Hàng trăm m3 gỗ quý ở biên giới Nghệ An: Vì sao những thông tin liên quan chưa được hé lộ?
- 21:00 07-03-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vậy nhưng, khi phóng viên vào cuộc tìm hiểu lộ trình, mức giá cơ sở ban đầu để đưa ra đấu giá như thế nào thì các thông tin liên quan vẫn chưa được hé lộ.
Số phận hàng trăm m3 gỗ quý tập kết ở dọc biên giới huyện Kỳ Sơn, Tương Dương đã được xác lập tài sản thuộc quyền sở hữu toàn dân từ tháng 11/2019 sẽ đi về đâu nhưng đến nay chưa thể công bố |
Thời gian dự kiến đấu giá chưa ấn định
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin ở những kỳ trước, sau khi các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An phát hiện gần 400m3 gỗ quý nằm rải rác dọc sông, suối ở các các xã như Mỹ Lý, Keng Đu thuộc huyện Kỳ Sơn và Nhôn Mai thuộc huyện Tương Dương, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản này.
Được biết, toàn bộ số gỗ này đã ra thành phẩm dạng lóng, thanh thuộc các chủng loại Đinh Hương, số còn lại gồm Săng vì, Pơ Mu, Sa Mu…có giá trị kinh tế cao được trục vớt sau cơn bão số 3, số 4 vào thời điểm tháng 7 và tháng 8/2018. Và, kể từ đó đến nay, số gỗ này cũng được tập kết dọc một số xã biên giới thuộc 2 huyện nói trên.
Đến ngày 11/11/2019, ông Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký văn bản giao cho Sở Tài chính tỉnh Nghệ An chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan căn cứ vào các quy định hiện hành để xác định giá khởi điểm bán đấu giá đối với tài sản được xác lập sở hữu toàn dân đối với toàn bộ 394,587m3 gỗ.
Tiếp đó, Chi nhánh Công CP TT& thẩm định giá Miền Nam tại Nghệ An là đơn vị được Sở Tài chính thuê xác định giá trị toàn bộ lô gỗ để làm cơ sở xác định giá khởi điểm bán đấu giá.
Trước đó, khi gửi văn bản báo cáo, tham mưu UBND tỉnh Nghệ An, Sở Tài chính đưa ra mức khái quát trị giá tài sản của gần 400m3 gỗ quý ở Tương Dương, Kỳ Sơn là hơn 2,1 tỷ đồng.
Mới đây, trong quá trình điều tra, phóng viên được biết, trị giá lô gỗ nói trên được tăng thêm lên khoảng 2,4 tỷ đồng sau khi bàn bạc, thống nhất giữa các cơ quan liên quan. Còn trị giá chính xác của lô gỗ gần 400m3 và thời điểm đưa ra đấu giá như thế nào thì nguồn tin riêng của phóng viên không tiết lộ thêm.
Thông tin liên quan vẫn đang là “ẩn số”
Để có câu trả lời về việc thời điểm nào tỉnh Nghệ An đưa lô gỗ quý nói trên ra đấu giá công khai và phương án trục vớt, trông giữ, bảo quản lâm sản do mưa lũ cuốn trôi nói trên để tham mưu UBND tỉnh giải quyết theo đúng quy định như thế nào thì phóng viên vẫn chưa thể tiếp cận được.
Chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời là Sở Tài chính đã có văn bản tham mưu, xin ý kiến của UBND tỉnh Nghệ An về việc hoàn thiện hồ sơ thủ tục, chỉ đạo hướng dẫn để đưa toàn bộ lô gỗ ra đấu giá. Tuy nhiên, cụ thể văn bản mà Sở Tài chính đã gửi UBND tỉnh về nội dung cụ thể như thế nào thì phóng viên chưa thể tiếp cận được.
Khi chúng tôi liên hệ làm việc với đại diện phòng quản lý giá (Sở Tài chính Nghệ An) thì vị này nói rằng phải có ý kiến lãnh đạo Sở mới có thể cung cấp hồ sơ, tài liệu cho báo chí.
Tiếp tục với đề nghị cung cấp những nội dung nói trên, ông Trần Việt Dũng – Phó giám đốc Sở Tài chính Nghệ An thì được biết hồ sơ cụ thể chưa thể cung cấp được.
Ông Trần Việt Dũng nói với phóng viên rằng, khi nào Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh xong sẽ cung cấp cho báo chí bằng văn bản chính thức luôn?!.
Như vậy, việc chưa thể cung cấp cho báo chí về mức giá ban đầu được cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt bằng văn bản và thời gian cụ thể đưa gần 400m3 gỗ quý đang tập kết ở huyện Kỳ Sơn, Tương Dương đưa ra đấu giá đang khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn.
Và, số phận của lô gỗ quý ở các huyện biên giới Nghệ An mà phóng viên đã có dịp “mục sở thị” vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 vẫn chưa thể công khai được sẽ định đoạt như thế nào vẫn đang là “ẩn số” chưa được công bố.
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin.
Tác giả: Ngọc Thái
Nguồn tin: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp