Ngày Thầy thuốc 27.2: Không vinh danh nhưng cũng đủ tự hào
- 08:36 27-02-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Các bác sĩ thực hiện ca ghép chi thể từ người cho sống đầu tiên trên thế giới. Ảnh: BVCC |
Họ luôn đứng ở những vị trí nguy hiểm nhất, đương đầu với dịch bệnh, và chấp nhận hy sinh những giây phút vinh danh, những niềm vui nho nhỏ trong ngày truyền thống của mình, tất cả vì sức khỏe của nhân dân.
Những thầy thuốc Việt Nam, hoàn toàn có thể tự hào trước những thành tựu vượt bậc mà ngành y tế đã có được trong thời gian qua.
Những kỳ tích ghép tạng, ghép chi
Những năm qua, Việt Nam liên tục có những bước đột phá đáng kinh ngạc trong ngành ghép tạng, mang lại cơ hội sống cho nhiều người bệnh. Năm 2019, lần đầu tiên tại Việt Nam, các bác sĩ bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện 2 ca ghép tạng đặc biệt: ghép phổi đồng thì với mổ tim và ghép đồng thời gan – thận.
Cũng tại đây, kỷ lục trong ngành ghép tạng cũng được xác lập khi đã thực hiện 15 ca ghép tạng chỉ trong một tuần. Với sự tham gia của 300 y, bác sĩ, với sự phối hợp đồng bộ, tổ chức chuyên nghiệp, điều phối kịp thời và trên hết khẳng định trình độ chuyên môn cao.
Các bác sĩ bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện ca ghép phổi. Ảnh: BSCC |
Trong số 15 ca ghép tạng từ ba người chết não hiến tạng, có hai ca ghép tạng xuyên Việt và một ca ghép phổi. Với 15 ca ghép tạng trong một tuần, Việt Nam đánh dấu kỳ tích mới vì trong suốt 10 năm qua, tính đến thời điểm thực hiện ca ghép đa tạng này, mới có 57 trường hợp hiến tạng.
Tiếp đến phải kể đến thành tựu hai ca ghép phổi được ra viện. Sau một tháng được nhận phổi hiến, ngày 4.10.2019 bệnh nhân thứ hai được ghép phổi đã bình phục xuất viện.
Bệnh nhân đầu tiên được ghép phổi năm 2018 cũng đã được xuất viện sau 10 tháng nằm hồi sức sau ghép vô cùng gian nan, với một sự chăm sóc cực kỳ đặc biệt của đội ngũ y bác sĩ. Đây được đánh dấu là kỳ tích mới trong ngành ghép tạng Việt Nam sau khi Việt Nam chinh phục kỹ thuật ghép phổi- kỹ thuật khó nhất thế giới vào năm 2018.
Mới đây, ngày 24.2.2020, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 công bố thực hiện thành công ca ghép chi thể đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, đồng thời là ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống.
Bệnh nhân được ghép chi thể từ người cho sống đầu tiên trên thế giới đang hồi phục tốt tại Bệnh viện 108. Ảnh: BVCC |
Chinh phục, sáng tạo, nghiên cứu kỹ thuật y khoa tiên tiến
Bên cạnh đó, nhiều kỹ thuật y khoa khác đã được các y bác sĩ Việt Nam chinh phục, sáng tạo, cứu sống cho nhiều người bệnh. Ghép tế bào gốc tạo máu điều trị các bệnh máu tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương là phương pháp điều trị triệt để nhất giúp cho bệnh nhân bệnh máu ác tính cũng như lành tính, di truyền có thể khỏi bệnh và có cuộc sống bình thường.
Cũng phải kể đến kỹ thuật phẫu thuật nội soi tuyến giáp một lỗ của các bác sĩ bệnh viện Nội tiết Trung ương, được bình chọn là một trong 10 thành tựu khoa học công nghệ xuất sắc nhất Việt Nam 2018.
Trong lĩnh vực sản khoa, các bác sĩ của bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã can thiệp bào thai thành công- chinh phục kỹ thuật sản khoa cao nhất, hiện đại nhất trên thế giới. Năm 2019, hàng chục sản phụ có thai đôi và mắc bệnh lý truyền máu song thai đã được can thiệp thành công. Em bé đầu tiên được cứu sống nhờ can thiệp bào thai đã sinh khỏe mạnh vào ngày 14.12. Kỹ thuật can thiệp bào thai có thể can thiệp được ở hầu hết các cơ quan của bào thai, thậm chí cả não, tim, màng phổi…
Việt Nam nuôi cấy và phân lập thành công virus Corona. Ảnh: BVCC |
Việt Nam cũng được biết đến là quốc gia đang dần vươn lên vị trí quan trọng trong danh sách các nước sản xuất vắc xin trên thế giới. Công tác nghiên cứu sản xuất vắc xin được đẩy mạnh, đạt được những kết quả đáng tự hào.
Ngày 7.2.2020, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương công bố đã nuôi cấy và phân lập thành công chủng virus Corona mới (SARS-CoV-2) gây dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), tạo điều kiện cho việc xét nghiệm các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm nCoV. Đây là tiền đề cho việc nghiên cứu và phát triển vắc xin phòng, chống loại virus này trong tương lai.
Bệnh nhân dương tính COVID-19 được chữa khỏi bệnh ra ra viện. Ảnh: T.Dũng |
Trong công tác phòng chống dịch bệnh, ngành y cũng có những thành tựu đáng nể, khiến bạn bè quốc tế khâm phục. Tính đến nay, Việt Nam đã bước đầu kiểm soát tốt, khoanh vùng, cách ly, điều trị thành công 16 ca bệnh dương tính với COVID-19.
Những ngày này, dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, hơn ai hết, tất cả các cán bộ nhân viên y tế vẫn đang nhắc nhở nhau không được "ngủ quên trên chiến thắng". Họ vẫn đang căng mình chống dịch, sẵn sàng lao vào những điểm nóng, tất cả vì mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Tác giả: Thùy Linh
Nguồn tin: Báo Lao động