Thi THPT Quốc gia 2020: Bộ GD&ĐT sẽ làm gì trong tình hình xấu nhất?
- 16:36 06-04-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
|
Cần nhiều phương án dự trữ
|
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3 ngày 1/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu bộ GD&ĐT nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp đối với thi THPT Quốc gia năm nay; bên cạnh yêu cầu đẩy mạnh hình thức học trực tuyến và sớm công nhận loại hình đào tạo này; đồng thời thông qua phương án giảm thiểu chương trình học năm nay phù hợp với tình hình thực tế.
Trước đó, ngày 17/3, đại diện bộ GD&ĐT khẳng định, kỳ thi THPT Quốc gia năm nay sẽ được tổ chức với phương thức ổn định như năm 2019.
Ngày 31/3, bộ GD&ĐT đã công bố chi tiết nội dung kiến thức tinh giản trong học kỳ II đối với bậc phổ thông. Căn cứ theo đó, nhà trường và học sinh nắm được nội dung kiến thức được giảm tải so với kỳ thi THPT Quốc gia của các năm trước để có định hướng ôn tập hiệu quả hơn.
Chiều ngày 3/4, bộ GD&ĐT đã công bố bộ đề thi minh họa kỳ thi THPT Quốc gia 2020 của tất cả các môn. Đại diện bộ GD&ĐT đề nghị các nhà trường theo dõi, nghiên cứ bám sát đề thi minh họa để đưa ra định hướng ôn tập phù hợp và hiệu quả.
|
Bên cạnh đó, đại diện bộ GD&ĐT cũng cho biết thêm, Bộ tiếp tục chủ động bám sát diễn biến của dịch Covid-19 để có các giải pháp phù hợp trong dạy học và thi theo tình hình thực tế diễn biến của dịch bệnh, và theo chỉ đạo của ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19.
Theo PGS.TS Trần Xuân nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, bộ GD&ĐT cũng cần chuẩn bị sẵn sàng những phương án phù hợp với tình hình thực tiễn.
“Bộ GD&ĐT cần chủ động xây dựng các phương án dự trữ, có thể chưa cần công bố, nhưng đứng trước thời điểm cần thiết, phải có sự thay đổi tương ứng. Mọi việc đều “dĩ bất biến ứng vạn biến”, khi cần thiết, cần có sự linh động, không bảo thủ thì sẽ thành công.
Đôi khi, có thể khiến “trong cái khó ló cái khôn”, biết đâu đây lại là cơ hội tốt để thay đổi tư duy”, nguyên Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tình huống xấu nhất, có thể xét tốt nghiệp
Trao đổi với phóng viên, thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Lịch sử, trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) nhận định: “Căn cứ vào tình hình thực tiễn, diễn biến dịch Covid-19 khó ai có thể lường trước được, vì vậy, tôi tin tưởng, bộ GD&ĐT cũng đã chủ động thực thi những kế hoạch, sẵn sàng những phương án, sẵn sàng những “kịch bản” ứng phó khác nhau”.
|
“Đến thời điểm hiện tại, bộ GD&ĐT đã điều chỉnh lùi thời gian kết thúc năm học, lùi thời điểm thi THPT Quốc gia, đồng thời, nội dung kiến thức học kỳ II cũng đã được tinh giản rất nhiều và đề thi minh họa cũng đã được công bố. Đó là lợi thế rất lớn đối với học trò.
Chúng ta có thể đặt giả thuyết, nếu học sinh tiếp tục phải nghỉ học, có thể kéo dài đến hết tháng 5 hoặc tháng 6, thì sẽ phải làm thế nào?
|
Theo quan điểm của tôi, bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục lùi kỳ thi một cách linh hoạt, căn cứ tình hình thực tiễn. Tuy nhiên, sẽ không có chuyện bỏ bớt môn thi hoặc tiếp tục giảm tải các nội dung kiến thức, bởi, hiện tại, nội dung đã được tinh giản “kịch khung”…”, giáo viên trường THPT Chuyên Phan Bội Châu phân tích.
