Vì sao KKT Đông Nam Nghệ An trở thành trung tâm giao thương quốc tế Việt-Lào-Thái?
- 20:33 01-03-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo quy hoạch, KKT Đông Nam Nghệ An sẽ là Khu kinh tế trọng điểm, đa ngành, đa lĩnh vực |
Sẽ được hiện thực hóa?
Mục tiêu lập quy hoạch xây dựng KKT Đông Nam Nghệ An là phát triển thành khu vực phát triển kinh tế năng động, bền vững; trở thành trung tâm kinh tế giao thương quốc tế của vùng Bắc Trung Bộ, cửa ngõ quan trọng của vùng Trung, Thượng Lào, Đông Bắc Thái Lan vào miền Trung và Việt Nam.
Liệu mục tiêu này có khả thi? Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, KKT Đông Nam Nghệ An mang trong mình nhiều tiềm năng như một trung tâm phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị, công nghiệp, cảng và trung tâm logistics.
Bởi lẽ đây là khu vực kinh tế động lực của vùng duyên hải Bắc Trung Bộ và tỉnh Nghệ An; có hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội đồng bộ, hiện đại.
Mặt khác, quy hoạch đang hướng đến đưa KKT này là KKT trọng điểm, đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là công nghiệp cơ bản gắn liền với việc xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển Cửa Lò;
Khu vực Hoàng Mai - Đông Hồi phát triển các ngành công nghiệp có tính chất động lực gắn liền với cảng biển Đông Hồi; khu vực Vsip phát triển công nghiệp kết hợp dịch vụ hỗn hợp, trọng tâm phát triển các loại hình công nghiệp nhẹ và các ngành công nghiệp hỗ trợ khác.
Đây cũng là cực tăng trưởng đối trọng, liên kết chặt chẽ và toàn diện với sự phát triển chung của thành phố Vinh, thị xã Hoàng Mai, thị xã Cửa Lò và vùng phụ cận.
Những yêu cầu trọng tâm
Quyết định nêu rõ một trong những yêu cầu trọng tâm cần giải quyết là rà soát tổng thể về nội dung Quy hoạch chung được phê duyệt năm 2008 và tình hình thực tiễn phát triển tại KKT Đông Nam Nghệ An.
Xây dựng KKT Đông Nam Nghệ An gắn liền với việc khai thác có hiệu quả cảng biển Cửa Lò |
Từ đó xác định lại các phân khu chức năng của KKT trên cơ sở điều chỉnh phù hợp với xu thế phát triển mới. Đánh giá và nghiên cứu về vấn đề bảo vệ môi trường, đề xuất giải pháp hạn chế tối đa ảnh hưởng, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường du lịch biển Cửa Lò;
Rà soát, đánh giá và lồng ghép quy hoạch ngành với kế hoạch bảo vệ môi trường; đề xuất các giải pháp lồng ghép nội dung biến đổi khí hậu trong quy hoạch xây dựng KKT, tăng cường khả năng thích ứng và năng lực giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.
Cụ thể, cần đánh giá tổng quan các đặc điểm môi trường tự nhiên về địa hình, địa mạo, khí hậu, thủy hải văn, thủy lợi, địa chất công trình, địa chấn, thiên tai, cảnh quan sinh thái, rừng phòng hộ ven biển;
Đánh giá ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên tới khu vực xây dựng và phát triển; xác định các khu vực thuận lợi, ít thuận lợi, không thuận lợi cho phát triển; xác định các vùng cấm, hạn chế phát triển trong khu chức năng đặc thù.
Đánh giá tình hình thu hút đầu tư, các chỉ số phát triển KKT; mức độ phát triển của các ngành kinh tế chủ lực của KKT; phân tích mô hình, không gian hoạt động và nhu cầu không gian để phát triển cho các ngành kinh tế, các lĩnh vực sản xuất, cùng các không gian liên quan;
Đánh giá dân số, lao động, văn hóa, thống kê dân số, lao động, cơ cấu nghề nghiệp, tỷ lệ dân số, lao động; phân bố dân cư, thu nhập, các hiện tượng dịch cư, các vấn đề do đô thị hóa; tình trạng tăng giảm lực lượng sản xuất về chất và lượng, khả năng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Về định hướng phát triển không gian, trên cơ sở phân tích hiện trạng, xác định mô hình phát triển, hướng phát triển, nguyên tắc phát triển, đưa ra các cơ cấu phát triển KKT, xem xét các tiêu chí, lựa chọn phương án;
Xác định cấu trúc phát triển không gian KKT theo các khu vực chức năng; xác định các khu vực cần can thiệp kiểm soát phát triển như: Khu vực bảo tồn tôn tạo, cải tạo chỉnh trang, khu vực phát triển mới, các khu vực kiến trúc cảnh quan khác cần được bảo vệ.
Tác giả: Vĩnh Bảo
Nguồn tin: Tạp Chí Công Thương