Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Ethanol Phú Thọ: Ông Đinh La Thăng bị truy tố, kéo dài án tù thêm bao năm?

Trường hợp ông Thăng bị kết tội trong vụ án Ethanol Phú Thọ, theo quy định thời hạn tù mà ông Đinh La Thăng phải chấp hành theo bản án mới được trừ đi thời gian đã chấp hành án đối với hai bản án cũ, tổng hợp hình phạt không quá 30 năm tù.

Liên quan vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí - PVB (Ethanol Phú Thọ), Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng, nguyên chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cùng 9 đồng phạm về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Khoản 3 Điều 224 Bộ luật Hình sự.

Theo bản kết luận điều tra, ngày 29/10/2007, ông Đinh La Thăng thay mặt HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ký nghị quyết "chấp thuận chủ trương đầu tư nhà máy sản xuất ethanol khu vực phía Bắc" với phương thức thực hiện thành lập công ty cổ phần làm chủ đầu tư dự án.

Bị can Đinh La Thăng, với vai trò là chủ tịch HĐTV PVN, trưởng ban chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học của PVN, mặc dù biết liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu TK05 dự án Ethanol Phú Thọ nhưng vẫn chủ trì, kết luận các cuộc họp về chủ trương chỉ định thầu, chỉ đạo quyết liệt và ra quyết định giao liên danh nói trên thực hiện gói thầu.

 Bị can Đinh La Thăng. 

Kết luận điều tra xác định thiệt hại do hành vi lựa chọn nhà thầu không đủ điều kiện năng lực để thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ gây ra là toàn bộ số tiền lãi suất phát sinh mà PVB đã trả và số còn có nghĩa vụ trả cho các ngân hàng từ khi dự án dừng thi công đến ngày khởi tố vụ án là hơn 540 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trước đó, ông Đinh La Thăng đã 4 lần hầu tòa tại các vụ Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế khiến PVN mất 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Oceanbank (bị xử phạt 13 năm tù) và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVC liên quan Trịnh Xuân Thanh (bị xử phạt 18 năm tù). Cộng hai bản án này, ông Đinh La Thăng phải thi hành mức án 30 năm tù giam.

Dư luận đặt câu hỏi, ông Đinh La Thăng tiếp tục bị truy tố về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án xảy ra tại Ethanol Phú Thọ thì sẽ phải nhận án tù thế nào?

Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, theo truy tố của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN bị truy tố về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Khoản 3 Điều 224 Bộ luật Hình sự 2015.

Như vậy, nếu kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa tới đây cho thấy hành vi của ông Đinh La Thăng đủ yếu tố cấu thành tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng thì ông này sẽ bị kết tội và chịu mức xử phạt theo quy định tại Khoản 3 Điều 224 Bộ luật Hình sự 2015.

Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:

“Điều 224. Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng: 3. phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.”.

Do đó, với tội danh bị truy tố, ông Đinh La Thăng có thể phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù.

Tuy nhiên, hiện nay, ông Đinh La Thăng đang phải chấp hành hình phạt đối với 2 bản án đã có hiệu lực pháp luật và đã được tòa án tổng hợp hình phạt là 30 năm tù.
Trong trường hợp, ông Thăng tiếp tục bị kết tội trong vụ án thứ ba liên quan dự án Ethanol Phú Thọ và mức hình phạt vẫn là tù có thời hạn, tòa án sẽ tiếp tục tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc của bộ luật hình sự nhưng không quá 30 năm đối với trường hợp phạm nhiều tội.

 Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp.

Khi bị xử phạt về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Khoản 3 Điều 224 Bộ luật Hình sự 2015 thì thời hạn chấp hành án tù đối với ông Đinh La Thăng sẽ được tính trên quy định tại Điều 56 BLHS năm 2015, tổng hợp hình phạt của nhiều bản án có ba trường hợp.

Cụ thể, tại Điều 56 nêu rõ, tổng hợp hình phạt của nhiều bản án:

1. Trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này. Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung.

2. Khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này.

3. Trong trường hợp một người phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp, thì Chánh án Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tổng hợp hình phạt của các bản án theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Theo Điều 55. Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội quy định, khi xét xử cùng 1 lần một người phạm nhiều tội, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt theo quy định sau đây:

1. Đối với hình phạt chính:

a) Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá 03 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn;

b) Nếu các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỷ lệ cứ 3 ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành 01 ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

c) Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân;

d) Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình;

đ) Phạt tiền không tổng hợp với các loại hình phạt khác; các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;

e) Trục xuất không tổng hợp với các loại hình phạt khác;

2. Đối với hình phạt bổ sung:

a) Nếu các hình phạt đã tuyên là cùng loại thì hình phạt chung được quyết định trong giới hạn do Bộ luật này quy định đối với loại hình phạt đó; riêng đối với hình phạt tiền thì các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;

b) Nếu các hình phạt đã tuyên là khác loại thì người bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên.

Như vậy, trong trường hợp ông Thăng bị kết tội trong vụ án này, theo quy định của pháp luật thời hạn tù mà ông Đinh La Thăng phải chấp hành theo bản án mới được trừ đi thời gian đã chấp hành án đối với hai bản án cũ mà tổng hợp hình phạt của cả ba bản án không quá 30 năm tù.

Tác giả: Tâm Đức

Nguồn tin: Báo Kiến thức