Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bộ GD&ĐT: Cắt giảm phần học nâng cao vì nghỉ dịch Covid-19 dài ngày

Theo Bộ GD&ĐT tại hội nghị trực tuyến ngày 25/3, hiện các tiểu ban đang tinh giản nội dung chương trình phổ thông. Theo đó, có thể cắt giảm kiến thức nâng cao, bỏ tích hợp một số môn thiếu trọng yếu.

Tinh giản các bài học nâng cao

Hội nghị trực tuyến do Bộ GD&ĐT tổ chức ở 63 tỉnh thành về việc phòng chống dịch Covid-19 và triển khai dạy học trên truyền hình, internet.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT), Bộ đã có các văn bản hướng dẫn các sở về việc dạy học cũng như kiểm tra đánh giá dạy học trên internet và trên truyền hình. Ngoài ra, Bộ sẽ có các văn bản hướng dẫn cụ thể hơn về việc kiểm tra đánh giá hai hình thức học này sau khi học sinh trở lại trường học.

Về việc tinh giản chương trình và nội dung dạy học, ông Thành cho hay, nhiều năm qua Bộ đã có các văn bản thí điểm xây dựng nhà trường theo những công văn hướng dẫn.

 Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT). 

"Đặc biệt mới đây, các sở đã giao cho các nhà trường tinh giản nội dung dạy học theo công văn mà Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đã kí trước đó.

Theo đó, việc dạy học được tiến hành theo các chủ đề, sao cho có thể dạy được trong và ngoài lớp. Trong đó, có phần đổi mới dạy học và kiểm tra đánh giá", ông Thành cho biết.

Cũng theo Vụ trưởng vụ Giáo dục trung học, do thực tiễn tình hình nghỉ dịch Covid-19 kéo dài, Vụ đã làm đầu mối, cùng một số chuyên gia nhằm tinh giản một số nội dung dạy học, sao cho đảm bảo các nguyên tắc:

Thứ nhất, căn cứ vào chương trình và đối chiếu với SGK, các tiểu ban sẽ đưa ra các nội dung trong sách đang ở mức vận dụng cao để tinh giản.

Thứ hai, sẽ rà soát để tích hợp các bài học trong SGK thành các bài học theo chủ đề. Theo đó, hướng dẫn các địa phương dạy học sao cho tiết kiệm thời gian và thiết kế các bài giảng trên internet và trên truyền hình sao cho tự học nhiều hơn bởi hiện các em đang ở nhà và có SGK trong tay.

Thứ ba, có những nội dung giao thoa giữa môn này và môn kia. Nếu trước đây có thời gian, vẫn giữ lại các phần này. Nhưng do thực tiễn nghỉ học dài ngày nên các tiểu ban sẽ họp để có thể bỏ hẳn một hai môn, chỉ giữ lại để dạy trong một môn chiếm ưu thế.

 Học sinh Quảng Bình học trực tuyến trong thời gian nghỉ dịch Covid-19. (Ảnh: Hồng Thuỷ). 

Bỏ tích hợp một số môn

Ông Thành cho hay, năm nay do tình hình đặc biệt dịch Covid-19 kéo dài nên có thể hạ thấp yêu cầu cần đạt. Tức là vẫn yêu cầu học sinh đạt những kiến thức cơ bản nhưng có thể giảm phần nâng cao.

“Hiện chúng ta đã nghỉ 8 tuần. Trong khi đó, việc giãn thời gian lần 2 mới được 6 tuần nên bài học tinh giản sao cho tương ứng với khoảng thời gian đã nghỉ", ông Thành cho hay.

Theo đó, mỗi môn học (sau khi tinh giản- PV) sẽ có phụ lục rõ ràng để công bố trên toàn quốc và thể thiết kế các bài học phù hợp để giảng dạy trên truyền hình.

Khoảng thời gian đã dạy trên truyền hình và trên internet trong thời gian nghỉ, các em đã thu được một số kiến thức nhất định, phần còn lại sẽ được hoàn thiện tiếp sau khi trở lại trường học.

"Do đó, việc học trên trên internet và trên truyền hình dài hay ngắn, phụ thuộc vào thời gian nghỉ dịch Covid-19 tiếp sau đó". ông Thành khẳng định.

 Cần giao nhiệm vụ cụ thể cho học sinh, cũng như có hình thức kiểm tra đánh giá sau mỗi bài học trực tuyến. 

Cũng theo ông Thành, hiện Bộ GD&ĐT đã gửi các sở GD&ĐT dự thảo công văn giảng dạy trên truyền hình và trên internet. Theo đó, đảm bảo 3 yêu cầu: Học sinh phải được học tập để hoàn thành chương trình; Nâng cao năng lực cho các thầy cô cũng như tăng cường mối quan hệ của gia đình, nhà trường.

Có kiểm tra đánh giá sau bài học trực tuyến

Về việc tổ chức hoạt động dạy học và xây dựng học liệu trực tuyến,  thầy cô và các tổ chuyên môn phải xây dựng các bài giảng và học liệu phù hợp theo hướng dẫn của Bộ. Cần giao nhiệm vụ cụ thể cho học sinh, cũng như có hình thức kiểm tra đánh giá sau mỗi bài học, tránh tình trạng sóng cứ phát nhưng học sinh không thu được kiến thức.

"Do việc dạy trực tuyến hạn chế tương tác nên cô thầy phải tăng cường kiểm soát chặt chẽ học sinh bằng thư điện tử, mạng xã hội hoặc các hình thức phù hợp.

Phải giao nhiệm vụ cho học sinh, kiểm soát được bài học của các em cũng như hướng dẫn học sinh thực hiện các bài học sao cho đảm bảo chất lượng", ông Thành hướng dẫn.

Đặc biệt, các địa phương phải lựa chọn giáo viên đáp ứng đủ yêu cầu để thực hiện việc này.

“Việc dạy học này cần triển khai sao cho giống giảng dạy trên lớp. Đây là các bài học mới, chỉ khác ở chỗ bài giảng được phát lên mạng và lên truyền hình thay vì thầy cô đứng trên lớp và học theo bài học đã được tinh giản”, ông Thành khẳng định

Tác giả: Mỹ Hà

Nguồn tin: Báo Dân trí