30 năm ở Vinh và sự nghiệp lừng lẫy của cha đẻ cao Sao Vàng
- 13:04 16-04-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Lương y Phó Đức Thành |
Phó Đức Thành, tên húy là Duy Khẩn, quê quán tại thôn Đa Ngưu, xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, sinh năm 1880 tại Ninh Bình.
Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, thuộc một dòng họ có truyền thống về đông y, ông luôn tỏ ra là người có chí hướng và đã tìm cách tự lập ngay từ khi còn nhỏ. Sau khi đậu bằng Tiểu học, ông vào Đà Nẵng làm Thư ký Sở Lục Lộ, rồi đổi ra làm việc ở Huế. Năm 1918, ông cùng vợ là bà Nguyễn Thị Hai (tức Đặng Thị Thuận) lập hiệu Vĩnh Thành, chuyên làm đồ thêu và bán hàng tạp hóa nhập khẩu từ Pháp.
Năm 1926, để giúp người anh họ Phó Đức Chu, Phó Đức Thành ra Vinh, thành lập và làm quản lý hiệu thuốc đông y Vĩnh Hưng Tường. Cuộc đời của ông từ đó gắn với TP. Vinh, với tư cách một lương y, một nhà doanh nghiệp, nhà báo và người hoạt động xã hội sôi nổi, nhiệt thành. Sau Cách mạng Tháng Tám, Phó Đức Thành tham gia nhiều hoạt động xã hội. Ông là đại biểu Hội đồng nhân dân TP. Vinh (1945 – 1947). Khi Vinh tiêu thổ để kháng chiến, các cơ sở của Vĩnh Hưng Tường cũng bị phá hoại. Ông cùng gia đình tản cư lên Đô Lương. Tại đây, ông tiếp tục tham gia nhiều hoạt động xã hội. Năm 1954 ông trở thành Ủy viên Thường trực của Ban chấp hành Mặt trận Tổ quốc Liên khu Bốn. Ngày 4/2/1956, ông kiêm chức Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thị xã Vinh – Bến Thủy. Tháng 12/1956 ông được Bộ Y tế điều động về Bộ để hoạt động trong lĩnh vực đông y, xúc tiến thành lập Hội Đông Y Việt Nam. Ông hy sinh năm 1968, trong chuyến công tác tại Cao Bằng, bởi một tai nạn giao thông thảm khốc.
Trong cuộc đời hoạt động sôi nổi của mình, lương y Phó Đức Thành có 30 năm gắn bó với TP. Vinh. Đó cũng là thời kỳ mà sự nghiệp của ông thăng hoa trên mọi lĩnh vực. Có thể nói Phó Đức Thành là một gương mặt đặc sắc của đô thị Vinh thời thuộc Pháp.
Doanh nhân tài ba
Năm 1926 đang làm ăn yên ổn ở Huế, Phó Đức Thành liên tiếp nhận được lời mời giúp đỡ của một người anh họ là Phó Đức Chu. Ông Chu mở cửa hiệu buôn bán thuốc bắc ở Hà Nội, nhưng bị người Hoa chèn ép, không làm ăn được, nên muốn nhờ ông Thành giúp đỡ. Với khát vọng muốn chứng tỏ người Việt cũng có thể cạnh tranh ngang ngửa với người Hoa ngay trên lĩnh vực đông nam dược, hơn nữa cũng vì tình thân, Phó Đức Thành đã nhận lời giúp đỡ và làm quản lý cho hiệu thuốc của Phó Đức Chu.
Trước sau Phó Đức Thành vẫn chấp nhận cạnh tranh và cạnh tranh sòng phẳng với người Hoa. Thế nhưng, với thế và lực của mình khi đó, ông không chọn cách đối đầu trực tiếp với người Hoa ở ngay lãnh địa của họ là phố Phúc Kiến, Hà Nội (sau này đổi tên là phố Lãn Ông), mà ông chọn Vinh – Bến Thủy làm “căn cứ địa”. Ông tính toán: Ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ thế lực người Hoa rất mạnh, ở Trung Kỳ họ non tay hơn. Đặc biệt Vinh – Bến Thủy là một đô thị trẻ, có nhiều thuận lợi về giao thông. Hoạt động đông nam dược của người Hoa ở đây chưa mạnh như các nơi khác ở Nam Kỳ và Bắc Kỳ. Hơn nữa Nghệ Tĩnh là đất của Nho học, tất có nhiều nhà nho, nhiều người biết và dùng đông y. Việc kinh doanh thuốc bắc, thuốc nam chắc sẽ thuận lợi. Sự tính toán chính xác đó đã tạo cho Phó Đức Thành có niềm tin, nên đã mạnh dạn từ bỏ mọi thứ đã có ở Huế, để ra Vinh lập nghiệp. Từ một hiệu thuốc nhỏ ban đầu, Phó Đức Thành đã từng bước tạo lập được vị thế trên thị trường ở Vinh. Khi đã khá vững chắc, ông quyết định đầu tư lớn. Sự kiện Vĩnh Hưng Tường mua lại tòa nhà của Tòa án Dân sự tọa lạc ngay trước cửa Chợ Vinh, để làm trụ sở, có thể coi là một bước ngoặt lớn, thật sự biến Vĩnh Hưng Tường thành thế lực số một về đông nam dược không chỉ ở Vinh – Bến Thủy.
Trụ sở Tòa án Dân sự cũ (176 Rue Sarrau), năm 1928 Vĩnh Hưng Tường mua lại làm trụ sở công ty (Vị trí hiện nay là Ban Quản lý Chợ Vinh) |
Với diện tích 1.200 m2, bốn mươi mét dài đối diện Chợ Vinh, ba mươi mét mặt đường Phố Khách, Vĩnh Hưng Tường không chỉ đủ chỗ kinh doanh, mà còn mở xưởng bào chế, có chỗ để lập “tổ ấm đông y”, tiền thân cho hội đông y sau này. Ngoài ra, Vĩnh Hưng Tường còn cho một số người khác thuê mở cửa hiệu. Để cạnh tranh với người Hoa, phương châm của Phó Đức Thành là “mua tận gốc, bán tận ngọn”. Ông trực tiếp nhập khẩu thuốc bắc từ Hồng Công, đặt một cơ sở ở Hải Phòng để giải quyết các khâu một cách nhanh chóng nhất. Đồng thời, mở đại lý ở nhiều vùng khắp Bắc, Trung, Nam. Năm 1930, Vĩnh Hưng Tường thực sự đã là một hãng đông nam dược lớn bậc nhất ở Trung Kỳ. Ngoài “Tổng cục” đặt ở Hà Nội, Vĩnh Hưng Tường có hai “Phân cục” ở Vinh (176 Rue Sarrau) và Việt Trì. Dưới các “Phân cục” là các “Chi điếm” ở: Hà Tĩnh, Đô Lương, Cầu Giát, Đồng Hới, Huế Tourane (Đà Nẵng), Faifo (Hội An), Hồng Kông, Phúc Yên, Yên Bái, Bắc Ninh, Phú Thọ, Tuyên Quang…
Quảng cáo của Vĩnh Hưng Tường trên báo Thanh Nghệ Tịnh tân văn số ra ngày 1/8/1930 |
Quảng cáo dầu Vạn ứng đặc, tiền thân của Cao Sao vàng, trên báo Thanh Nghệ Tĩnh tân văn số ra ngày 10/8/1934 |
Chất lượng thuốc luôn được đề cao là yếu tố quan trọng nhất làm nên thương hiệu Vĩnh Hưng Tường trong suốt thời gian dài và khắp trong nam, ngoài bắc. Với tư cách là một người bán hàng, Phó Đức Thành cũng hết sức coi trọng chữ tín đối với khách hàng. Ông đã viết nhiều bài báo về kinh doanh. Trong một bài báo nhan đề “Câu chuyện cùng các nhà buôn” trên báo Thanh Nghệ Tịnh số ra ngày 21/9/1934, Phó Đức Thành đã trao đổi về cách lấy lòng và giữ khách hàng. Ông chia khách hàng làm bảy loại, với mỗi loại ông chỉ ra đặc điểm của họ và cách ứng xử thích hợp của người bán hàng. Ông cho rằng khách hàng dù loại nào mà không vui lòng cũng là trách nhiệm của người bán hàng.
