Đề xuất tiền lương của người lao động bị cách ly sẽ do BHXH chi trả
- 06:40 07-04-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đây là một trong những giải pháp mà nhóm nghiên cứu của Đại học Kinh tế Quốc dân đưa ra khi nghiên cứu, đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế.
Thứ nhất, miễn phí bảo hiểm xã hội cho các chế độ hưu trí, tử tuất quý 1 và 2 năm 2020, cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nghiêm trọng và ngay lập tức như: Hàng không, Du lịch, Khách sạn, Giáo dục (khu vực tư),... Các nhóm doanh nghiệp này suy giảm nặng nề thậm chí đóng cửa do tác động của dịch bệnh, việc phục hồi không thể một sớm một chiều kể cả khi dịch bệnh được đẩy lùi.
Trên thực tế Nhà nước đã có chính sách miễn giảm phí Bảo hiểm xã hội hưu trí, tử tuất rất kịp thời cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà nước đối với các nhóm doanh nghiệp/ngành nghề nêu trên có sự xem xét kịp thời và theo sát thực tế, không để doanh nghiệp gặp khó trong quá trình triển khai chính sách.
Thứ hai, giãn thời gian đóng bảo hiểm xã hội cho những ngành mà sản xuất bị trì trệ, như một số nhà máy dệt may, da giày, sản xuất đồ gỗ,... do lượng công nhân từ các vùng dịch không tiếp tục làm việc.
Thứ ba, miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp cho những doanh nghiệp bị xếp hạng trong nhóm gặp khó khăn do tình hình dịch bệnh kéo dài.
Thứ tư, tiền lương của người lao động bị cách ly sẽ do bảo hiểm xã hội chi trả. Một số lao động của các doanh nghiệp sản xuất bị yêu cầu phải cách ly tại nhà, trong khoảng thời gian này các doanh nghiệp vẫn phải trả lương mặc dù người lao động không đi làm.
Gánh nặng lớn nhất của doanh nghiệp dưới tác động của dịch Covid-19 |
Cùng với đó, Chính phủ cần xem xét giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp cho người lao động nhanh chóng, kịp thời để họ ổn định cuộc sống khi bị mất việc do tác động của dịch bệnh COVID-19, thậm chí hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp đặc biệt mà không cần chấm dứt hợp đồng lao động. Nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục kéo dài, nên cân nhắc kéo dài thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp dịch vụ, khó khăn hiện tại không hoàn toàn do thị trường cũng như các yếu tố quản trị của doanh nghiệp. Ví dụ các trường tư phải ngừng hoạt động 100% do yêu cầu của chính quyền nhằm phòng tránh dịch bệnh. Tất cả giáo viên phải nghỉ không lương do không có nguồn thu. Họ gặp khó khăn khi tìm kiếm công việc khác cùng chuyên môn do tất cả các trường đều phải đóng cửa theo quy định. Khi làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp, các giáo viên cũng cần có các giấy tờ như quyết định chấm dứt hợp đồng lao động. Nếu sau này quay trở lại đóng bảo hiểm ở cơ sở giáo dục tư thục cũ cũng phát sinh bất cập.
Những người lao động có hợp đồng lao động, tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đủ 12 tháng (theo thời gian quy định tại điều 43 Luật Việc làm) (đóng bảo hiểm thất nghiệp được từ 6 tháng đến dưới 12 tháng), do điều kiện bất khả kháng của dịch bệnh COVID-19 phải dừng công việc, cũng sẽ được hưởng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Tương tự, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối thiểu là 03 tháng.
Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất, toàn bộ lao động theo điều 43 Luật Việc làm dù chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tối thiểu 9 tháng, đều được hưởng chế độ hỗ trợ học nghề theo Điều 55 và 56.
Với lao động tại khu vực phi chính thức không thuộc diện bao phủ của bảo hiểm cũng như lưới an sinh xã hội chưa tới họ, cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt. Đây là đối tượng bị ảnh hưởng với quy mô lớn, ngay lập tức và tổn thương nhất trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Các khoản trợ cấp cần đến sớm với người khó khăn thực sự (ảnh minh hoạ) |
Trong mọi trường hợp Việt Nam cần phải đảm an ninh lương thực, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu cho người dân. Mặc dù đây là những ngành ít chịu ảnh hưởng nhất nhưng các doanh nghiệp cung ứng các hàng hóa này cần phải được giám sát chặt chẽ và có biện pháp hỗ trợ cần thiết nếu cần để tránh không xảy ra đứt gãy trong sản xuất và cung ứng. Đây cần được coi là giải pháp cấp bách tại thời điểm này.
Bên cạnh đó, việc gia tăng sản xuất và cung ứng các thiết bị y tế như khẩu trang, máy trợ thở, thuốc men hay giường bệnh cũng cần được ưu tiên trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Việt Nam cũng cần chủ động xây dựng các kịch bản chính sách kinh tế ứng phó khác nhau tùy theo thời gian kéo dài và mức độ nghiêm trọng của bệnh dịch. Các giải pháp chính sách đưa ra cần tính đến độ trễ trong quá trình ban hành và triển khai để đảm bảo tính kịp thời và hiệu quả./.
Tác giả: Vũ Hạnh
Nguồn tin: Báo VOV