Đừng liều ôm vàng, tiền mặt bây giờ là 'vua'
- 09:01 23-03-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vàng vốn được xem là kênh tích trữ an toàn. Nhất là trong thời kỳ khó khăn như hiện nay khi dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành, nhiều người tìm đến vàng để đầu tư.
"Vàng mang đến cho chúng ta những gì cần có trong giai đoạn khủng hoảng. Đây là một hình thức đảm bảo thanh khoản khi cần", ông Wayne Gordon - Giám đốc điều hành tại đơn vị quản lý tài sản của Tập đoàn UBS Group AG - cho biết trên Bloomberg.
Vào đầu tháng 3, giá vàng đã vọt lên 1.700 USD/ounce, mức cao nhất kể từ năm 2012.
Tuy nhiên, vài tuần gần đây, giá vàng thế giới liên tục lao dốc. Tuần trước, giá vàng đã giảm 8,6%, mức giảm thê thảm nhất kể từ năm 1983. Sang đến tuần qua, kim loại quý này đã giảm 1,6%.
Trang tin uy tín về vàng Kitco cho hay, từ ngày 9/3, giá vàng từ đỉnh ngắn hạn 1.700 USD rơi mất 200 USD khi đóng cửa tuần qua ở quanh mức giá 1.500 USD/oune. Như vậy, chỉ trong vòng 10 ngày, giá vàng thế giới đã giảm gần 12%.
Trong khi đó, cùng thời gian trên, giá vàng trong nước cũng trên đà giảm từ mức 47 triệu đồng/lượng (mua vào) 48 triệu đồng/lượng (bán ra), đã xuống mức 45 triệu đồng/lượng (mua vào) và 46 triệu đồng/lượng (bán ra). Mức giảm tương ứng khoảng 4-5%.
Giá vàng sụt giảm khá mạnh. |
Sau khi giảm 100.000 đồng/lượng trong ngày 21/3, giá vàng SJC sáng 22/3 tại Hà Nội niêm yết ở mức 45,75 - 46,57 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 45,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 46,55 triệu đồng/lượng (bán ra).
Việc giá vàng liên tục giảm giá khiến nhiều nhà đầu tư lỡ mua lướt sóng vàng lỗ nặng. Nhiều người đã buộc phải bán vàng để huy động tiền mặt.
Làn sóng bán tháo vàng của nhà đầu tư trên toàn cầu trong tuần qua vẫn không dừng. Nguyên nhân sâu xa của việc này nằm ở thanh khoản tiền mặt. Nhiều công ty, doanh nghiệp vì chứng khoán rớt giá mạnh đã phải bán các tài sản, trong đó có vàng, để tăng lượng tiền mặt để nộp tiền ký quỹ cho ngân hàng và trả lương. Hiện nay, từ các hộ gia đình cho đến những tập đoàn lớn đều có xu hướng gia tăng tiền mặt.
Các chuyên gia nhận định, vàng không thể tăng giá trong thời điểm dịch bệnh hoành hành vì lúc này tiền mặt là ưu tiên số một. Đó là lý do khiến giá vàng sụp đổ trong thời gian gần đây.
"Những ngày gần đây, thị trường vàng đã chứng kiến hiện tượng bán mạnh khi giới đầu tư vừa phải đáp ứng các cuộc gọi ký quỹ, đồng thời sợ hãi về tác động của dịch bệnh nên buộc phải bán vàng để lấy tiền mặt. Tiền mặt là vua và nó sẽ giữ nguyên như vậy", ông Daniel Ghali, chiến lược gia hàng hóa của Công ty TD Securities, cho biết trên Kitco.
Ông Daniel Ghali cho rằng, về bản chất, vàng vốn là nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ khủng hoảng nhưng giá sẽ tiếp tục đi ngang trong ngắn hạn do những người nắm giữ vàng liên tục bán để nắm giữ tiền mặt. Lúc này, các công ty đang cần tiền để thanh toán lương cho nhân viên hay để bù lỗ cho các khoản đầu tư. Họ cần đảm bảo bằng tiền mặt.
Còn ông Phillip Streible, chiến lược gia trưởng thị trường của Blue Line Futures, cũng khẳng định trên Kitco: vàng sẽ gặp khó khăn trong việc tăng giá, trong khi nhiều nhà đầu tư buộc phải bán kim loại để huy động tiền mặt bù lỗ hoặc đối phó với việc bị sa thải.
Đồng quan điểm trên, bà Rhona O'Connell, chuyên gia phân tích INTL FCStone nhận định trên Kitco: "Hiện nay, tôi không thể nhìn thấy bất cứ tài sản nào có vị trí lớn. Tiền mặt vẫn là vua”.
Bà Rhona O’Connell cho biết thêm, cuộc chạy đua tiền mặt hiện nay chưa thể kết thúc sớm do sự không chắc chắn liên quan đến sự bùng phát dịch bệnh covid-19, thứ khủng hoảng không phải do con người tạo ra. Đây là thiên tai chứ không phải nhân tai như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Các nhà phân tích cảnh báo trên Kitco, giá vàng sẽ còn tiếp tục gặp khó khăn khi thị trường chứng khoán sụp đổ, tạo nên cuộc khủng hoảng thanh khoản với nhà đầu tư. Khi đó, các nhà đầu tư buộc phải bán vàng để đáp ứng các cuộc gọi ký quỹ. Vàng chỉ tăng giá trở lại khi thị trường cảm nhận đã chạm đáy.
Tác giả: Anh Tuấn (Tổng hợp)
Nguồn tin: Báo Việt Nam Net