Nghỉ dài phòng Covid-19, phụ huynh lo con học lớp 1 có nguy cơ tái mù chữ
- 14:58 05-04-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mới kết thúc học kỳ I, học sinh lớp 1 chưa đọc thông, viết thạo phải nghỉ học vì dịch bệnh kéo dài, phụ huynh, giáo viên lo lắng các em có nguy cơ tái mù chữ.
Học sinh lớp 1 học trực tuyến khó đạt hiệu quả |
Chị Nguyễn Thùy Dung có con học lớp 1 ở Hà Nội. Chị kể, từ đầu tháng, hàng tuần cô giáo có giao bài tập Toán, Tiếng Việt, luyện chữ cho con làm. Do không học kiến thức mới nên các bài tập Toán cộng trừ đến 2 chữ số đơn giản, con làm ít sai nhưng với môn Tiếng Việt khiến chị lo lắng. Con gặp khó khăn khi phân biệt các âm “gi; d” hay “tr; ch”, “ngh; ng”…
Mới đây nhất, khi học trực tuyến với giáo viên chủ nhiệm, cô đọc cho cả lớp tập chép từ “quả cà chua”, con chị Dung không biết viết như thế nào. Tá hỏa, chị đọc cho con viết mới biết con sai rất nhiều lỗi chính tả.
Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy lớp 1, Trường Tiểu học Tây Hồ, quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, từ khi học sinh nghỉ học đến nay, giáo viên chủ yếu giao bài tập qua mạng. Tuần tới trường mới bắt đầu dạy trực tuyến từ lớp 1.
Trước khi dạy chính, cô đã có buổi dạy thử 30 phút nhưng học sinh nhỏ tuổi, chưa có ý thức. Vì thế, tuần tới cô yêu cầu phụ huynh ngồi học cùng, bạn nào vi phạm nội quy giáo viên sẽ cho rời khỏi phòng học trực tuyến, việc học mới hiệu quả.
“Trước thời điểm nghỉ, học sinh mới học xong học kỳ I. Theo chương trình, các em chưa học xong phần vần. Khi nghỉ kéo dài, không chỉ học sinh tiếp thu chậm mà kể cả những em bình thường nhưng gia đình không quan tâm, không có điều kiện học trực tuyến sẽ quay lại a, b, c như ban đầu”, cô Huyền nói.
“Nếu học sinh quay lại trường học từ tháng 6 thầy cô sẽ vất vả để dạy lại. Các em sẽ học liền mạch, không nghỉ đến tháng 9 khai giảng năm học mới may ra mới đáp ứng được mục tiêu đọc thông, viết thạo”, cô Huyền nói thêm.
Một số giáo viên lớp 1 tại Hà Nội cũng cho rằng, phương thức học trực tuyến áp dụng có hiệu quả đối với học sinh lớp trên hơn là tiểu học. Lớp 1 các em chưa có ý thức, nhìn thấy nhau là “gào lên gọi tên các bạn”, còn cô khản cổ chỉ để nhắc các con tắt tiếng. Vì thế, mỗi giờ học kéo dài 30-40 phút gần như không mang lại kết quả nào ngoài việc cô trò được nói chuyện với nhau.
Tác giả: Hà Linh
Nguồn tin: Báo Tiền phong