Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An: Lan toả những lá đơn xin thoát nghèo

Nhiều câu chuyện cảm động về những trường hợp viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo trong đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An) ngày càng lan tỏa mạnh mẽ. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng họ đã làm đơn đề nghị thoát nghèo, nhường lại chế độ của Nhà nước cho các hộ khác, tự lực vươn lên trong phát triển kinh tế hộ gia đình.

Xin ra là để tìm cách làm ăn khấm khá

Xã Môn Sơn cách trung tâm huyện Con Cuông khoảng 20km, có đến gần 90% là người dân tộc thiểu số. Từng là xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, nhưng đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của Môn Sơn liên tục giảm nhanh và bền vững, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3 - 5% hàng năm. Năm 2019 xã đã có 33 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái tự nguyên viết đơn xin thoát nghèo. Đặc biệt, những hộ này đang trong độ tuổi lao động và tiên phong viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.

 Mô hình trang trại của gia đình ông Vi Văn Đoàn

Một sớm cuối năm, chúng tôi về bản Xiềng Xa, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Theo bước chân của trưởng bản, chúng tôi gặp ông Vi Văn Đoàn là một trong những hộ gia đình xin thoát nghèo. Cũng như bao gia đình trong bản, cuộc sống của gia đình ông Đoàn trước đây trông chờ hoàn toàn vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Đảng và Nhà nước. Không cam chịu đói, nghèo ông đã mạnh dạn đứng ra vay vốn, đầu tư nuôi cá trắm giòn trong lồng trên sông Giăng, chăn nuôi để phát triển kinh tế hộ gia đình theo mô hình VARC (Vườn - ao - rừng - chuồng). Chỉ sau vài năm, gia đình ông trở thành hộ có kinh tế khá giả nhất bản. Ông Đoàn tâm sự: Tôi viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo biết là mất sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng viết là để con cái thấy và có ý chí vươn lên, để những gia đình khác còn nghèo khổ hơn được hỗ trợ. Với lòng tự trọng, không cam chịu đói nghèo và ý thức vươn lên, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, phong trào viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Môn Sơn ngày càng lan tỏa và có tác động tích cực đến đời sống của người dân.

Câu chuyện của những lá đơn đầu tiên xin thoát nghèo ở Con Cuông như một tấm gương sáng. Từ năm 2012 đến năm 2019 toàn huyện Con Cuông có 503 hộ xin thoát nghèo. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, ý thức, nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân đóng vai trò quyết định. Với một huyện vùng cao còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế như Con Cuông, thì hơn 503 hộ tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo là tín hiệu tích cực để huyện hoàn thành mục tiêu Nghị quyết đề ra là giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 4 - 5%...

Lan tỏa tinh thần vượt khó

“Muốn thoát nghèo, ý thức, động lực của người dân là rất quan trọng, nhưng cần có cơ chế, mô hình hiệu quả để bà con triển khai, phát huy tiềm năng, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, làm giàu chính đáng” - ông Lô Văn Thao - Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết.

Xuất phát từ địa hình miền núi tiềm năng đất đai rộng lớn, khí hậu phù hợp, địa phương chủ trương tập trung quy hoạch xây dựng và cơ cấu kinh tế vùng, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi và trồng trọt theo mô hình trang trại, gia trại… nên nhiều hộ gia đình đã xây dựng, phát triển mô hình kinh tế trang trại, phát triển cây ăn quả kết hợp chăn nuôi thành công và vươn lên thoát nghèo. Nhiều gia đình đã làm kinh tế trang trại, chăn nuôi thu lãi từ 100 - 200 triệu đồng năm.

Những lá đơn xin thoát nghèo ở Con Cuông, Anh Sơn và Quỳ Châu - những huyện miền núi khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có tác động tích cực trong việc động viên người dân xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, khắc phục khó khăn, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống. Ông Nguyễn Đình Hùng - Bí thư Huyện ủy Con Cuông chia sẻ: Chúng tôi chắc chắn những lá đơn này và hơn 500 lá đơn trong thời gian qua của người dân tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo đã tạo sức lan tỏa, trở thành phong trào và là văn hóa của người miền núi, lòng tự trọng của người dân để chịu khó làm ăn, thoát nghèo.

Tác giả: Hoàng Trinh

Nguồn tin: Báo Công thương