Du lịch "chết lâm sàng", giám đốc ngồi nhà nặn bánh bán lấy 100 nghìn/ngày
- 08:33 24-03-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chị Lê Thị Phương Anh (áo than bìa phải) - Giám đốc Công ty TNHH Thương Mại và Du lịch SAB và chị Chị Nguyễn Tất Yến Nga (áo đỏ bìa trái) - Phó Giám đốc Công ty TNHH Tổ chức sự kiện GOS (bìa trái) ngồi nặn bánh ngào |
Trước diễn biến dịch Covid-19 đang ngày càng phức tạp, nhiều nước đã áp dụng chính sách cấm biên, hạn chế đi lại khiến ngành du lịch chịu thiệt hại nặng nề. Không chấp nhận ngồi “chờ chết”, nhiều công ty du lịch, dịch vụ ở Nghệ An đã có những hướng chuyển mới. Người thì sang một lĩnh vực mới hoàn toàn, người thì tìm một việc tạm thời để có thêm thu nhập qua ngày.
Giám đốc làm bánh rồi đi ship
Trước những khó khăn do Covid-19 gây ra đối với ngành nghề kinh doanh, nữ Giám đốc Công ty TNHH Thương Mại và Du lịch SAB và nữ Phó Giám đốc Công ty TNHH Tổ chức sự kiện GOS (cùng đóng ở TP Vinh, Nghệ An) đã cố gắng xoay xở, không ngồi chờ chết. Thay bằng hình ảnh 2 nữ doanh nhân hiện đại trong bộ vest sang trọng ở trong những sự kiện lớn, hay ngồi bàn giấy thương thảo hợp đồng với khách hàng… là hình ảnh hai người phụ nữ tảo tần ngồi nặn bánh ngào và bánh bèo lá.
Chị Nguyễn Tất Yến Nga - Phó Giám đốc Công ty TNHH Tổ chức sự kiện GOS cười chua chát: Công ty chúng tôi đã hoạt động trong lĩnh vực này được 8 năm. Trong năm duy chỉ tháng 7 âm lịch là ít sự kiện, còn lại đều có công ăn việc làm ổn định cho 6 nhân viên chính thức và hàng chục lao động thời vụ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Corona, từ đầu năm Âm lịch 2020 đến nay, công ty chỉ mới tổ chức được 2 sự kiện. Trước tình trạng không có sự kiện để làm, ngày 13/3, công ty đã quyết định cho anh chị em nhân viên tạm nghỉ ở nhà.
“Ngồi nhà lâu ngày cũng lo vì tiền thuê kho bãi, tiền nợ ngân hàng, tiền bảo hiểm cho nhân viên không biết xoay đâu để trả. Chồng chuyên cung cấp đèn trang trí đi công tác Sài Gòn lại vào đúng phường có dịch, đang bị cách ly ở trong đó. Sau khi tìm đủ ngành nghề khác để kinh doanh nhưng do không chuyên, lại không có vốn nên tôi quyết định lên mạng thăm dò dự định làm bánh ngào, bánh bèo lá bán. Không ngờ nhiều người ủng hộ, thế là tôi về nhà rủ thêm một vài chị em cùng làm bánh bán”, chị Nga kể lại.
Chị Lê Thị Phương Anh - Giám đốc Công ty TNHH Thương Mại và Du lịch SAB ship bánh cho khách |
Việc làm bánh không nặng nề nhưng đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, chịu khó. Phải dậy sớm đi chợ mua thịt về làm nhân, rồi ngồi nặn bánh từ sáng cho đến trưa. Buổi chiều cho bánh vào bếp nấu rồi đi ship cho khách hàng.
“Nói đơn giản là thế nhưng không chịu khó không làm được đâu, ngồi nặn bánh cả sáng đứng dậy lưng không thẳng đấy. Không làm thì lo, chứ làm thu nhập cũng chẳng đáng là bao. Ba chị em làm từ 7h - 7h tối, chia nhau người chỉ được hơn 100 ngàn, đủ kiếm thêm đồng mua rau, mua cá cho gia đình”, chị Nga nói.
Ngồi nặn bánh bên cạnh, chị Lê Thị Phương Anh - Giám đốc Công ty TNHH Thương Mại và Du lịch SAB cho biết: Ra Tết là thời gian người dân đi tham quan, du lịch nhiều nhất. Nhưng năm nay, ai cũng thấy cả rồi, sau một thời gian gắng gượng, đến ngày 9/3, công ty chúng tôi cũng phải cho nhân viên tạm nghỉ.
