kể về câu chuyện khi Quốc Vượng ra cậy nhờ ông để được đá cho Hòa Phát Hà Nội.

"Tôi làm công tác huấn luyện, giúp các cháu thế nào cũng đều vì năng lực chứ không vì gì khác cả. Có một trường hợp tôi không giúp được mà đến tận bây giờ vẫn thấy ân hận. Đó là Quốc Vượng.

Thực tế Quốc Vượng từng là cầu thủ ngày xưa ở SLNA tôi rất cưng chiều. Cậu ấy đá tiền vệ toàn diện, rất hay. Đến bây giờ cũng khó có ai được như thế, công thủ tốt, tranh cướp, chuyền bóng hay. Chính Thái Lan họ cũng rất e ngại Quốc Vượng".

 

"Năm 2011, khi tôi đang dẫn Hòa Phát Hà Nội thì cậu ấy đến gặp tôi. Có điều lúc từ Thanh Hóa ra thì cậu ấy đã bị chấn thương rồi, chân chưa thực sự ổn định để thi đấu được. Quốc Vượng xin tôi được đá ở Hòa Phát Hà Nội và không cần hưởng chế độ gì cả.

Lúc ấy tôi mới bảo: "Giờ chân cháu chưa đỡ, nếu không hưởng lương mà không may ra sân bị chấn thương thì sẽ rất thiệt thòi". Mà tuổi của Quốc Vượng khi đó vẫn còn thi đấu được trong tương lai, nên tôi mới bảo cháu cứ về tập luyện đi, sang năm quay lại tôi sẽ bố trí cho, được hưởng chế độ đàng hoàng. Nhưng tiếc là sau đó tôi cũng không giúp được gì cho Quốc Vượng cả.

Còn phần lớn các cầu thủ khác, nhiều nơi họ không nhận nhưng tôi vẫn xem xét kỹ lưỡng để coi có thể giúp các cháu được không. Riêng có Quốc Vượng thì tôi vẫn ân hận vì không giúp được một cầu thủ có trình độ chuyên môn như thế".

Ông Vinh nói vậy, nhưng thực tế ngoài Quốc Vượng hay Văn Quyến, còn có một câu chuyện khác về chính con trai út khiến ông cũng từng phải rơi vào thế khó xử.

 HLV Nguyễn Thành Công, con trai HLV kỳ cựu Nguyễn Thành Vinh, dẫn dắt Sài Gòn FC từ nửa sau mùa 2018 và giúp đội bóng này trở thành một đối thủ vô cùng khó chịu. Tại V.League 2019, HLV Nguyễn Thành Công đưa Sài Gòn FC cán đích ở vị trí thứ 5. Sau mùa giải, ông để lại nhiều bất ngờ khi quyết định chia tay đội bóng này. (Ảnh: Tt)

CHUYỆN VỀ CẬU ÚT NGUYỄN THÀNH CÔNG VÀ TỰ TRỌNG NGHỀ NGHIỆP CỦA MỘT HLV

Ngày ấy, khi các lớp trẻ được đôn lên đội một SLNA, Nguyễn Thành Công cũng có tên. Theo nhận xét của HLV Nguyễn Thành Vinh, lúc ấy cậu út nhà ông nhỏ người, gầy nhưng được cái nhanh và khéo. Bản thân việc Thành Công được đôn lên cũng là do HLV đội trẻ chấm và giới thiệu, giống như truyền thống của SLNA.

"Công đá được mấy năm, cũng có mặt trong đội hình SLNA vô địch V.League. Tùy trận mà được đá chính hoặc không. Nhưng tôi lại nghe có nhiều ý kiến xì xào bên ngoài, rằng cháu Công thể lực kém thế này thế kia. Bản thân tôi cũng hơi rầy rà khi thấy con mình đá bóng ở trong mà ở ngoài người ta lại bàn ra tán vào, như kiểu được bố làm HLV trưởng nâng đỡ thì mới thế.

Tôi mới bàn với con, một là con ở lại đá cho SLNA còn bố đi nơi khác; hai là nhân tiện đang có lớp đại học của trường thể thao Từ Sơn thì con tham gia vào học, giờ cũng 26, 27 rồi, đi học thì 3 năm sau con có bằng HLV, có thể bắt đầu từ huấn luyện trẻ để đi lên. Thế là cháu chọn đi học, rồi sau trở thành HLV".

