Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Đồng lòng gỡ vướng, đường Nghi Kiều sẽ về đích sớm 4 tháng

Dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nếu được người dân đồng lòng ủng hộ dự án đường nối từ QL7C vào xã Nghi Kiều có thể về đích sớm 4 tháng.

 Quá trình thi công dự án được chính người dân địa phương theo dõi, giám sát.

Tuyến đường nối từ QL7C vào xã Nghi Kiều (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) bị hư hỏng nghiêm trọng, chi chít ổ voi, ổ gà. Nhờ sự quan tâm của các cấp ngành, hiện tỉnh Nghệ An đã bố trí vốn để đầu tư thi công nâng cấp mở rộng đường. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn gặp khó do bị một số người dân chưa thực sự đồng lòng.

Dân hào hứng chờ mong một con đường

Ông Hoàng Đình Phương, Chủ tịch UBND xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) chia sẻ, tuyến đường giao thông huyết mạch nối từ QL7C vào xã Nghi Kiều xuống cấp đã lâu, mặt đường chi chít ổ trâu, ổ gà. Trời nắng thì bụi bẩn, mưa thì lầy lội, khiến việc thông thương, đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, khi có dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường nối từ QL7C vào trung tâm xã Nghi Kiều (huyện Nghi Lộc) người dân rất vui mừng phấn khởi.

 Tuyến đường được nâng cấp, cải tạo giúp cho người dân đi lại thuận tiện, an toàn

“Khi nghe tin có dự án nâng cấp mở rộng đường, người dân rất ủng hộ. Có nhiều gia đình đã tự nguyện phá dỡ ki ốt, mái tôn trên đất hành lang để mở rộng đường”, ông Phương nói.

Dự án đường nối từ QL7C vào xã Nghi Kiều dài 4,3km do Sở GTVT Nghệ An làm chủ đầu tư, với tổng mức 14,5 tỷ đồng. Đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp V, nền đường rộng 6,5m, mặt đường rộng 5,5 m, kết cấu mặt đường láng nhựa. Dự án do liên doanh Công ty An Việt, Công ty Thắng Mạnh và công ty Minh Việt Khoa thi công. Dự án được khởi công cuối năm 2019 và thời gian hoàn thành tháng 8/2020.

Anh Nguyễn Bá Đức (trú xóm 10, xã Nghi Kiều) hào hứng cho biết: Đường vào trung tâm xã xuống cấp, hư hỏng đã lâu, nay được Đảng và Nhà nước quan tâm làm cho một con đường mới rộng rãi, khang trang hơn, người dân chúng tôi rất phấn khởi. Vì thế, khi có chủ trương nhường đất làm đường, gia đình tôi rất ủng hộ và tự nguyện đập phá tường bao, ki ốt. Không riêng tôi mà nhiều gia đình khác như anh Võ Văn Vị, Nguyễn Bá Hiền cũng phá dỡ dàn tôn, ki ốt, xây tường bao vào phía trong mà không đòi hỏi đền bù.

Theo ông Phương, chính vì hiểu được tầm quan trọng của tuyến đường này nên người dân nơi đây rất quan tâm đến chất lượng công trình. Vì vậy, trước khi khởi công dự án, chính quyền địa phương đã có buổi làm việc trực tiếp với chủ đầu tư và đơn vị thi công, chủ động giải quyết các vướng mắc trong GPMB. Đồng thời, phía xã cũng thành lập một tổ “giám sát cộng đồng” do Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc làm tổ trưởng. Hàng ngày, tổ giám sát này sẽ cùng với đơn vị thi công, chủ đầu tư kiểm tra trực tiếp tại công trường và xử lý kiến nghị của người dân về các vấn đề phát sinh.

3 bên cùng gỡ vướng

Bên cạnh những thuận lợi kể trên, quá trình triển khai dự án cũng phát sinh những vấn đề khiến chủ đầu tư phải đau đầu. Đơn cử như: người dân yêu cầu nắn thẳng theo lối mới thay vì làm theo thiết kế; làm thêm đường vuốt nối; đường vừa thảm đang lu thì một số hộ bắt dừng để cho xe bê tông, xe chở đá đi qua... Kỹ sư Vũ Minh Thịnh - Tư vấn trưởng dự án, cho biết: Một số hộ dân không nắm rõ quy trình kỹ thuật, thiết kế của Dự án cho rằng nhà thầu làm ẩu, gian dối, rồi cản trở không cho thi công. Ban và TVGS đã phải tốn khá nhiều thời gian tuyên truyền, giải thích thì người dân mới cho làm tiếp.

