Con vật không thể thiếu trong lễ cúng năm mới ở vùng biên xứ Nghệ
- 07:12 29-01-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vùng đất quanh năm mây phủ
Xã Keng Đu (Kỳ Sơn, Nghệ An) ở độ cao 1.100m so với mực nước biển. Theo con đường độc đạo từ thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn), vượt qua nhiều núi đồi cao vời vợi mới đến được Keng Đu, khiến người ta có cảm giác như... đi lên trời.
Ở vùng đất quanh năm mây phủ này, không biết bao đời nay, người Khơ Mú và người Thái đã đến đây lập nghiệp. Họ luôn tự hào bản quê mình có hai ‘cổng trời’ án ngữ là ‘cổng trời’ Huồi Ling và Huồi Lê.
Vượt qua nhiều núi đồi cao vời vợi mới đến được Keng Đu, khiến người ta có cảm giác như... đi lên trời |
Đứng bên này Keng Đu, phóng tầm mắt ra xa, người ta có thể nhìn thấy rõ bản làng của người Lào.
Theo người dân nơi đây, Keng Đu - theo tiếng Thái là vùng đất của loài gỗ đinh hương. ‘Keng’ là thác, ‘đu’ là cây đinh hương.
Keng Đu nằm gần một thác nước thượng nguồn sông Nậm Nơn, bên cạnh là rừng đinh hương nên ghép lại thành tên gọi của xã bây giờ. Nay, rừng đinh hương của vùng gần như không còn.
Những nếp nhà người Khơ Mú ở xã Keng Đu (Kỳ Sơn, Nghệ An). |
Khí hậu ở Keng Đu khá khắc nghiệt, với sự chênh lệch rõ rệt nhiệt độ giữa ngày và đêm. Người dân sống bằng nghề phát nương, làm rẫy theo hình thức du canh du cư.
Khi hết vụ, họ vác gùi lên núi lấy măng, rau để ăn qua ngày.
Kỳ bí lễ cúng đón năm mới
Theo ông Lô May Mằn (Bí thư xã Keng Đu), xã có khoảng 400 hộ dân, 90% là người dân tộc Khơ Mú. Cuộc sống khó khăn nhưng người Khơ Mú có nhiều nét văn hóa đặc sắc. Đặc biệt Tết của họ còn lưu giữ được nhiều nét truyền thống khác biệt cho đến tận ngày nay.
Tết quan trọng nhất của người Khơ Mú là Tết Grơ. Tết Grơ không cố định về thời gian, phụ thuộc vào ngày kết thúc vụ mùa.
Theo đó, sau ngày thu hoạch lúa (vào khoảng tháng 12 dương lịch), người dân đã rục rịch chuẩn bị đón Tết Grơ bằng việc dự trữ lương thực, thực phẩm và dọn dẹp, trang trí nhà cửa…
Trong mâm cỗ cúng của người Khơ Mú, không thể thiếu 2 con gà, 1 vò rượu cần và 1 đĩa cau trầu.
Người dân tộc Khơ Mú ở Keng Đu. |
Ông Lương Văn Vinh, Trưởng Công an xã Keng Đu, giải thích, người Khơ Mú sắm 2 con gà với ý nghĩa 1 con tượng trưng cho năm cũ và 1 con tượng trưng cho năm mới.
Người ta mong muốn con gà năm cũ sẽ đưa đi những điều xui xẻo, tai ương, bệnh tật của năm cũ và con gà năm mới sẽ mang đến may mắn, thuận lợi.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ mâm lễ, người lớn tuổi nhất trong gia đình bắt đầu làm lễ Tết Grơ bằng tiếng dân tộc Khơ Mú.
Kết thúc bài cúng, một con gà sẽ được lấy tiết. Sau đó, người thực hiện nghi lễ sẽ lấy tiết gà bôi lên đầu gối của từng thành viên trong gia đình.
Đây là điểm đặc biệt nhất trong Tết của người Khơ Mú với mong muốn những điều không may mắn trong năm cũ sẽ được xóa bỏ.
Sau công đoạn này, con gà còn lại cũng được lấy tiết. Tiếp đó, lần lượt từng người trong gia đình lại được bôi tiết gà lên đầu gối để mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến vào năm mới.
Tục lệ này cũng mong muốn con người có đôi chân vững chãi để vượt rừng, vượt suối trồng trọt, làm ăn.
Sau khi kết thúc các nghi lễ trên, cả 2 con gà sẽ được làm thịt để làm mâm cúng mời tổ tiên về ăn Tết cùng gia đình.
Ông Lương Văn Vinh cho biết, ngày nay, nhiều gia đình làm ghép Tết Grơ và Tết cổ truyền dân tộc (Tết của người Kinh) thành một.
Tuy nhiên cũng không ít gia đình ở Keng Đu tổ chức riêng 2 Tết. Vào Tết Grơ, gia đình tổ chức cúng và làm lễ. Sau đó, đến Tết Nguyên đán họ chỉ liên hoan và vui chơi đón năm mới.
Cũng giống như người Kinh, trong ngày đầu năm, người Khơ Mú quan niệm, người xông nhà rất quan trọng vì họ sẽ mang đến những điều tốt đẹp, may mắn cho gia đình trong suốt cả năm.
Vào ngày Tết, gia đình người Khơ Mú không thể thiếu rượu cần. Họ cho rằng, những ai vượt được ‘cổng trời’ vào với Keng Đu đều là khách quý của bản.
Để tỏ lòng hiếu khách, những bát rượu cần, miếng bánh chưng thơm mùi lúa mới được dọn ra để mời khách sau một chặng đường xa…
Tác giả: Ngọc Trang
Nguồn tin: Báo Việt Nam Net