“Dịch bệnh như thế này, ngành nào cũng bị ảnh hưởng, tìm một ngành mình phù hợp để làm cũng khó. Nhưng không làm thì cũng chết đói, thôi đành rằng kiếm cơm qua ngày, có còn hơn không. Nhiều hôm bánh ế, phải ép cả người thân mua mới bán hết”, chị Phương An cười chua chát.
Từ du lịch nhảy sang bán vật liệu xây dựng, nội thất
Thông thường sau Tết là thời gian người dân đi tham quan, du lịch lễ bái nhiều. Năm nay, do dịch covid-19, khiến nhiều khách hàng e sợ, lần lượt hủy tour.
Ông Nguyễn Hữu Bắc, Chủ tịch PhucGroup Việt Nam (TP Vinh, Nghệ An) thở dài: Có thời điểm điện thoại công ty như cháy máy vì khách gọi hủy tuor. Đến cuối tháng 2, tình hình dịch bệnh trong nước tạm lắng, chúng tôi hi vọng du lịch sẽ sớm phục hồi thì bất ngờ dịch lại bùng phát mạnh hơn, khiến các doanh nghiệp làm du lịch như chúng tôi chết lâm sàng.
Ông Nguyễn Hữu Bắc, Chủ tịch PhucGroup Việt Nam đang giám sát công trình xây dựng |
Từ ngày 7/3, 100% khách hàng đã hủy hết tour, doanh thu lĩnh vực du lịch của Phucgroup về con số 0. Trong bối cảnh này, gần 40 cán bộ công nhân viên không có việc làm, mỗi tháng công ty còn phải chi trả 140 triệu đồng tiền lương, tiền thuế, tiền bảo hiểm.
“Từ ngày 16/3, tôi đã phải cho anh em làm việc theo kiểu trực luân phiên và nghỉ giãn cách. Trong bối cảnh khó khăn, công ty vẫn hỗ trợ một phần lương cơ bản 2 triệu đồng/người/tháng để cùng tồn tại qua mùa dịch”, ông Bắc cho biết.
Theo ông Bắc, nếu cứ giữ nguyên mảng du lịch, có cố cũng chỉ tồn tại được khoảng 6 tháng. Bởi hiện nay, có khoảng 60% doanh nghiệp vừa và nhỏ làm du lịch ở Nghệ An đã chết hẳn.
Tuy nhiên, không chấp nhận ngồi chờ chết, trong khi cả chục cán bộ nhân viên không có việc làm. Ông Bắc cũng như nhiều công ty du lịch khác bắt đầu tìm hướng đi mới.
“Họ vẫn phải sống, vẫn phải làm việc, kiếm tiền nuôi gia đình. Giờ khó khăn mình sa thải họ, đến lúc mình khó ai sẽ giúp mình” - với suy nghĩ như vậy, ông Bắc đã chủ động liên lạc với anh em bạn bè, đối tác trước đây hợp tác du lịch để kết nối tìm thêm hướng đi cho công ty mình. Ngày 12/3, PhucGroup đã “lấn sân” sang lĩnh vực xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Kinh doanh vật liệu xây dựng & Gỗ nội thất An Phát tại Tp.Vinh.
Với việc thành lập trung tâm này, PhucGroup đã giải được một phần bài toán việc làm. Ngoài một số nhân viên giữ lại trực mảng du lịch, bộ phận còn lại được chuyển sang làm kinh doanh online, xúc tiến bán sản phẩm và phát triển thương hiệu An Phát.
Nói về việc tại sao lại chọn lĩnh vực này, ông Bắc cho biết: Ý tưởng thành lập An Phát là một nhóm anh em chơi thân với nhau mỗi người làm một lĩnh vực. Trước đây làm theo kiểu hộ cá thể thì bây giờ nhập lại làm 1 theo liên minh của PhúcGroup và cùng hoạt động. Đặc biệt, mùa này là mùa xây dựng, khi người ta không đi đâu được, không phát huy được giá trị thặng dư từ công việc thì thường người Việt sẽ dành thời gian sửa chữa, trang trí nhà cửa.
Tác giả: Văn Thanh - Sỹ Hòa
Nguồn tin: baogiaothong.vn