 Tình trạng người dân đưa xe chở vật liệu, bê tông đi vào vị trí đường vừa láng nhựa làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng công trình.

Ông Phùng Nhật Thuận, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã Nghi Kiều, thừa nhận và cho biết: “Do đường vừa thi công, vừa khai thác nên trong quá trình làm không thể tránh khỏi những vướng mắc, hiểu lầm”.

Đơn cử như khi xe địa phương chở đất, cát, vật liệu xây dựng rơi vãi, rồi xe đi lại nhiều gây bụi, ảnh hưởng đến việc buôn bán, sinh hoạt của người dân. Một số người đã dùng vòi tăng áp xịt tưới nước lên mặt đường để giảm cát, bụi. Tuy nhiên, do chưa hiểu biết thấu đáo nên họ xịt cả vào đoạn đường vừa láng nhựa khiến cho đường bị bong tróc, ảnh hưởng đến chất lượng, thẩm mĩ công trình. Sau khi chủ đầu tư và đơn vị thi công có ý kiến, tổ giám sát cộng đồng đã trực tiếp giải thích với người dân và được mọi người đồng lòng ủng hộ.

“Nhiều người dân nông thôn thường có thói quen để rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định, đôi lúc tiện đâu bỏ đó. Vì thế, nhiều người đã vô tình vứt rác, lá cây xuống mương thoát nước khi đơn vị đang thi công. Một số người thiếu hiểu biết đã vội vã đưa lên mạng xã hội, đổ lỗi cho nhà thầu thi công ẩu gây hiểu lầm. Sau khi được đơn vị thi công, tổ giám sát cộng đồng giải thích thấu đáo họ vui vẻ dọn lá cây, rác thải sinh hoạt để đúng nơi quy định”, ông Thuận nói.

Hay như tuyến mương khoảng 400m trước cổng giáo xứ Xuân Kiều vừa được nhà thờ làm đang sử dụng rất tốt. Khi đi khảo sát, chủ đầu tư không đưa vào danh mục nâng cấp, sữa chữa. Tuy nhiên, trong quá trình thi công lu lèn nền đường khiến nhiều đoạn mương bị rạn nứt, sụt lún. Sau đó, Hội đồng mục vụ giáo xứ Xuân Kiều đã kiến nghị lên tổ giám sát cộng đồng xã. Sau khi tiếp nhận ý kiến, tổ giám sát cộng đồng đã trao đổi trực tiếp với chủ đầu tư yêu cầu làm thêm đoạn mương trước cổng nhà thờ. Tuy không được bổ sung vào dự án, nhưng nhà thầu đã đồng ý tự bỏ kinh phí giúp dân làm lại.

“Để hóa giải những vướng mắc, thời gian qua chủ đầu tư, đơn vị thi công và tổ giám sát cộng đồng đã hết sức phối hợp nhịp nhàng. Nhờ đó, các hạng mục công trình luôn đảm bảo chất lượng, thi công vượt tiến độ và được nhân dân đồng thuận”, ông Thuận nhấn mạnh.

Kỹ sư Hà Trung Dũng, cán bộ phụ trách dự án cho biết: Hiện tại dự án đã láng nhựa được 3,2km/4,3km, đạt 74%; hệ thống mương thoát nước dọc thi công hoàn thành được 1.960m/3.200m, đạt 61% khối lượng công việc. Hiện tại chúng tôi đang yêu cầu đơn vị thi công gấp rút đẩy nhanh tiến độ, láng nhựa một số đoạn còn lại.

“Do đây là trục đường chính qua trung tâm xã Nghi Kiều nối với các xã của huyện Nghi Lộc, nên lãnh đạo Sở chỉ đạo phải hoàn thành sớm, đảm bảo chất lượng cao nhất để người dân bớt khổ. Mục tiêu Ban đặt ra là hoàn thành dự án trước ngày 30/4 - 1/5/2020. Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi mong rằng tiếp tục nhận được sự đồng lòng ủng hộ của người dân địa phương”, ông Nguyễn Hoàng Lân - Phó Giám đốc Ban QLDA CTGT, thuộc Sở GTVT Nghệ An cho biết.

Tác giả: Văn Thanh - Thủy Tiên

Nguồn tin: Báo Giao thông