Phó Đức Thành cũng là người sớm quan tâm và chú ý đến khâu quảng bá cho hãng và quảng cáo cho các sản phẩm của Vĩnh Hưng Tường. Suốt gần bảy năm trời tồn tại (1930 – 1936), hầu như số nào của báo Thanh Nghệ Tịnh tân văn, sau này là Thanh Nghệ Tĩnh cũng đăng quảng cáo của Vĩnh Hưng Tường. Thậm chí có nhiều số đồng thời đăng ba, bốn mẩu quảng cáo cho ba, bốn sản phẩm khác nhau của Vĩnh Hưng Tường. Mặt khác, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến một yếu tố cực kỳ quan trọng tạo lập nên thương hiệu Vĩnh Hưng Tường đó là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Không chỉ tạo công ăn việc làm cho hơn ba mươi người tại trụ sở chính và hàng trăm người khác ở các chi nhánh, Vĩnh Hưng Tường và cá nhân Phó Đức Thành còn nổi lên như một mạnh thường quân cho các hoạt động xã hội và từ thiện khác ở Vinh – Bến Thủy. Bên cạnh tài trợ, Phó Đức Thành còn là người chủ trì, quản lý, tổ chức các hoạt động ở Hội Tập Phúc, Hội Dục Anh, Nhà Tế bần, các hoạt động truyền bá quốc ngữ ở Văn Miếu Vinh, các hoạt động cứu đói năm 1945…
Phó Đức Thành không phải là ông chủ hay nhà đầu tư, ông chỉ là người quản lý (như ngày nay gọi là “giám đốc điều hành”), nhưng thành tựu huy hoàng của Vĩnh Hưng Tường gắn liền với trí tuệ và bàn tay chèo lái của ông. Thành công của Vĩnh Hưng Tường đã chứng tỏ tầm nhìn xa và những tính toán sắc sảo, nhưng cũng hết sức chắc chắn và nghệ thuật kinh doanh đặc biệt khôn ngoan của ông.
Danh y của thế kỷ 20
“Một trí thức yêu nước, danh y của thế kỷ 20” là danh hiệu mà Chủ tịch Trung ương Hội Đông y Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Xuân Hưởng dành cho Phó Đức Thành. Sinh ra trong một dòng họ có truyền thống đông y, nhưng Phó Đức Thành vốn không được đào tạo về đông y. Hầu như mọi kiến thức, kỹ năng về nghề y đều do ông tự học, tự nghiên cứu, trải nghiệm và rèn luyện. Thậm chí, ông còn tự học để nắm chắc các kĩ thuật đồ họa, để có thể vẽ, mô tả cây thuốc một cách chính xác và khoa học nhất. Ông thành thạo tiếng Pháp và khá uyên thâm về Hán học. Nhờ vậy, ông có kiến thức lý luận vững chắc về y lý phương đông và kể cả những kiến thức cơ bản về tây y. Điều này thể hiện khá sinh động trong các bài báo của ông khi so sánh đông y và tây y, để bảo vệ đông y. Trong bài báo “Người ở đâu dùng cây thuốc ở đấy”, Phó Đức Thành viết: “Nếu ta không nghĩ đến cái thiết dụng của y học, thì môn thực vật học chỉ là món chơi dị kì. Muốn cho môn thực vật học là môn khoa học có ích, ta phải nghiên cứu những loài thảo mộc ở xứ ta”. Ông đã để lại nhiều tác phẩm, công trình nghiên cứu về đông y có giá trị. Tuy nhiên, trước hết Phó Đức Thành là người thầy thuốc đông y, với sứ mệnh chữa bệnh cứu người. Không chỉ nghiên cứu, áp dụng các bài thuốc có sẵn, Phó Đức Thành là một trong những lương y Việt Nam đầu tiên say mê sưu tầm, phát hiện và nghiên cứu về cây thuốc nam.
