Mỗi dịp xuân về tết đến, ông thường có câu đối tết cho anh em thưởng thức và bạn hữu cũng háo hức chờ nghe câu đối tết của ông. Nhớ tròn một con giáp trước, năm Mậu Tý (2008) bước qua năm Kỷ Sửu (2009), ông có cặp đối để đời:
Năm Chuột đi, cháy nhà vẫn không ra mặt chuột
Tết Trâu đến, gảy đàn liệu có lọt tai trâu
Cặp đối thật chỉnh, vế sau mỗi câu đều là thành ngữ được dùng đắc địa, hợp ý hợp cảnh, đúng tâm tư ý nghĩ của người dân trước hiện tình đất nước, đọc lên nghe thấm thía nỗi lòng. Mọi người tấm tắc khen, truyền miệng nhau. Nhưng rồi cũng nghe xôn xao nó “phạm húy”, tác giả bị nhắc nhở. Tôi hỏi ông thực hư, ông vuốt râu “Năm Chuột qua...” và cười khà.
1. Tài làm câu đối của “đồ Nghệ” Văn Như Cương đã phát lộ từ sớm và cũng sớm trở thành giai thoại được truyền tụng từ Vinh ra Hà Nội vào Sài Gòn. Hồi còn dạy học ở tỉnh nhà, thầy Nguyễn Tài Đại - Trưởng Ty Giáo dục Nghệ An - ra một vế đối vui bằng những cặp từ lái, nói về khó khăn của giáo viên thời bao cấp: "Thầy giáo tháo giày, tháo cả ủng, thủng cả áo, lấy giáo án dán áo". Trong khi mọi người đang loay hoay nghĩ, ông đã đối lại: "Nhà trường nhường trà, nhường cả hoa, nhòa cả hương, lĩnh lương hưu lưu hương". Phải là người mẫn tiệp đầu óc mới đối được và đối nhanh mà lại hay như vậy. Bởi vì câu đối, một thể loại văn học trung đại, đòi hỏi người chơi nó trí tuệ phải sắc sảo linh hoạt, học vấn phải dồi dào phong phú, tiếng Việt phải giỏi giang sâu sắc, khả năng ứng đối phải nhanh nhẹn tinh nhạy. Có lẽ ở đây, toán học đã giúp ích cho ông Cương trong trò chơi chữ nghĩa văn chương này.
Ông thích ra đối và mời mọi người đối lại. Có khi không ai đối được, ông lại tự mình đối. Người ta truyền tụng cái câu “Võ nguyên Võ Nguyên Giáp” là ông ra trước để gà cho mọi người lấy tên ông mà đối lại “Văn như Văn Như Cương”. Nhưng rồi chính ông lại phải tự mình đối lại câu ra của mình. Cũng có dị bản là câu ra của người khác và ông Cương đã rất nhanh lấy tên mình làm thành vế đối đáp lại. Thế nào thì đó cũng là cặp đối hay, và vui. Ở đây, không có gì là bất kính hay bất tương xứng cả, nó là cặp đối chơi chữ tên người rất... Văn Như Cương. Mà chính vị đại tướng lừng danh của đất nước khi được nghe đọc cặp đối này đã cười vui thích thú và khen tác giả thông minh.
2. Tôi nhớ một đêm trung thu nào đó đang đi chơi với bạn bè thì nhận được điện thoại ông gọi. Ông bảo về ngay một nhà hàng đang có đông bạn hữu văn chương tụ tập. Tôi vừa ló đến, ông reo lên: A, Nguyên đến đây rồi, giờ thì tôi đọc nhé. Và ông đọc “Xuân Nguyên mất vợ xuân còn nguyên”. Tôi ngớ ra, chưa hiểu mô tê ất giáp gì. Đọc xong vế đối ông mới nói chuyện: Chẳng là trong cuộc vui, ông nảy ra một vế đối liền đọc lên mời anh em đối - “Bằng Việt làm thơ bằng tiếng Việt”. Không ai đối được, ông liền bảo vậy để tôi đối, nhưng phải gọi Phạm Xuân Nguyên về đây đã vì vế này liên quan đến hắn, đọc công khai cho hắn nghe kẻo lỡ hắn bực tôi thì sao. Nghe chuyện, tôi vui lây cùng mọi người. Nhà thơ Nguyễn Duy có mặt liền giơ tay xin ông Cương cho sửa một chút, chỉ thêm một cái dấu thôi, trong vế đối chơi chữ tên tôi ông vừa đọc. “Đồ Nghệ” gật đầu và anh Duy đọc: “Xuân Nguyên mất vợ xuẩn còn nguyên”. Cả hội cười nghiêng ngả.