Tuy nhiên, thầy Hiếu cũng cho rằng: “Trong bối cảnh hiện nay, chưa ai có thể khẳng định được thời điểm kết thúc dịch bệnh. Chính vì vậy, đồng hành với Chính phủ thông qua những chỉ đạo quyết liệt, những chủ trương phù hợp với tình hình thực tiễn, bộ GD&ĐT cũng cần có “kịch bản” cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra, có thể không tổ chức kỳ thi mà sử dụng hình thức xét tốt nghiệp.
Để làm được điều này, chúng ta phải triển khai sâu rộng, đồng loạt việc dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình, đảm bảo chất lượng thực học. Bên cạnh sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường, quan trọng nhất là ý thức tự giác, tinh thần, thái độ của mỗi học sinh”.
Theo đó, thầy Hiếu cho rằng, dù kỳ thi THPT Quốc gia năm nay có diễn ra vào thời điểm nào, chắc chắn chất lượng cũng sẽ bị ảnh hưởng, do thời gian bị gián đoạn quá dài; còn mức độ ảnh hưởng đến chất lượng ra sao thì phải chờ kết quả thi mới có thể khẳng định.
Nỗi lo tại một số địa phương
Trao đổi về lịch thi THPT Quốc gia dự kiến, ông Phạm Việt Đức, Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên cho rằng: “Với tình hình nghỉ học như hiện nay, tôi cho rằng sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch kỳ thi THPT Quốc gia, cũng không cần phải tính phương án “dạy dồn, dạy ép” kiến thức.
|
Riêng đối với tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi đã tổ chức học trực tuyến khá tốt, học sinh lớp 12 cũng đã có kiến thức cơ bản “hòm hòm”, nên lùi kỳ thi THPT Quốc gia đến tháng 8 thì không có vấn đề gì.
“Thời gian Bộ lùi kỳ thi vẫn đang tương đương với thời gian nghỉ học, hơn nữa, Bộ cũng đã hướng dẫn tinh giản nội dung kiến thức, giảm áp lực cho học sinh nên theo tôi, kỳ thi THPT Quốc gia được dự tính tổ chức vào tháng 8 là phù hợp”.
|
“Hiện tại, chỉ lo những tỉnh thành phải nghỉ liên tục, chúng tôi vẫn “nhàn nhã” hơn. Thời điểm này cũng đang diễn ra cách ly toàn xã hội nên các thầy cô đang nghiên cứu các nội dung để chủ động giảng dạy cho học sinh trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên, trong trường hợp nếu học sinh tiếp tục phải nghỉ học đến tháng 6, tháng 7 thì cũng phải cân nhắc, tính toán lại”, Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên cho biết.
Bên cạnh đó, ông Phạm Việt Đức cũng cho rằng, một số địa phương chưa đảm bảo được 100% phương tiện hỗ trợ học online, nên việc phổ biến, truyền đạt kiến thức đồng bộ trên cả nước vẫn thực sự đang là trở ngại mà các địa phương phải khắc phục từng ngày.
Giám đốc sở GD&ĐT tại một địa phương khác lại cho rằng: “Kỳ thi THPT Quốc gia nếu được tổ chức vào tháng 8 thì chưa thực sự phù hợp, bởi nhiều vùng khó khăn có thể sẽ chưa “bắt kịp” với kiến thức giảng dạy ở địa phương khác. Theo tôi, nếu cần thiết, cứ tiếp tục lùi kỳ thi THPT Quốc gia, sau đó, lùi thời điểm bắt đầu năm học mới, không nhất thiết phải vào thời điểm cố định nào. Quan trọng là sức khỏe và quyền lợi của học sinh”.
Tác giả: THỦY TIÊN - THẢO LINH
Nguồn tin: Báo Người đưa tin