Hàng chục năm trời, bất kì đi đâu, hễ có cơ hội là ông tranh thủ tìm kiếm, phát hiện cây thuốc. Những năm 1930, ông đã nhiều lần thám hiểm miền tây xứ Nghệ để tìm cây thuốc. Một chuyến sáu ngày đêm thám hiểm vùng Phủ Quỳ, Phủ Bọn, Phủ Tương của Nghệ An, cùng với Công sứ Pháp đương thời đã được ông viết trong thiên du kí rất sinh động, đăng mười hai kì liên tục trên báo Thanh Nghệ Tịnh. Năm 1937, ông đã đưa 2.000 cây thuốc vào Sài Gòn, nhân ngày thành lập Hội Y dược Nam Kỳ; đưa 500 cây thuốc ra Hà Nội trong Đại hội Hội Đông y, để quảng bá và phổ biến cây thuốc Nam. Ông có nhiều cuốn sách về cây thuốc nam có giá trị, như sách về cây quế Việt Nam (Cannelle d’Annam) được Phòng Thương mại (Chambre de Commerce) của Pháp xuất bản; cuốn Việt Nam dược học 5 tập; các sách về cây hoàng thảo, Mã đề, Hà thủ ô, Niệt gió, Trầm kỳ, Bọ Mẩy, Cà quýnh, Xoan đâu, Xương bồ, “10 cây thuốc chữa bệnh sốt rét”…
Không chỉ nghiên cứu, ông còn là người đầu tiên ở nước ta đứng ra vận động xây dựng vườn thuốc nam. Những năm 1930, ông đã xây dựng vườn thuốc nam ở Văn Miếu Vinh. Những năm 1960, ông đã đi khắp nơi vận động xây dựng vườn thuốc nam, trong đó tự ông chỉ đạo xây dựng vườn thuốc nam ở Văn Điển (Hà Nội) và Sapa (Lào Cai). Hiện nay cây sâm đại hành (còn gọi là Tỏi Lào) được trồng và sử dụng rộng rãi. Thành quả này có công lao rất lớn của lương y Phó Đức Thành.
Đặc biệt, ông đã nghiên cứu được nhiều bài thuốc và bào chế được một số thuốc tốt từ thảo dược Việt Nam. Trong đó nổi bật có “dầu cù là” Vĩnh Hưng Tường, mang tên “Vạn Ứng”. Lúc đầu Vạn Ứng chỉ là một loại dầu xoa dạng nước, sau đó được chế thêm loại cao đặc, lại đa dạng hóa sản phẩm theo từng mùa. Sau này, khi đã ra công tác ở Bộ Y tế, Phó Đức Thành đã chuyển giao công thức chế biến dầu Vạn Ứng cho Xí nghiệp Dược Phẩm Trung ương 2. Trên cơ sở này đã phát triển dần lên thành sản phẩm mang nhãn hiệu “Cao Sao Vàng” nức tiếng trong và ngoài nước. Được biết, ông không hề nhận một đồng tiền “bản quyền” nào cho sáng chế này.
Trong kháng chiến chống Pháp, ông cùng các thầy thuốc khác trong “Ban thuốc nam” của Ủy ban hành chính Liên khu IV nghiên cứu ra một số thứ thuốc thông thường phục vụ kháng chiến, trong đó có rượu Ditakina bổ sức khỏe, phòng và trị sốt rét rất hiệu nghiệm.
Không chỉ thành công với tư cách người thầy thuốc, nhà nghiên cứu và bào chế thuốc đông y, điều đặc biệt làm nên uy tín và tên tuổi của Phó Đức Thành trong giới đông y chính là sự dấn thân không biết mệt mỏi, không ngại hiểm nguy cho sự nghiệp bảo tồn và phát triển đông y của nước nhà. Dưới thời thuộc Pháp, tây y đã được đưa vào nước ta. Một hệ thống khám, chữa bệnh gồm các bệnh viện, nhà thương, nhà hộ sinh, phòng khám, nhà thuốc… của nhà nước và tư nhân dần dần được lập ra. Trường đại học y khoa cũng được thành lập. Đội ngũ bác sỹ, y sỹ, dược sĩ, hộ sinh người Pháp và người Việt cũng đông dần lên. Theo đó, chính sách của nhà nước không những không khuyến khích đông y, mà còn tìm mọi cách quản lý chặt chẽ để triệt tiêu dần. Trong lúc đó đội ngũ thầy thuốc đông y không được đào tạo, hầu như chỉ biết làm theo kinh nghiệm.