Tết Tân Mão (2011), tôi nhận được một vế ra đối của một người bạn gửi từ Sài Gòn mời đối: “Năm mèo bấm chuột gửi meo cho mèo”. Vế ra rất đơn giản nhưng thật tài tình và hóc hiểm, đúng thời đại tin học. Trên mặt chữ thì là nói con mèo con chuột, nhưng chuột đây là chuột (mouse) máy tính, mèo ở cuối câu là chỉ “bồ bịch”, còn “meo” vừa là tiếng mèo kêu vừa là thư điện tử (email). Tôi vặn óc vẫn không đối được đành trả lời người bạn bằng vế đối của Mạc Đĩnh Chi xưa “Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối” (“Ra vế đối dễ, đối lại vế đối khó, xin mời tiên sinh đối trước”). Một hôm ngồi chơi, tôi đọc cho ông Cương nghe vế đối đó và “thách” ông đối được. Ông nói câu tiếng Nga (Hãy đợi đấy). Một thời gian sau, tôi nhắc lại thì ông bảo quả câu đó khó, phải để nghĩ đã.
Và rồi ông về trời ở tuổi tám mươi, chưa kịp trả lời vế đối cho tôi và người bạn. Quả thực, vế ra đối “năm mèo bấm chuột gửi meo cho mèo” khó thật, nó sẽ lại được nhập vào loại những vế ra khó chưa có vế đối lại trong kho tàng câu đối Việt Nam xưa nay, kiểu như “Gái tơ chỉ kén ngài quân tử” hoặc “Biệt kích bơi ếch vào bắt cóc, cóc bắt được ai, bị trói ngồi trơ mắt ếch”.
3. Ngoài câu đối, “đồ Nghệ” Văn Như Cương còn làm thơ, những bài thơ theo thể tứ tuyệt và thất ngôn bát cú như các nhà nho xưa hay làm. Với mẹ, ông có bài thơ “Cõng mẹ” đầy xúc động. Tết năm 1997, ông về quê ăn tết với mẹ và họ hàng, làng mạc. Sáng mồng 1 Tết năm ấy, ông cõng mẹ ra nhà thờ họ dự lễ cúng đầu năm. Cảm giác thấy người mẹ 94 tuổi nhẹ bẫng trên lưng đứa con 60 tuổi đã khiến ông bàng hoàng thương mẹ và bật ra những câu thơ nặng tình mẫu tử: “Con sáu mươi cõng mẹ chín tư / Mẹ ơi, mẹ nhẹ thế này ư / Thôi con, đừng có lo cho mẹ / Mẹ sợ chân con sẽ mỏi nhừ”.
Với vợ, ông có bài thơ “Cắm hoa” đầy hóm hỉnh. Vợ ông thường cắm hoa trên bàn làm việc của ông. Chà, chắc “nội tướng” nghĩ làm toán khô khan nên muốn làm tươi cho mình đây. Thế là nhà toán học nảy một tứ thơ: “Em cắm hoa tươi để cạnh bàn / Mong rằng toán học bớt khô khan / Em ơi trong toán nhiều công thức / Đẹp tựa như hoa lại chẳng tàn”.
Với các đồng nghiệp ở tổ toán Hình học, Đại học Sư phạm Hà Nội, ông có bài chia tay “Về hưu”:
“Ta phải về thôi, tuổi xế chiều
Dẫu còn dan díu chút tình yêu
Bài ca Sư phạm chưa dừng lại
Công việc trồng người vẫn đuổi theo
Sức khỏe trời cho còn đủ mạnh
Lương hưu vợ quản vẫn thừa tiêu
Đời người vốn dĩ không dài lắm
Sự nghiệp thôi thì chỉ bấy nhiêu” (2001)
Câu kết bài thơ, ông nhận mình khiêm tốn, nhẹ thênh. Nhưng khi ông nằm xuống, cuộc đời đã ghi công ông không chỉ là một nhà giáo, mà còn là một nhà giáo dục đã có nhiều đóng góp cho sự học nước nhà, nhất là người tiên phong mở ra một hướng đi mới cho sự nghiệp giáo dục bằng việc lập ra trường Lương Thế Vinh (1989) - ngôi trường tư thục đầu tiên thời hiện nay.
Ông “đồ Nghệ” Văn Như Cương đã vắng bóng trần hai xuân. Đã hai kỳ tết qua, bạn hữu không còn được chờ đón nghe những câu đối, những bài thơ của ông như một thú vui văn hóa thanh nhã. Nhưng mọi người vẫn thường nhắc những vế đối ông đã để lại và nhớ tới ông, một ông “đồ Nghệ” trong một “Nhà giáo vì dân, dân kính phục / Người thầy hướng đạo, đạo bền lâu” (Lê Thống Nhất).