Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Truy tìm cô gái 'nhặt' 48 triệu đồng của người khác từ cây ATM

Sau khi chuyển 48 triệu tiền mặt vào cây ATM, chị Lan không thấy tin nhắn cộng tiền vào tài khoản. Khi nhờ ngân hàng kiểm tra lại thấy người giao dịch sau lấy mất.

 Người phụ nữ lấy tiền từ cây ATM sau khi chị Lan chuyển tiền vào tài khoản bị lỗi

Ngày 22/01/2020, tức 28 Tết Nguyên đán, chị Hoàng Thị Lan thực hiện việc chuyển tiền mặt, số tiền 47.900.000 đồng vào tài khoản tại cây ATM của VPBank, số 5 Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, Hà Nội. Do thời điểm cuối năm nên chị Lan đã vội vàng, bất cẩn, cộng với việc có nhiều người đứng sau chờ đợi, sau khi đẩy số tiền trên vào cây ATM, chị cho là đã hoàn tất giao dịch và rời đi.

Theo giải thích của nhân viên ngân hàng, khả năng chị Hoàng Thị Lan chưa nhấn nút hoàn tất giao dịch xác nhận việc chuyển tiền, do đó khiến số tiền 47,9 triệu đồng của chị chưa được nhập vào ATM. Người khách đến sau có thể đã bấm nút không đồng ý hoàn tất giao dịch để tiền trồi lên và lấy luôn số tiền trên của chị.

Theo nội dung camera ghi lại, ngay sau khi chị Lan rời khỏi cây ATM, một cô gái bước vào, người này không thực hiện giao dịch mà nhặt luôn số tiền 47,9 triệu đồng vừa được ATM "nhả" ra rồi vội vã bước đi. Hiện công an đang truy tìm cô gái.

Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, Điều 230 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó; nếu không biết địa chỉ thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại”.

Như vậy, người phụ nữ chiếm giữ số tiền 47,9 triệu đồng là không có căn cứ theo quy định của pháp luật. Số tiền này cần được trả lại cho chủ sở hữu. Trường hợp nếu không biết địa chỉ chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp lại ngay cho Ngân hàng hoặc UBND Phường hoặc Cơ quan Công An nơi gần nhất để thông báo cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

Trường hợp người phụ nữ cố tình không trả sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác theo điểm e, khoản 2, Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 02 - 05 triệu đồng.

Trong trường hợp Cơ quan điều tra đã thông báo lên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc qua quá trình điều tra làm rõ được danh tính người phụ nữ này yêu cầu giao nộp lại số tiền 47,9 triệu đồng mà cố tình không chấp hành thì sẽ bị xử lý về tội Chiếm giữ trái phép tài sản. Tội danh và hình phạt được quy định tại Khoản 1 Điều 176 BLHS 2015 với hình phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản

1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng,di vật, cổ vậthoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Tác giả: Cao Nguyên

Nguồn tin: Doisongplus.vn