Trong bối cảnh đó, suốt từ năm 1930 đến năm 1943, Phó Đức Thành đã viết rất nhiều bài báo bằng tiếng Việt và tiếng Pháp đăng ở nhiều tờ báo khác nhau, như Thanh Nghệ Tịnh tân văn; Thanh Nghệ Tịnh; Khoa học thường thức; Annam Nouveau; Paysans; Conchinchinois, Y học tạp chí…Không chỉ viết báo, ông còn tranh thủ mọi cơ hội để quảng bá về đông y, như đưa cây thuốc, thuốc nam tham gia các hội chợ; tranh thủ tình thân với các quan chức người Pháp để tác động cho họ hiểu về nam dược…Đặc biệt, ông sớm nhận thấy vai trò và sức mạnh của tổ chức, nên đã giành hết tâm sức để lập cho được tổ chức của những người hành nghề đông y. Ngay khi mua được trụ sở mới, năm 1928, Phó Đức Thành đã dành một căn phòng riêng để làm nơi sinh hoạt của “Tổ ấm đông y”, quy tụ các lương y nổi tiếng tài đức trong vùng. Suốt từ năm 1928 đến năm 1933 ông kiên trì và ráo riết chuẩn bị các tiền đề cần thiết để tiến tới lập Hội Đông y Trung Kỳ. Từ năm 1934 đến năm 1936 là thời kì chính thức vận động thành lập Hội. Quá trình vân động thành lập hội đã cho thấy Phó Đức Thành và những người cùng chí hướng của mình có quan điểm rất hiện đại và cầu thị. Ông thấy rõ điểm mạnh, điểm yếu của đông y và tây y. Ông chủ trương học hỏi và đoàn kết với tây y, phối hợp đông – tây y trong phòng, khám và chữa bệnh.
Năm 1936 Hội Y học Trung Kỳ chính thức được thành lập. Lương y Phó Đức Thành được tiến cử giữ chức Quản lý vĩnh viễn của Hội. Đây là chức danh phải được nhà nước Bảo hộ phê duyệt.
Đặc biệt, để tranh thủ sự đồng tình, hỗ trợ của chính quyền bảo hộ và chính quyền nam triều, Hội Y học đã mời được các vị Công sứ Nghệ An, Tổng đốc Nghệ An và Công sứ Thanh Hóa làm Hội trưởng danh dự. Hội đã xuất bản tạp chí Đông y, mở lớp dạy đông y, mở phòng khám bệnh…Hội có trụ sở riêng. Thậm chí mấy năm sau đã thuê được trụ sở hai tầng khang trang ở phố Cửa Tả, TP. Vinh. Hội cũng có xe ô tô riêng và ngân quỹ khá dồi dào. Tất cả đều nhờ công lao to lớn và bàn tay thu vén khéo léo của Phó Đức Thành.
Sau khi thành lập Hội Y học Trung Kỳ, Phó Đức Thành còn đôn đáo ra Bắc vận động thành lập hội Y học Bắc Kỳ, vào Nam vận động lập hội Y học Nam Kỳ.
Tới cuối năm 1937, cả ba kỳ đã thành lập được Hội Đông y. Đây là tiền đề hết sức quan trọng để đấu tranh bảo vệ và phát triển đông y của nước nhà. Năm 1939 chính quyền lại dự định ban hành những quy định pháp luật mới về quản lý đông y. Toàn quyền Đông Dương đã tổ chức hai buổi tham vấn ý kiến những người làm nghề y cả tây y lẫn đông y. Phó Đức Thành đã đem hết sức lực, trí tuệ của mình để đấu tranh bảo vệ đông y. Tuy nhiên, ngày 17/7/1943 chính quyền Đờ Cu (Decoux) vẫn ra nghị định về quản lý, thực chất là cấm đoán đông y. Phó Đức Thành lại tiếp tục viết nhiều bài báo nêu quan điểm “Cấm đoán, hạn chế như vậy là vô lý”. Ông còn đi nhiều nơi, gặp nhiều quan chức Pháp có vai vế trong giới tây y để vận động. Cuối cùng những cố gắng không mệt mỏi của ông đã được đền đáp: Chính quyền Đờ Cu đã phải bãi bỏ nghị định nói trên.
