Xót xa cảnh người đàn ông “gà trống nuôi con” bị xuất huyết não nằm bất động, bỏ 2 con thơ nheo nhóc
- 16:25 30-03-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cảnh "gà trống nuôi con", cuộc sống của 3 cha con anh Nguyễn Tất Bàng (SN 1982, ở xóm 6 mới (13 cũ), xã Tân Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) hết sức khó khăn, cơ cực. Anh Bàng phải đi làm thuê, vác mướn, ai thuê gì làm nấy chỉ mong các con có được ngày ba bữa no.
Không có bàn tay của vợ, mọi việc tự tay anh phải cáng đáng, từ giặt giũ, nấu ăn… Mấy năm nay, hai đứa con nhỏ của Bàng đã quen chỉ có hơi ấm của cha. Khó khăn đã chồng chất, tai họa lại ập xuống. Điểm tựa duy nhất của hai đứa nhỏ bỗng nhiên đổ gục. Vào ngày 22/2 vừa qua, khi anh Bàng đang đi làm thì đột ngột xuất hiện cơn đau đầu. Vào viện không lâu, anh rơi vào hôn mê vì bị xuất huyết não. Hiện tại, anh Bàng đang nằm điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức Nội – Hồi sức Thần kinh (Bệnh viện Việt Đức).
Anh Bàng đang điều trị tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh PT |
Sức khỏe của anh Bàng đã có dấu hiệu tích cực. Ảnh PT |
Trao đổi với PV Báo Gia đình và Xã hội, Ths.BS Phạm Đức Hiếu – Khoa Nội, Hồi sức thần kinh (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, anh Bàng được chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng lơ mơ, phải dùng thuốc an thần, trên CT sọ có hình ảnh xuất huyết não thất cả hai bên. Ngay khi vào viện, các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu, phẫu thuật dẫn lưu não thất ra ngoài để giảm áp lực hộp sọ.
"Bệnh nhân phải hồi sức thở máy, đáng ngại hơn là gặp thêm nhiễm trùng bệnh viện, vi khuẩn tụ cầu vàng phải dùng kháng sinh đặc hiệu và đắt tiền. Điều này dẫn tới việc điều trị rất tốn kém. Khi về khoa, bệnh nhân tiếp tục được hồi sức tích cực, mở khí quản. Hiện tại về mặt tri giác có tiến bộ, có ý thức được nhưng chân tay chưa cử động được.
Đây là một ca tai biến mạch máu não đã được cấp cứu, hồi sức kịp thời, tuy vậy tiên lượng vẫn dè dặt. Thời gian hồi phục của bệnh nhân còn dài phía sau cả về hồi sức, chăm sóc, phục hồi chức năng. Bệnh nhân này có tiến triển tốt, chúng tôi rất mong mọi người hỗ trợ để bệnh nhân điều trị đầy đủ. Khi người bệnh có cơ hội hồi phục, sự hỗ trợ đó sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều" – BS Hiếu cho hay.
Theo BS Hiếu, anh Bàng phải dùng thêm nhiều kháng sinh đặc hiệu với chi phí rất tốn kém vì gặp thêm tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện. Ảnh PT |
Nằm viện không có vợ chăm sóc, những ngày này chỉ có người anh trai và người chú thay nhau ra chăm sóc anh Bàng. Người 3 ngày, người 5 ngày đổi nhau hỗ trợ bố con anh.
Theo chia sẻ của chú anh Bàng là ông Nguyễn Tất Bảo, vợ anh Bàng bỏ đi từ 4 năm trước. Khi đó con trai lớn của anh Bàng mới được 4 tuổi. Cậu bé từ nhỏ đã bị bệnh bại não, co rút gân chân. Cháu đã phải phẫu thuật 3 lần nhưng đến nay việc đi lại vẫn rất khó khăn, không đi được vững, chỉ trực đổ về phía trước. Con gái thứ 2 được 7 tuổi đã rất thành thục trong việc chăm sóc anh trai.
"Hai đứa con của Bàng rất ngoan. Thường ngày khi anh Bàng đi làm, em gái vẫn hỗ trợ anh trong việc chăm sóc, vệ sinh cho anh. Chỉ thương hai đứa nhỏ vốn đã thiếu thốn tình cảm của mẹ, giờ bố nằm viện thế này, hai đứa càng nheo nhóc. Chi phí điều trị cũng chẳng biết lấy đâu ra" – người nhà anh Bàng chia sẻ.
Con gái anh Bàng thường xuyên giúp đỡ anh trai trong sinh hoạt cá nhân. Ảnh: GĐCC |
Mặc dù anh Bàng có bảo hiểm y tế chi trả một phần nhưng do bệnh đặc thù, phải sử dụng các loại thuốc không nằm trong danh mục bảo hiểm nên gia đình phải tự mua ngoài. Số tiền điều trị trong Phòng Hồi sức tích cực, thở máy, thuốc kháng sinh đặc hiệu ngót nghét tiền triệu mỗi ngày, đối với hoàn cảnh như anh Bàng là điều vô cùng khó khăn.
Đưa anh Bàng đi cấp cứu, anh em, chú bác thương xót hoàn cảnh gom góp được một ít. Phía trước vẫn còn là phác đồ điều trị lâu dài, người thân chỉ có thể hỗ trợ việc chăm sóc anh, còn kinh phí thì chưa biết xoay sở thế nào vì ở quê ai cũng nghèo khó.
Rất mong bạn đọc gần xa mở rộng vòng tay nhân ái giúp đỡ anh Bàng để anh có điều kiện điều trị, sớm khỏe mạnh trở về chăm sóc 2 con nhỏ.
Mọi sự giúp đỡ anh Nguyễn Tất Bàng - Mã số 543 xin gửi về: Anh Nguyễn Tất Bàng ở xóm 6 mới (13 cũ), xã Tân Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An |
Tác giả: Phương Thuận
Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội