Đề xuất lập khu cách ly để đón hàng ngàn lao động từ Hàn Quốc về nước
- 06:42 01-03-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chiều ngày 29/2, UBND TPHCM tiếp tục tổ chức họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 trước diễn biến phức tạp trên thế giới.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết, từ ngày 23-27/2, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã đón 4.674 người từ Hàn Quốc về. Trong đó, người có quốc tịch Hàn Quốc là 2.347 người, quốc tịch khác là 527; người Việt Nam là 1.800, trong đó riêng TPHCM có gần 800 người.
Chốt kiểm soát virus corona tại sân bay Tân Sơn Nhất |
Trong ngày 28/2, TPHCM đã có 13 chuyến bay đến từ Hàn Quốc với 1.229 hành khách. Người Việt Nam là 793, người có quốc tịch Hàn Quốc và nước khác là 436 người.
Từ ngày 29/2, chuyến bay từ Hàn Quốc tới TPHCM giảm xuống còn 10 chuyến, với số khách ước tính hơn 1.000 người. Trong đó, người Việt Nam là 600, Hàn Quốc là 359, còn lại là quốc tịch khác.
"Dự kiến, trong số khách trở về hôm nay thì người thành phố là gần 250 khách, chủ yếu về quận 7, Tân Bình, Tân Phú, quận 2...", ông Bỉnh nói.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, thống kê sơ bộ, có khoảng 22.000 người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, trong số đó có khoảng 1/3 (tức khoảng 7.000 người) có nhu cầu về các tỉnh phía Nam.
Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị các đơn vị liên quan chủ động phối hợp với ngành hàng không để nắm bắt tình hình hành khách về nước để chủ động ứng phó.
“Phải chủ động không để máy bay hạ cánh xuống rồi mới tính toán kiểm dịch cách ly, giám sát thế nào, sẽ gây ùn ứ quá tải, khiến nhiều người phải đợi nhiều tiếng đồng hồ”, ông Phong nói.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu rà soát lại khả năng tiếp nhận người cách ly của thành phố để chủ động có giải pháp ứng phó |
Báo cáo về cơ sở vật chất phục vụ cách ly, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết khu cách ly ở Củ Chi với 300 giường nay đã cách ly gần 250 người. Khoảng 5 ngày nữa là nhóm người từ Trung Quốc sẽ hết thời hạn cách ly. Ngoài ra, hơn 3.000 người Việt Nam và Trung Quốc được cách ly nơi cư trú, đến nay chỉ còn 52 trường hợp phải cách ly.
Hiện nay, tại huyện Nhà Bè đang làm khu cách ly 150 giường, quận 7 cũng có khu cách ly 100 giường để tập trung cách ly đối tượng từ vùng dịch ở Hàn Quốc về. Thành phố đã chuẩn bị gần 1.500 giường để sẵn sàng phục vụ cách ly, theo dõi.
"Chúng ta an tâm về khu cách ly trong thời điểm hiện nay. Khi có diễn biến mới thì đề xuất thêm vị trí phù hợp", ông Bỉnh nói.
Cũng theo ông Bỉnh, kiểm soát và sàng lọc khai báo y tế tại sân bay được làm kỹ để không xảy ra sai sót. Người trở về từ vùng dịch của Hàn Quốc được cách ly, những trường hợp khác nếu liên quan cũng cho cách ly tập trung, những trường hợp còn lại được cách ly tại cộng đồng, nơi cư trú và theo dõi kỹ, không cho ra ngoài.
Bệnh viện Quân y 175 cũng dành 200 giường để sắp tới luân chuyển các hành khách Việt Nam ở các tỉnh thành. Đơn vị chức năng của TPHCM sẽ phối hợp cùng Bộ Tư lệnh thành phố hỗ trợ xe đưa hành khách về các tỉnh ở xa, tùy theo mức độ mà cách ly tập trung hay nơi cư trú.
"Việc luân chuyển, ăn uống được chuẩn bị kỹ, xe đi thẳng về trung tâm y tế địa phương chứ không ghé dọc đường, tránh gây hoang mang cho người dân", ông Bỉnh thông tin.
Chủ tịch UBND TPHCM một lần nữa yêu cầu ngành y tế chủ đồng thống kê số lượng giường bệnh ở các khu cách ly tập trung để có phương án sẵn sàng tiếp nhận.
Theo ông Phong, TPHCM hỗ trợ các địa phương trong việc di chuyển, cách ly nhưng thành phố cũng tính đến nhu cầu của người làm việc tại thành phố. Do đó, ông cho rằng Bộ Y tế nên có kiến nghị lập khu cách ly quốc gia ở phía Nam.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, trách nhiệm của Bộ Y tế là báo cáo Chính phủ về việc lập khu cách ly Quốc gia ở phía Nam |
"Phải thấy điều kiện của mình để xin khu cách ly Quốc gia vì có đến 18 tỉnh phía Nam. Xem khả năng của các địa phương như thế nào, tiếp nhận được bao nhiêu? Trách nhiệm Bộ Y tế là báo cáo Chính phủ về khu cách ly quốc gia", ông Phong nói.
Xem xét nguồn lực cơ sở vật chất và nhân lực y tế, ông Phong cho rằng, giới hạn đỏ của TPHCM là 1.000 ca nhiễm bệnh. Hiện trên địa bàn thành phố có 18.881 bác sĩ, trong đó, các bệnh viện Trung ương có 2.424 bác sĩ. Tuy nhiên, bác sĩ có chuyên môn về truyền nhiễm chỉ có 349 người. Điều dưỡng là 31.301 người, trong đó điều dưỡng ở các khoa truyền nhiễm chưa tới 1.000 người.
Do đó, ông Phong yêu cầu Giám đốc Sở Y tế TPHCM lập trung tâm điều hành nhân lực để điều phối, tập huấn ngắn hạn phục vụ công việc phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Tác giả: Quốc Anh
Nguồn tin: Báo Dân trí