Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Phương án thi THPT quốc gia 2020: Có thể giảm môn thi

Ngày 14/4, Bộ GD&ĐT trình Chính phủ phương án thi THPT quốc gia, ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Hai kịch bản thi được Bộ đưa ra, trong đó có cả xem xét giảm môn thi.

Bộ tính cả việc giảm môn thi

Theo ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, nếu học sinh có thể đi học trước ngày 15/6 thì vẫn có thể tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vào giữa tháng 8/2020.

Vì sau khi kết thúc năm học, ngày 15/7, HS cuối cấp còn gần 1 tháng để ôn tập trước khi thi, như thời gian HS được ôn năm 2019.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT lý giải, nếu dịch bệnh được kiểm soát thì vẫn có thể tổ chức được các kỳ thi, trong đó có thi THPT quốc gia, là điều cần thiết để duy trì động lực học tập của học sinh.

“Nếu thi, phương thức cơ bản như năm 2019 nhưng xem xét giảm số môn thi phù hợp.

Hiện nay, chương trình học kỳ 2 của lớp 12 đã được tinh giản. Nội dung phần tinh giản sẽ không có trong đề thi.

Đề thi tham khảo vừa công bố cũng đã điều chỉnh. Bộ cũng sẽ giảm nhẹ thêm yêu cầu đối với HS”, ông Độ cho hay.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cũng cho biết, nếu vì lý do bất khả kháng, Bộ cũng tính toán một kịch bản cho việc không tổ chức kỳ thi mà giao cho các địa phương xét tốt nghiệp THPT.

Bộ sẽ xin ý kiến Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép việc này để phù hợp với Luật Giáo dục.

 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, nếu vì lý do bất khả kháng, Bộ cũng tính toán không tổ chức kỳ thi mà giao cho các địa phương xét tốt nghiệp THPT.

Nếu bỏ thi: Chưa nghĩ đến học sinh nghèo

Theo một số chuyên gia giáo dục, việc tổ chức kì thi THPT quốc gia hay không, Bộ GD&ĐT cần tính toán kĩ.

Với thời gian 26 năm theo dõi các kỳ thi, trải qua những thay đổi cách thức thi, thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THPT Lômônôxốp cho rằng, nếu bỏ kỳ thi THPT quốc gia, giao cho các trường Đại học tổ chức, là chưa nghĩ đến con em dân nghèo.

“Bản thân tôi vẫn muốn bỏ thi Tốt nghiệp, chỉ tập trung cho kỳ thi vào Đại học. Nhưng điều này sẽ khó khăn vì liên quan đến Luật Giáo dục nên Bộ GD&ĐT không thể tự quyết. Chỉ khi nào Bộ Chính trị có ý kiến, Quốc hội quyết, mới thực hiện được”, thầy Tùng cho hay.

Thứ hai, theo chuyên gia này, nếu bỏ kỳ thi THPT quốc gia, giao về các trường Đại học, tức là quay lại cái cũ ngày xưa. Đó là vòng luẩn quẩn vô hồi.

“Năm 2018, cả hệ thống vào cuộc nhưng tiêu cực thi cử gây rúng động ở nhiều tỉnh thành. Thử hỏi, việc giám sát sự trung thực, công bằng cho tất cả học sinh liệu có như năm 2018 không?

Trong 26 năm theo dõi, tham gia với các kỳ thi, tôi hiểu điều đó rất rõ. Chỉ con nhà nghèo là chả biết gì, bị tước mất cơ hội vào các trường danh tiếng như: Đại học Y, Anh ninh, Cảnh sát… , và một số trường ĐH tốp trên”, thầy Tùng băn khoăn.

Thứ ba, thầy Tùng cho rằng, nếu bỏ thi THPT quốc gia, chi phí cho học sinh thi Đại học sẽ tăng cao bởi các em phải “tay đùm tay bới” về các thành phố lớn dự thi, thay vì thi trong địa phương như hiện nay.

Trong khi đó, với thời gian gấp gáp, các trường chưa thể tổ chức thi trực tuyến ngay năm nay.

 Nếu bỏ kỳ thi THPT quốc gia, giao cho các trường Đại học tổ chức, là chưa nghĩ đến con em dân nghèo.

Cùng với góc nhìn trên đây, thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội đưa ra 8 lý do giữ kỳ thi THPT quốc gia năm 2020, trong đó có lý do nhiều học sinh không muốn bỏ thi.

“Nếu phải bỏ thi THPT quốc gia năm nay, 3 “kịch bản” sau đây sẽ diễn ra: Mỗi trường đại học (hoặc một số trường rủ nhau) cùng triển khai tuyển sinh. Đây là một khâu phức tạp và tốn kém nhân vật lực.

Học sinh, phụ huynh từ các tỉnh đổ xô về các thành phố lớn để dự thi và nở rộ luyện thi theo form của các trường ĐH”, thầy Mạnh Tùng cho hay.

Cũng theo chuyên gia này, việc bỏ thi THPT quốc gia năm nay sẽ bị động, khiến các trường khó xét tuyển, mất ổn định và thiếu công bằng.

Trong đó, một trong những lý do quan trọng, việc bỏ thi THPT quốc gia và xét học bạ dễ nảy sinh tiêu cực bởi cơ chế “xin, cho”, hay tư tưởng “tháo khoán”.

Còn việc các trường đại học tự tổ chức thi, cũng dễ nảy sinh tiêu cực hơn bởi mỗi trường như một “ốc đảo”.

“Hiện tôi đang dạy hàng trăm học sinh lớp 12 và khi được hỏi, 100% các em nơi tôi dạy đều mong muốn: thi tốt THPT quốc gia”, thầy Mạnh Tùng cho hay.

Tính toán của Bộ GD&ĐT cho thấy, học kỳ 2 có 18 tuần, HS đã học được 2 tuần trước Tết; sau khi tinh giản, chương trình có thể hoàn thành trong khoảng 10 tuần đến khi kết thúc năm học, trước 15/7.

Trong hơn hai tuần từ khi có hướng dẫn dạy học trực tuyến và dạy qua truyền hình của Bộ (từ 25/3 đến nay), các cơ sở giáo dục đều dạy - học theo phương thức này. Nếu tính từ 15/4 là mốc thời gian các trường dạy học trực tuyến, trên truyền hình (một số nơi làm sớm hơn), cộng với thời gian dạy học trực tiếp khi HS quay lại trường (muộn nhất là 15/6) thì vẫn đủ thời gian để hoàn thành chương trình năm học.

Tác giả: Mỹ Hà

Nguồn tin: Báo Dân trí