CLB Quảng Nam: 'Mạng người quan trọng hơn V-League'
- 10:56 26-03-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
"Chúng tôi đã nhận được đề xuất của VPF, về phương án tập trung cách ly đá V-League. Theo tôi điều đó là bất khả thi", ông Nguyễn Húp nói với VnExpress sáng 26/3.
Tối qua, Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam VPF gửi các CLB phương án tập trung cách ly đá V-League. Căn cứ vào số đội bóng phân bố theo vùng miền, VPF đề xuất chọn bảy sân làm nơi tổ chức, gồm: Thanh Hóa (Thanh Hoá), Thiên Trường (Nam Định), Lạch Tray (Hải Phòng), Cẩm Phả (Quảng Ninh), Hàng Đẫy (Hà Nội), PVF (Hải Dương), Mỹ Đình (Hà Nội), cùng sân Việt Trì (Phú Thọ) dự phòng. Các đội sẽ tiếp tục thi đấu vòng tròn, trên sân nhà và sân đối phương, theo kết quả bốc thăm từ đầu giải.
V-League 2020 đã ba lần bị hoãn vì Covid-19. Ảnh: Lâm Thoả. |
Trong tổng số 14 đội dự giải năm nay, bảy đội ở miền Bắc, bốn đội ở miền Trung và ba đội ở miền Nam.
Các đội sẽ được chia làm ba nhóm để bắt cặp chọn sân. Nhóm một là các CLB được thi đấu trên sân nhà, gồm Thanh Hoá, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội và Viettel (chung sân Hàng Đẫy). Nhóm hai là các đội sử dụng sân của một số CLB ở nhóm một làm sân nhà, gồm SLNA (sân Thanh Hoá), HAGL (Thiên Trường), Quảng Nam (Lạch Tray), Đà Nẵng (Cẩm Phả). Nhóm còn lại là bốn đội sử dụng các sân trung lập làm sân nhà, gồm Hà Tĩnh, Bình Dương (chung sân PVF), TP HCM và Sài Gòn (chung sân Mỹ Đình).
Ông Nguyễn Húp phân tích: "Thứ nhất, Hà Nội bây giờ là vùng dịch. Tập trung ra đó thi đấu quá nguy hiểm. Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung mới đây đã yêu cầu đóng cửa tất cả những nơi đông người, như quán cafe, sân vận động, siêu thị điện máy... Thứ hai, các đội bóng của các tỉnh muốn đi xa thi đấu, phải được sự đồng ý của ban chống dịch của tỉnh, thành phố. Nếu tỉnh không cho đi, dù VPF có yêu cầu, chúng tôi cũng chịu. Thứ ba, bất công ảnh hưởng kinh tế. Theo đề xuất của VPF, một số đội được đá sân nhà, một số đội thì không. Như Quảng Nam, chúng tôi có một nhà tài trợ lớn, với kinh phí khoảng 20 tỷ một năm. Nếu không đá trên sân Tam Kỳ, họ cho là không đúng hợp đồng, cắt tài trợ và bị phạt ngược lại. Ai trả khoản đó?".
Ông Nguyễn Húp cho rằng đá trong lúc cao điểm dịch Covid-19 là quá nguy hiểm tới sức khoẻ và tính mạng con người. Ảnh: Thể thao & Văn hóa. |
Trước đó, ông Húp đã đề xuất bỏ V-League 2020, chờ sang năm 2021 hết dịch để tiếp tục thi đấu. Ý kiến của Chủ tịch CLB Quảng Nam chịu nhiều chỉ trích, rằng ông không nghĩ cho các đội khác. Tuy nhiên, ông Húp vẫn bảo vệ quan điểm.
"Tôi làm bóng đá, đương nhiên cũng muốn giải đấu diễn ra. Nhưng giữa dịch như thế này, an toàn sức khoẻ, tính mạng con người là trên hết", ông nói thêm. "Ai dám đảm bảo khi di chuyển và thi đấu không có cầu thủ nào bị lây nhiễm nCoV. Cả nước đang chống dịch, bóng đá cũng phải chung tay. Đến Euro, Copa America và Olympic còn hoãn tới năm sau, thì V-League đã là gì. Tôi biết mình bị chỉ trích nhưng tôi không ngại. Lúc này, điều quan trọng là dám đưa ra ý kiến, và ý kiến đó vì sức khoẻ của mọi người".
Ông Húp phân tích nếu V-League cứ nằm trong tình trạng hoãn như hiện tại, các đội sẽ thiệt hại lớn, thậm chí mỗi tháng mất khoảng 20 tỷ đồng một đội. Ông đề xuất: "V-League là cuộc chơi chung của 14 CLB. VPF cần mời các đội góp ý, đưa ra phương án. Theo tôi, nếu vẫn quyết định để giải tiếp tục, chúng ta phải chờ một thời gian nữa cho tình hình dịch bớt căng thẳng. Sau đó, giải nên chia theo khu vực Bắc, Trung, Nam để thi đấu. Ví dụ, các đội Quảng Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá sẽ vào một nhóm thi đấu trước. Các đội gần nhau, đi ô tô cách ly, đá xong về ngay là an toàn".
Sau khi lùi ngày khai mạc vì Covid-19, V-League phải thi đấu hai vòng đầu tiên không khán giả, tạm dừng đến hết tháng 3 và mới đây lại hoãn đến ngày 15/4.
Tác giả: Lâm Thỏa
Nguồn tin: Báo VnExpress