Tên cướp máu lạnh và lời van xin của bác xe ôm lúc nửa đêm
- 13:30 09-03-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
|
Cả bị cáo lẫn bị hại đều là những người cùng cảnh khổ, nhưng có lối sống và sự lựa chọn hoàn toàn khác nhau. Một người vươn lên bằng sức lao động của mình, còn một người chọn cách sống lầm lỗi, gây ra bi kịch cho chính mình và cho người khác.
"Bị cáo Nguyễn Văn Hồ, 23 tuổi, quê Chợ Mới, An Giang. Không cha, mẹ mất sớm. Học đến lớp 5 thì nghỉ học ở nhà. Từng lãnh án 4 tháng tù về tội trộm cắp tài sản...".
Đó là lý lịch trích ngang của một thanh niên dáng người gầy gò, đen nhẻm đang bị tòa án xét xử về tội giết người và cướp tài sản.
Thiện và ác
Cách đây 15 năm, Hồ vào tù vì trộm cắp tài sản. Chấp hành xong, Hồ khăn gói lên Sài Gòn tìm kế sinh nhai. Hồ làm nhiều nghề để kiếm sống nhưng cuộc sống vẫn mãi chật vật đến tận khi Hồ lấy vợ, sinh con.
Hồ nói rằng lúc trước khi còn làm thợ hồ, cuộc sống tuy vất vả nhưng còn có đồng lo cho gia đình, từ ngày Hồ chuyển sang làm giữ xe cho quán bún bò, lương chỉ được 100.000 đồng/ngày, chẳng đủ cho ba miệng ăn.
Cách đây ít lâu, Hồ vừa ăn trộm của mẹ vợ sợi dây chuyền cùng đôi bông tai bán lấy tiền tiêu xài, chơi game nhưng chẳng được bao lâu cũng hết. Nợ càng chồng nợ.
Hôm ấy là ngày đóng tiền nhà, vợ về quê, túng quá Hồ nảy sinh ý định đi cướp tài sản. Hồ lục trong điện thoại tìm số người chạy xe ôm hôm nọ, giả vờ thuê chở đi công việc để cướp xe. Khi đến con đường vắng vẻ, ít người qua lại, Hồ ra tay sát hại người tài xế bạc mệnh, cướp xe và điện thoại.
Nạn nhân là ông Phạm Văn Hùng. Hôm ấy, lúc 1h sáng, khi ông đang ngủ thì điện thoại reo. Là một người khách quen từng đi xe ôm của ông nhiều lần.
Hồ hẹn ông đến trước một căn nhà trên quốc lộ 1, thuộc quận Bình Tân (TP.HCM) để chở Hồ đi công chuyện. Bỏ qua cơn mệt mỏi vì ngái ngủ, ông Hùng trở dậy đi chở khách, mong kiếm thêm đồng nào hay đồng nấy.
Hơn 20 năm trước, vợ ông bỏ đi để lại đứa con trai khi ấy chưa tròn 3 tuổi, ông một mình "gà trống nuôi con".
Những người xung quanh kể rằng không có việc nặng nhọc nào mà ông từ chối, kể cả việc rong ruổi lượm ve chai để kiếm bữa rau bữa cháo nuôi con. Khi con học đến lớp 8, hai cha con dắt díu nhau lên Sài Gòn làm thuê làm mướn kiếm sống qua ngày.
Ước mơ chắt chiu cả đời của cha con ông chỉ là có lấy một mảnh vườn, trồng rau nuôi vịt nhưng sao mà khó quá. Thấy người ta chạy xe ôm công nghệ có tiền, hai cha con ông bàn nhau mua trả góp chiếc xe máy, rồi thay phiên nhau chạy. Ông nào biết rằng đêm đó cũng là chuyến xe định mệnh của đời mình.
Cáo trạng viết khi ông Hùng chở Hồ đến gần cầu Rạch Cầu Suối (đoạn ngã ba Kênh liên vùng và đường Rạch Cầu Suối), xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, Hồ kêu ông Hùng dừng xe và giả vờ gọi cho bạn.