Nhà báo tài danh
Không chỉ là lương y và đóng góp to lớn cho sự nghiệp của y giới, Phó Đức Thành còn là một người quản lý và hoạt động báo chí có nhiều thành tựu. Ông tham gia viết cho báo Thanh Nghệ Tĩnh tân văn ngay từ khi báo ra đời, tháng 7/1930. Đến năm 1934, tờ Thanh Nghệ Tĩnh tân văn đình bản. Ông cùng Lê Hữu Nhơn xin chuyển đổi thành tờ Thanh Nghệ Tịnh. Theo đó Lê Hữu Nhơn là tổng biên tập (resdacteur en chef), còn ông giữ vai trò quản lý (administrateur). Năm 1936, Thanh Nghệ Tịnh cũng bị đình bản. Phó Đức Thành cùng Lê Hữu Nhơn ra tiếp tờ “Ý Dân”. Tuy nhiên Ý Dân cũng chỉ ra được 38 số (1936 – 1938) thì bị đóng cửa. Bên cạnh với đó tờ “Y học tạp chí” của Hội Y học Trung Kỳ (1937 – 1941), Phó Đức Thành cũng đóng vai trò là người quản lý (Le Gérant). Ngoài ra, theo cuốn “Phó Đức Thành- Thân thế và Sự nghiệp”, Phó Đức Thành còn cùng với nhà giáo, nhà báo nổi tiếng Nguyễn Đức Bính ra tờ “Sức mạnh” để truyền thông về phòng và chữa bệnh theo đông y.
Phó Đức Thành đã viết rất nhiều bài báo bằng tiếng Việt và tiếng Pháp đăng ở nhiều tờ báo khác nhau, như Thanh Nghệ Tịnh tân văn; Thanh Nghệ Tịnh; Khoa học thường thức; Annam Nouveau; Paysans; Conchinchinois, Y học tạp chí…Không chỉ viết các bài nghiên cứu và truyền thông cho đông nam dược, hoặc viết các bài bút chiến, tranh luận để bảo vệ đông y, phản biện về thuế khóa, ông còn viết nhiều bài báo về kinh doanh, thương mại. Đặc biệt, ông đã để lại một số thiên du ký khá sinh động về các chuyến đi điền dã, khảo sát tìm cây thuốc.
Y học tạp chí (1937 – 1941) |
Ngoài ra, những năm 1930, 1940 Phó Đức Thành còn đóng vai trò là mạnh thường quân cho các nhà báo và văn nghệ sỹ. Ông có quan hệ thân tình với nhiều nhà văn, nhà báo tên tuổi như Ngô Tất Tố, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Nguyễn Tuân, Nguyễn Triệu Luật, Nguyễn Đức Bính, Lê Hữu Nhơn…Mặt khác, tuy không chính thức và trực tiếp tham gia các hoạt động, nhưng Phó Đức Thành cũng ngấm ngầm ủng hộ cách mạng. Theo cuốn “Phó Đức Thành- Thân thế và Sự nghiệp” thì những năm 1930 ở ngay trong hãng Vĩnh Hưng Tường đã có một chi bộ đảng cộng sản hoạt động. Bọn mật thám Pháp cũng đã tìm cách cài người vào Vĩnh Hưng Tường để dò la. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông cùng các con tích cực tham gia kháng chiến. Một người con trai của ông là bác sỹ Phó Đức Thực đã được phân công chăm sóc sức khỏe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Rất tiếc anh đã mất sớm vì bệnh tật.
Rõ ràng, Phó Đức Thành đã có một cuộc đời hoạt động phong phú, sôi nổi, trong đó 30 năm gắn bó với TP. Vinh là quãng thời gian ông đạt được những thành tựu huy hoàng. Với tư cách một doanh nhân, ông không chỉ chèo lái đưa doanh nghiệp mình phát triển nhanh và chắc chắn, mà còn không quên trách nhiệm xã hội to lớn của mình. Với tư cách một trí thức, một lương y, Phó Đức Thành không chỉ chuyên chú trau dồi chuyên môn, ông còn là người dám dấn thân cho sự nghiệp chung của giới đông y. Tên tuổi của ông gắn liền với sự nghiệp bảo tồn và phát triển đông y của nước nhà.
Là một gương mặt xuất sắc và đặc sắc của TP. Vinh nửa đầu thế kỷ 20, tên tuổi của Phó Đức Thành rất cần được ghi nhớ và tôn vinh!
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
(1) Phó Đức Thành – Thân thế và Sự nghiệp, Đa Văn, Nhà xuất bản Lao động, Hà Nội, 2011
(2) Kỷ yếu thành lập Hội Y học Trung kỳ, ngày 1/12/1936
(3) Báo Thanh Nghệ Tịnh tân văn và báo Thanh Nghệ Tịnh (1930 – 1936)
(4) Tài liệu của dòng họ và gia đình
Tác giả: PHẠM XUÂN CẦN
Nguồn tin: Báo Nhà đầu tư