 

Theo đà câu chuyện về sự tự trọng của một người theo nghiệp huấn luyện, ông Vinh trải lòng về quá khứ được học trò đem biếu tiền nhưng nhất quyết trả lại.

"Cuộc đời của tôi rất tự trọng. Suốt cả đời không bao giờ ăn chặn một đồng nào, không lấy của ai cái gì. Thậm chí có nhiều cầu thủ được tôi xin đất cho rồi lại bảo hay thôi chú lấy đi, nhưng tôi nói không được. Nói thật tôi có thể lấy được rất nhiều, cả dãy đất ấy chứ nhưng tôi bảo tôi có đất, có nhà cửa rồi, cần gì đâu mà lấy nữa. Không thể để vì nó mà ảnh hưởng đến danh dự của mình được.

Tôi bảo đất là của các cháu, nếu chưa có nhu cầu mà cần tiền cho việc khác thì có thể bán đi. Có người bán xong lại mang tiền đến biếu tôi, bảo đây là "tiền lộc". Tôi mới quát lên bảo không, cầm về đi, làm trò này thì tôi còn mặt mũi nào mà huấn luyện SLNA nữa.

Kể cả sau này vào TP.HCM làm rồi ra Hà Nội, nhiều cháu ở Hòa Phát được nhận tiền lót tay cũng có đến tặng quà tôi, kiểu kèm phong bì vào chai rượu. Nhưng tôi đều trả lại. Tôi không bao giờ muốn tơ hào kiểu đó. Nếu mình làm thế, sao làm huấn luyện được và về sau ai tôn trọng mình nữa.

Khi về nghỉ thế này tôi rất thoải mái, rất thích vì đi đâu cũng được mọi người chào đón, hỏi thăm sức khỏe. Nhiều người ở xa, gặp ông Nguyễn Thành Vinh đều vui lắm, bắt tay ôm nhau hồ hởi. Tôi hạnh phúc vì những tình cảm đó, thấy cuộc sống của mình nó mỹ mãn, không có điều vẩn đục gì cả", HLV Nguyễn Thành Vinh kết lại câu chuyện của mình.

 

"TÔI XÂY CÁI NHÀ MẤT 7 LẦN MỚI XONG"

Có một câu chuyện nữa mà người viết cũng cảm thấy ấn tượng từ lời kể của HLV Nguyễn Thành Vinh, đó là việc mua đất, rồi xây nhà đến 7 lần mới xong của ông. Hóa ra, cái sự truân chuyên của ông Vinh cũng có lắm lẽ lắm, chứ không phải chỉ ở mỗi chuyện bóng đá.

"Tôi làm HLV trưởng SLNA 24 năm, thời gian cống hiến rất dài. Nhưng cũng phải đến khi xin nghỉ thì tôi và anh Nguyễn Hồng Thanh mỗi người mới được lãnh đạo tỉnh duyệt tặng cho 20 triệu đồng mỗi người. Cũng chỉ có khoản đó thôi chứ bao năm dẫn dắt SLNA tôi không tơ hào gì cả. Ngay như việc làm cái nhà cũng phải làm đến 7 lần mới được như mong muốn.

Chuyện thế này. Từ năm 1977 tôi ở nhà tập thể, rồi đến năm 1993 thì cứ như là ông bà tổ tiên giục hay sao ấy, mà tôi quyết định xin mua miếng đất. Chỉ mất có 15 triệu thôi chứ sau đó đất tăng giá ghê lắm. Mà đó cũng là tiền con đi xuất khẩu lao động ở Đức về cho chứ không phải tôi có đâu.

Mua đất xong thì bắt đầu làm nhà. Ban đầu làm nhỏ rồi sau cứ sửa dần, tăng phòng lên cho các con. Vất vả lắm. Từ năm 1993 đến 2004 sửa 7 lần mới xong được căn nhà, vì làm gì có nhiều tiền đâu. Cứ phải đợi đến cuối mùa giải, tích cóp được chút tiền và cả tiền thưởng nữa thì mới làm được. Còn mọi chế độ lương thưởng khác thì tôi cũng giống như các cầu thủ thôi. Cả đời tôi là như thế".

Tác giả: Linh Đan (ghi) - Thiết kế: Tuấn Phong

Nguồn tin: Báo Tổ quốc