Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Huyện Tân Kỳ - Nghệ An: “Loạn” hoạt động khai thác và kinh doanh cát sỏi tại xã Nghĩa Đồng

Trên địa bàn xã có 8 bến cát thì cả 8 bến đều không có giấy phép thủy nội địa và chỉ đang thỏa thuận thuê đất với dân. Bên cạnh đó còn nhiều hệ lụy từ hoạt động khai thác cát mà người dân đang ngày đêm phải sống chung.

Xã Nghĩa Đồng (huyện Tân Kỳ - Nghệ An) là một trong những vùng có hoạt động khai thác cát, sỏi sôi động và lâu đời. Tuy nhiên, việc khai thác và kinh doanh loại vật liệu này đang còn tồn tại quá nhiều bất cập song chính quyền địa phương lại làm ngơ.

Theo tìm hiểu của PV, trên địa bàn xã hiện có 8 bến cát của các công ty gồm: Công ty Thành Phát, công ty Hải Đường, công ty Tám Tài, công ty Vũ Trường Giang, công ty Hải An, Công ty Đức Hoàng, công ty Việt Hoàng..., hoạt động ngày đêm, phục vụ cát sỏi cho nhiều địa phương trên toàn tỉnh Nghệ An.

  Hoạt động khai thác cát sỏi tại bến cát thuộc Công ty Việt Hoàng.

Theo ông Võ Duy Hiển – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đồng cho biết: “Cả 8 bến cát trên địa bàn của xã Nghĩa Đồng đều chưa được cấp phép bến thủy nội địa và đang tự thỏa thuận thuê đất của dân. Vấn đề khai thác cát sỏi là vấn đề nhức nhối của địa phương".

Khi PV hỏi về vấn đề các bến cát chưa hoàn thiện thủ tục và đang còn nhiều bất cập trong hoạt động tại sao địa phương không có ý kiến để giải quyết, ông Hiển cho biết, địa phương cũng đã có ý kiến nhiều lần rồi nhưng chưa được xử lý.

Ông N, một người dân sống tại địa phương cho biết, hoạt động khai thác và kinh doanh cát sỏi tại Nghĩa Đồng đã hình thành từ lâu và ngày càng phát triển. Người dân cảm thấy thực sự bức xúc vì việc hút cát làm sạt lở đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến diện tích canh tác của nhân dân. Hơn nữa vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là mùa hè, khi gió Lào thổi mạnh thì cát bay vào tận nhà. Các tuyến đường dân sinh đều bị phương tiện vận chuyển cát tàn phá, hư hỏng nặng.

 Bến cát sỏi của Công ty Hải An tại chân cầu Đò Sen.

Có mặt tại bến cát của Công ty Việt Hoàng (xóm 9 xã Nghĩa Đồng), PV nhận thấy hoạt động khai thác và vận chuyển cát sỏi tại đây diễn ra rất nhộn nhịp. Mặc dù bến chưa có thủ tục về thủy nội địa và nhiều quy định khác nhưng hình như chính quyền địa phương đã “ngó lơ” cho bến này hoạt động. Chúng tôi có trao đổi với một người đàn ông quản lý ở đây thì được biết, đây là bến cát của anh Hiếu (địa chính xã Nghĩa Đồng)?.

Theo quan sát của PV, nỗi lo sạt lở đất của người dân nơi đây là hoàn toàn có cơ sở. Bởi lẽ, tình trạng sạt lở ở đây đã xảy ra thường xuyên vào mỗi mùa mưa lũ. Điều này đang làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất của người dân.

 Một xe cát chuẩn bị xuất bến tại bến cát của công ty Việt Hoàng.

Khi PV tiếp tục đến các xóm để tìm hiểu, nhiều người dân tập trung lại phản ánh gay gắt: “Đất sản xuất nông nghiệp đã ít, chỉ trông vào một ít đất ven sông để trồng hoa màu nhưng năm nào cũng mưa lũ với “cát tặc” làm sạt lở gần hết. Người dân phải đóng kè, trồng tre bên bờ sông với hy vọng ngăn được sạt lở, nhưng tre trồng rồi cũng bị cuốn trôi bởi những vòi rồng hút cát”.

Để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân trong những sự việc nêu trên, thiết nghĩ, UBND tỉnh Nghệ An và các cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng vào cuộc, sớm tìm ra biện pháp giải quyết tối ưu. Tránh khiếu kiện kéo dài, vượt cấp... làm phức tạp tình hình địa phương. Đồng thời, cần có những biện pháp mạnh tay để thiết lập lại hoạt động khai thác và kinh doanh cát sỏi trên địa bàn xã Nghĩa Đồng theo đúng quy định của pháp luật.

Bắt quả tang 2 thuyền khai thác cát trái phép trên sông Hương

Tác giả: Nhóm PV

Nguồn tin: Báo Công lý