Lợi dụng lúc ông Hùng không chú ý, Hồ kề dao vào cổ uy hiếp để cướp tài sản. Ông Hùng giằng co, chống trả thì bị Hồ đâm nhiều nhát vào người, vào cổ. Trong cơn cùng cực, ông Hùng van xin Hồ cứ lấy tài sản nhưng đừng giết mình...
Nhưng lời van vỉ của ông không lay động được tên cướp máu lạnh. Hồ lục túi ông Hùng lấy 100.000 đồng cùng điện thoại và xe máy của ông bỏ đi, mặc ông chỉ còn thoi thóp trên nền đất. Sáng hôm sau, thi thể của ông Hùng được một người dân gần đó phát hiện, trình báo công an.
Lựa chọn cái ác
Ngày Hồ ra tòa, không một bóng người thân. Bị cáo cúi gằm mặt xuống nền đất, tay vân vê vạt áo carô nhàu nhĩ. Nhớ về hành vi tàn ác của mình trước đó, Hồ bao biện: "Bị cáo không nhớ đâm vào đâu, chỉ nhớ đã đâm nhiều nhát vào người chú Hùng. Nhưng bị cáo chỉ đâm để chú Hùng sợ nhằm lấy tài sản chứ không định giết chú Hùng".
"Hơn 15 phút từ khi kề dao vào cổ ông Hùng, bị cáo nghĩ gì?" - vị kiểm sát viên hỏi. Hồ thành thực trả lời: "Bị cáo nghĩ có nên thực hiện tiếp không?". "Vậy tức là bị cáo có thời gian suy nghĩ, lựa chọn nhưng bị cáo vẫn thực hiện?". Hồ im lặng không đáp.
Sự im lặng của Hồ làm tôi nghĩ đến câu chuyện ngụ ngôn nọ, rằng lương thiện mới là một sự lựa chọn. Nhưng tiếc thay Hồ đã không lựa chọn cuộc sống ngay thẳng, thiện lương đó. Hồ nói rằng hiện giờ mình rất hối hận.
Cũng như bao bị cáo khác, bị cáo mong pháp luật khoan hồng, cho bị cáo một cơ hội để làm lại cuộc đời, để về với con nhỏ. Song, tòa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Hồ mức án tử hình về tội giết người, 7 năm tù về tội cướp tài sản, tổng hình phạt là tử hình. Bị cáo lê bước chân nặng nề ra xe bít bùng rời khỏi phòng xử án.
Câu nói của vị hội thẩm nhân dân còn văng vẳng bên tai: "Bị cáo có nghĩ vì điều gì mà nửa đêm nửa hôm ông Hùng thức để chở bị cáo đi hay không? Chẳng phải cũng vì cuộc sống mưu sinh hay sao? Vậy mà vì tiền, bị cáo nỡ lòng tước đoạt tính mạng của người khác.
Nếu bị cáo không là người tốt thì làm sao dạy con được. Bây giờ vợ con bị cáo sẽ ra sao, bị cáo phải đánh thức lương tâm của mình, không thể vin vào hoàn cảnh để bao biện hành vi phạm tội".
Có lẽ Hồ không ngờ rằng trong cuộc đời ngắn ngủi ấy, không phải lỗi lầm nào cũng có cơ hội sửa chữa. Rằng giá như lòng nhân của bị cáo thức tỉnh đúng lúc.
Giá trị sống quyết định sự lựa chọn của mỗi người Theo tiến sĩ Nguyễn Hồng Phan (trưởng bộ môn tâm lý giáo dục Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG TP.HCM), nhân cách phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như giáo dục, môi trường sống, di truyền... Nhưng quan trọng nhất vẫn là hoạt động của cá nhân. Bởi nhận thức, thái độ, giá trị sống của bản thân được tiếp thu thông qua giáo dục, quá trình sống và lớn lên của cá nhân đó. Và giá trị sống quyết định sự lựa chọn của mỗi người. Hiện nay, xã hội hội nhập, một số người trẻ bị "hẫng" về giá trị sống, thậm chí việc xác định giá trị sống sai lệch dẫn đến hành vi sai trái, phạm pháp. Trong nhiều yếu tố định hướng giá trị sống, giáo dục của gia đình ảnh hưởng đến cá nhân rất lớn, ảnh hưởng đến hành vi, định hướng cuộc đời, gắn kết cá nhân... |
Tác giả: TUYẾT MAI
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