Chủ mặt bằng giảm 50% giá có giữ nổi khách thuê?
- 11:08 17-03-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Gần đây, ông Mai Trường Giang, chủ hệ thống Chewy Junior và chuỗi nhà hàng Otoke Chicken đã thành lập một cộng đồng các chủ kinh doanh cùng hỗ trợ lẫn nhau trong bối cảnh thị trường khó khăn có tên là CSC (CEOs Supportive Community).
Chỉ trong chưa đầy một tuần, hơn 300 chủ doanh nghiệp, thương hiệu lớn nhỏ đã tham gia cộng đồng này.
Lập cộng đồng doanh nghiệp khó khăn
Trao đổi với Zing.vn, ông Mai Trường Giang khẳng định đây là một thời điểm đặc biệt khó khăn, có thể gọi là "khủng hoảng" của ngành F&B nói riêng và bán lẻ nói chung.
"Tôi thành lập cộng đồng này để chủ động kiên kết với CEO của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) trên thị trường nhằm cùng nhau giải quyết các khó khăn trước mắt, đặc biệt là vấn đề mặt bằng. Đồng thời tạo thành một cộng đồng có tiếng nói để tác động và tiếp cận với các biện pháp hỗ trợ từ phía cơ quan Nhà nước hay ngân hàng trong thời điểm dịch bệnh dành cho SMEs", ông Giang chia sẻ.
Các nhà hàng trong trung tâm thương mại lớn vắng vẻ do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Hiện nay, cộng đồng này gồm hơn 300 thành viên là chủ của các doanh nghiệp, thương hiệu có quy mô lợi nhuận năm dưới 100 tỷ đồng ở các lĩnh vực F&B, thời trang, cửa hàng tiện lợi...
Ông cho biết hiện nay các doanh nghiệp SMEs đều ở trong thế bị động trước diễn biến khó lường của Covid-19. Bên cạnh đó, thuê mặt bằng cũng là một vấn đề lớn khi phần lớn chủ nhà có thái độ dửng dưng, không chịu giảm giá.
Giảm 50% giá, khách thuê vẫn không kham nổi
Theo ông chủ của chuỗi Chewy Junior, hiện nay đang có 2 nhóm chủ mặt bằng với 2 thái độ khác nhau.
Nhóm thứ nhất cho rằng sẽ không giảm giá vì họ cho rằng mình không phải chịu trách nhiệm về ảnh hưởng của dịch bệnh lên tình hình kinh doanh của khách thuê.
Nhiều trung tâm thương mại lớn cũng chưa có nhiều động thái hỗ trợ đồng bộ cho khách thuê dù các chủ kinh doanh đã rất nhiều lần kiến nghị. Nhiều đơn vị chấp nhận phải đóng cửa các chi nhánh trong các TTTM do không có lợi nhuận.
Chị Hoàng Minh Nhật, chủ chuỗi Bánh mì Minh Nhật cho biết cũng đang đề xuất chủ mặt bằng trong các TTTM cho tạm đóng cửa một thời gian vì kinh doanh quá khó khăn.
Nhiều cửa hàng ăn uống chấp nhận đóng cửa ngừng kinh doanh do không có doanh thu. Ảnh: Chí Hùng. |
"Thời điểm này kể cả có được miễn phí tiền thuê cũng đã lỗ kinh khủng. Một số nơi cho giảm 30% giá thuê nhưng cũng không thấm vào đâu. Chủ thuê mới đề xuất giảm đến 50% cho chuỗi của chúng tôi nhưng ngay cả vậy cũng không thể duy trì được", chị chia sẻ.
Trong khi đó, các chủ nhà phố cũng rục rịch giảm 20-50% cho khách thuê. Tuy nhiên, theo ông Giang, mức giảm này không hỗ trợ được nhiều bởi trên thực tế, doanh thu kinh doanh trong thời điểm này gần như không có, nhất là những dịch vụ quán bar, karaoke.... đang trong thế rất bị động, ít nhất chủ nhà cần hỗ trợ từ 50% giá thuê trở lên.
Nhóm chủ nhà thứ hai là những người chấp nhận không lấy tiền thuê của khách trong mùa dịch, cho phép đóng cửa tạm thời qua thời điểm khó khăn để giữ hợp đồng với khách thuê lâu năm, không mất công đầu tư lại mặt bằng.
"Vốn đầu tư cơ sở vật chất vào một mặt bằng là con số rất lớn, chưa kể đến các khoản phí vận hành. Trung bình mỗi chi nhánh của chuỗi nhà hàng tôi phải đầu tư từ 1-2 tỷ đồng", ông Mai Trường Giang thông tin thêm.
Kênh online tăng doanh số nhưng lãi không cao
Nhóm cộng đồng các doanh nghiệp đã đưa ra một số giải pháp để cố gắng duy trì sự tồn tại của mình trong bối cảnh khó khăn như xin chủ nhà hoàn cọc, xin ngân hàng giãn nợ, đưa các trang máy móc thiết bị vào kho bảo quản, cho nhân viên nghỉ tạm, đầu tư thêm vào kênh bán hàng online...
Theo ghi nhận, trong thời gian gần đây đơn hàng được mua qua kênh online của các cửa hàng đều tăng lên do tâm lý người tiêu dùng ngại đến những nơi đông người mùa dịch bệnh. Nhờ vào kênh bán hàng này mà một số cơ sở kinh doanh vẫn có thể duy trì.
Tuy nhiên, ông Giang phân tích, thực tế khi bán hàng trên các nền tảng như GrabFood, Now, Baemin... lợi nhuận chủ doanh nghiệp thu về rất mỏng.
Dịch vụ giao hàng đồ ăn trở nên được ưa chuộng trong thời điểm dịch bệnh bùng phát. Ảnh: Chí Hùng. |
"Phí hoa hồng cho các nền tảng chiếm 12-15%, chưa kể các chương trình ưu đãi để thu hút khách hàng. Các nhà hàng kinh doanh tốt trên kênh online chủ yếu là nhờ chuyển được lượng khách qua dịch giao hàng riêng của mình", ông giải thích.
Bên cạnh đó, các hợp đồng thuê mặt bằng đã được ký kết từ trước đó. Việc dịch bệnh bùng phát là một sự kiện rất bất ngờ, không ai có thể lường trước, chính vì vậy nhiều khách thuê vẫn đang cố thương lượng với chủ nhà để được hỗ trợ qua thời điểm khó khăn.
Đối với các chuỗi thương hiệu lớn, chủ doanh nghiệp đang đóng cửa bớt một số cửa hàng lỗ, tập trung vào các chi nhánh chính có nguồn doanh thu ổn định, đồng thời chuẩn bị dòng tiền trước các diễn biến phức tạp của mùa dịch, lên kế hoạch rõ ràng cho các giai đoạn tùy theo cấp độ khó khăn của thị trường.
Theo ghi nhận của Savills Việt Nam, sau một thời gian dùng dằng, nhiều chủ nhà phố khu trung tâm TP.HCM đã có những thộng thái thương lượng hỗ trợ khách về giá thuê.
"Một số chủ nhà chấp nhận miễn phí ít nhất một tháng thuê cho khách thuê làm nhà hàng hoặc giảm 30-50% giá thuê trong ngắn hạn đối với khối kinh doanh cửa hàng tiện ích", bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Tư vấn Savills Việt Nam thông tin.
Tác giả: Hà Bùi
Nguồn tin: zing.vn