Tp Vinh “nhốt” người dân sống chung với nước thải
- 10:37 17-02-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đây là thực trạng đang tồn tại giữa “thanh thiên bạch nhật” của nhiều hộ dân sinh sống trên đoạn đường nói trên nhưng các cấp chính quyền vẫn thờ ơ, vô cảm.
Chính quyền “bỏ quên” công trình công cộng
Được biết, dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, phường Hưng Dũng đã được khởi công từ năm 2009, có chiều dài 1,4 km với tổng kinh phí đầu tư là 11 tỉ đồng.
Vậy nhưng, sau đó dự án mới chỉ thực hiện được chiều dài khoảng 500 m đoạn đi qua khối Văn Tiến, từ điểm nối với đường Nguyễn Phong Sắc đến điểm giao nhau với đường Nguyễn Gia Thiều. Đoạn còn lại từ đoạn giao nhau với đường Nguyễn Gia Thiều tiếp giáp với đường Nguyễn Viết Xuân với tổng chiều dài hơn 500m còn lại qua khối Văn Trung và Đông Lâm chỉ nâng cấp trải thảm nhựa nhưng hệ thống mương thoát nước mưa, nước thải thì không triển khai thực hiện.
Lý giải về việc này, đại diện chính quyền địa phương cho rằng, do vướng mắc về giải phóng mặt bằng nên khi triển khai dự án không thể thi công tiếp phần mương thoát nước.
Chính vì vậy, trên 500m chiều dài mương thoát nước cho các hộ dân sinh sống dọc tuyến đường Nguyễn Duy Trinh qua khối Văn Trung, Đông Lâm bị “bỏ quên” hơn 10 năm nay.
Thực trạng này đã khiến cuộc sống sinh hoạt của nhiều hộ dân ở đây hàng ngày phải sống chung với nước thải sinh hoạt. Chưa kể, trời mưa xuống, nước tràn vào nhà dân là thảm cảnh tái diễn suốt thời gian qua.
Hàng chục năm nay, hơn 500m chiều dài đường Nguyễn Duy Trinh không được thi công hạng mục mương thoát nước nên lượng nước thải sinh hoạt của người dân đã rò rỉ, xả thẳng ra mặt đường |
“Hàng chục năm qua, gia đình chúng tôi phải sống trong cảnh bế tắc vì không biết xử lý nguồn nước thải sinh hoạt đi đâu cả. Làm đơn xin chính quyền phường Hưng Dũng đào hố ga, thu gom xử lý nước thải sinh hoạt sát hành lang tuyến đường Nguyễn Duy Trinh thì không cho làm.
Tại sao chính quyền cứ mãi để dân phải sống chung với nước thải sinh hoạt như vậy?” – một hộ dân sinh sống ở khối Văn Trung, trên tuyến đường Nguyễn Duy Trinh bức xúc.
Đây cũng là thực trạng chung mà hàng chục hộ dân sinh sống ở đoạn đường này đang phải hàng ngày cùng “ăn, ngủ” với nước thải do các cấp chính quyền Tp Vinh “bỏ quyền” công trình công cộng ở một đô thị loại I.
“Nhốt” người dân sống chung với nước thải
Khi đem vấn đề này trao đổi với đại diện chính quyền địa phương thì ngay cả ông Nguyễn Như Hải - chủ tịch UBND phường Hưng Dũng và cán bộ đô thị - xây dựng của địa phương này vẫn không đưa ra được giải pháp tối ưu để khắc phục.
Chính vì vậy, việc xử lý, tiêu úng nguồn nước thải sinh hoạt của nhiều hộ dân ở khối Văn Trung, Đông Lâm phường Hưng Dũng bị tắc lại. Điều này cũng đồng nghĩa với việc lưu lượng nước thải sinh hoạt thải ra từ các hộ dân bị “nhốt” lại trong ô nhiễm.
Ông Nguyễn Quốc Thắng – Trưởng phòng quản lý đô thị Tp Vinh thừa nhận là có tình trạng đoạn đường Nguyễn Duy Trinh điểm giao nhau với Nguyễn Gia Thiều xuống Nguyễn Viết Xuân không có mương thoát nước.
“Hiện nay thành phố đang thi công 2 tuyến mương thoát nước chạy song song với tuyến đường này. Còn việc các hộ dân sinh sống dọc tuyến đường Nguyễn Duy Trinh ở địa điểm đó chưa làm được mương thoát nước là do chưa giải phóng được mặt bằng” – ông Nguyễn Quốc Thắng thông tin thêm.
Người dân bức xúc trước việc các cấp ngành ở Tp Vinh đã "nhốt" họ phải sống chung với nước thải sinh hoạt do không có hệ thống đấu nối xả suốt thời gian qua |
Vậy nhưng, khi phóng viên đặt vấn đề thành phố đã có giải pháp gì cho việc xử lý nước thải sinh hoạt hiện nay thì ông Nguyễn Quốc Thắng nói phải chờ?!.
Tuy nhiên, điệp khúc “chờ” này mà vị trưởng phòng quản lý đô thị Tp Vinh nói thì chưa biết bao giờ người dân ở đây mới nhận được câu trả lời là giải pháp thực tiễn.
Chính vì vậy, nguy cơ ô nhiễm do bế tắc nguồn nước thải đang “tra tấn” người dân ở đây chưa biết bao giờ mới giải thoát được.
Chẳng lẽ, các cấp chính quyền ở Tp Vinh lại cứ “nhốt” người dân ở đây phải sống chung với nước thải đến bao giờ chỉ vì cái cớ vướng giải phóng mặt bằng mà để văn minh – môi trường đô thị bị ảnh hưởng đến bộ mặt chung?
Tác giả: Ngọc Thái
Nguồn tin: Báo Diễn dàn Doanh nghiệp