Nghệ An: Nhà trường pha chế nước sát khuẩn COVID-19, kết nối giữa học và hành
- 13:42 15-03-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Giáo viên môn Hóa trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Nghệ An sản xuất dung dịch sát khuẩn. Ảnh: KH |
Điều này cho thấy sự sáng tạo đáng trân trọng, điển hình của xu hướng kết hợp “học” và “hành” trong giáo dục.
Vào đầu mùa dịch COVID-19, các giáo viên môn Hoá trường THPT Dân tộc Nội trú số 1 tỉnh Nghệ An đã pha chế thành công dung dịch rửa tay khô sát khuẩn.
Cô Nguyễn Kiều Hoa – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: các giáo viên đã tự nguyện đóng góp kinh phí, nhà trường vận động một số doanh nghiệp hỗ trợ nguyên liệu, hóa chất, tạo ra sản phẩm để phát miễn phí cho học sinh. Chất lượng sản phẩm yên tâm bởi áp dụng đúng công thức khuyến cáo của WHO; chi phí rẻ hơn rất nhiều so với mua sản phẩm ngoài thị trường.
Sau đó, nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng tổ chức pha chế, sản xuất dung dịch rửa tay khô sát khuẩn để sử dụng trong mùa dịch.
Theo thống kê của Sở GDĐT Nghệ An, đến nay đã có gần 20 trường THPT tự sản xuất được dung dịch rửa tay khô kháng khuẩn. Trong đó, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, sản phẩm đã được kiểm nghiệm và cho kết quả đạt tiêu chuẩn hiện hành. Sản phẩm sau đó đã được bán ra ngoài nhà trường và rất được ưu chuộng.
Nhiều học sinh giỏi cũng tham gia pha chế với các thầy cô. Qua thực tế, các em hiểu sâu hơn về lý thuyết, nắm vững kỹ năng thực hành và cho biết ở nhà cũng có thể tự pha chế thành công dung dịch rửa tay khô kháng khuẩn.
Việc các trường THPT trên địa bàn tỉnh Nghệ An tự sản xuất được dung dịch rửa tay khô kháng khuẩn cho thấy khả năng sáng tạo mạnh mẽ của các thầy cô và các em học sinh, thể hiện sinh động nguyên lý “học đi đôi với hành”, lý thuyết gắn với thực tiễn.
Việc làm nói trên còn thể hiện ý thức tự lực cánh sinh, không đầu hàng, lùi bước trước khó khăn của các nhà trường, thầy cô và học sinh.
Không chỉ sản xuất được sản phẩm đủ dùng để đối phó với dịch bệnh COVID-19, từ trước đến nay, qua các hoạt động dạy học và các cuộc thi sáng tạo khoa học kĩ thuật, các thầy cô và các em học sinh đã sáng tạo được nhiều sản phẩm độc đáo, có tính đột phá, ứng dụng cao, nhiều sản phẩm có thể nghiên cứu để sản xuất hàng loạt ra thị trường.
Khả năng sáng tạo, sáng chế của các thầy cô và các em học sinh là rất lớn, vừa góp phần nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, vừa giải quyết các vấn đề thực tiễn, tạo cơ sở vững chắc cho các em học sinh sau này trở thành các nhà nghiên cứu, sáng chế, kĩ sư, lao động giỏi.
Vấn đề là phải có cơ chế, hành lang pháp lý để phát huy khả năng sáng tạo đó, đồng thời giảm bớt những nội dung giáo dục lý thuyết hàn lâm, không thiết thực, tạo điều kiện cho các em thực hành, thực nghiệm, rèn luyện các kĩ năng sáng chế, thực hành lao động.
Tác giả: Quang Đại
Nguồn tin: Báo Lao động